Những lời tâm huyết dành tặng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

09/06/2012 13:19
Nhóm phóng viên
(GDVN) – PGS Văn Như Cương nhẹ nhàng để tay phải lên lồng ngực xúc động phát biểu: “Tôi khâm phục báo Giáo dục Việt Nam, chỉ trong một năm mà các bạn đã có cả một cơ ngơi trong lòng bạn đọc. Đó là gia sản đáng quý vô cùng”.
“Một chèo một chống”
Mặc dù đến 10h15 Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới chính thức bắt đầu nhưng ngay từ 9h, đã rất đông các vị nguyên lãnh đạo Đảng nhà nước, các tướng lĩnh, lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐHCĐ ngoài công lập… có mặt với những bó hoa tươi thắm trong tay.
Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 cầm tay Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chậm rãi đi từng bước vào hội trường giữa tiếng vỗ tay của nhiều phóng viên, lãnh đạo báo. Chỉ trước đó ít phút, phu nhân của Trung tướng Nguyễn Ân còn nói qua điện thoại với phóng viên: “Ông nhà tôi đang rất mệt nhưng sáng nay đã dậy từ sớm, quân phục chỉnh tề để có mặt trong lễ sinh nhật của Giáo dục Việt Nam. Tôi xin chúc mừng các bạn”.

Từ trái qua phải, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Nguyễn Ân và cô Anh Thơ
Từ trái qua phải, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Nguyễn Ân và cô Anh Thơ 


Tướng Nguyễn Quốc Thước vui vẻ nói: “Mới một tuổi đời nhưng các đồng chí từ Tổng biên tập tới phóng viên mà tôi có dịp tiếp cận đều thể hiện trách nhiệm rất cao. Ngày vui trọng đại như thế này, làm sao tôi có thể vắng mặt cho được!”.

Có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập báo điện tử Giáo dục Việt Nam còn có các ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học- Cao đẳng ngoài công  ngoài công lập, PGS Văn Như Cương, PGS-TS Trần Lưu Vân Hiển – mẹ giáo sư Ngô Bảo Châu, Luật sư Lê Đức Tiết- Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật –UB MTTQVN; Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, giám đốc trung tâm dư luận xã hội, viện XHH; hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh, hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan; kiện tướng Dance Sport Chí Anh; nghệ sĩ hài Tự Long,… Đại tướng Lê Đức Anh, GS Đặng Hùng Võ, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nhận lời mời tham dự buổi lễ nhưng vì lý do sức khỏe và công việc đột xuất nên đã gửi hoa và lời chúc.

Lẵng hoa và thiệp mừng của Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tới tập thể lãnh đạo, phóng viên, nhân viên báo Giáo dục Việt Nam
Lẵng hoa và thiệp mừng của Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tới tập thể lãnh đạo, phóng viên, nhân viên báo Giáo dục Việt Nam


Mở đầu buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo điện tử GDVN xúc động nhớ lại thời điểm cách đây 1 năm: “Khi đó, những con người ít ỏi của tờ báo cứ lặng thầm làm việc, cùng đoàn kết cố gắng và cùng nhìn thấy lượng truy cập vào báo tăng lên mỗi ngày. Sau 3 tháng, con số này tăng lên 100 nghìn lượt đọc/ngày. Khi đó, tôi mơ ước một ngày chúng tôi có thể có một buổi gặp gỡ kỷ niệm như ngày hôm nay.

Nhưng không biết khi nào ngày này mới đến, nếu như không đạt được một vị trí, nhận được sự yêu quý, tin tưởng của đông đảo công chúng. Do đó, Ban lãnh đạo và các phóng viên của tờ báo đã nỗ lực hết mình để tờ báo của chúng tôi có được vị trí như hôm nay trong làng báo Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Bình - TBT báo Giáo dục Việt Nam
Ông Nguyễn Tiến Bình - TBT báo Giáo dục Việt Nam


Mới đây, thống kê lượt đọc trên báo điện tử GDVN là khoảng 4 triệu lượt đọc/ngày. Và tôi tin rằng, sau một năm nữa, khi gặp lại, con số này sẽ cao hơn rất nhiều. Được gặp mặt quý vị ở đây, tôi rất vui mừng và rất mong quý vị cùng đồng hành với báo trong thời gian tiếp theo". 

Cùng nhớ về thời điểm đó, ông Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH CĐ ngoài công lập nói: “Hiệp hội ra đời vào năm 2004 với bộn bề gian khó. Còn nhớ khi đó, tôi đã nói với anh Bình (Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – TBT báo Giáo dục Việt Nam) những điều từ tâm can: Báo ra đời khi Hiệp hội cũng còn nhiều gian khó, các anh phải “một chèo một chống” vươn lên, cùng góp phần vào sự nghiệp giáo dục toàn dân. Và quả thực, báo Giáo dục Việt Nam không những vươn lên mà còn phát triển mạnh mẽ. Tôi tin rằng, với ý chí như vậy, báo sẽ ngày càng thu hút nhiều bạn đọc hơn nữa”.

Ông Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH CĐ ngoài công lập
Ông Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH CĐ ngoài công lập


PGS Văn Như Cương xúc động nói: “Có mặt ở đây hôm nay, thâm tâm tôi rất cảm phục các bạn. Chỉ trong một năm, bắt tay từ con số 0 mà hiện nay các bạn đã có cả một cơ ngơi trong lòng độc giả. Tôi tin chắc chắn rằng báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn nhiều”

“Học nữa, học mãi”

Nói về những hoạt động thiện nguyện mà báo Giáo dục Việt Nam phát động trong một năm vừa qua, ông Nguyễn Tiến Bình kể lại: “trong 1 chuyến từ thiện mang “Bữa cơm có thịt” đến với học sinh vùng Tây Bắc, đoàn công tác của báo phải chia làm hai nhóm đến hai điểm trường cách nhau hơn 10 km.

Khi đang trao quà cho học sinh một trường nội trú dân nuôi, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của một vị lãnh đạo xã giọng nghẹn ngào nói: “Có một cô giáo già của đoàn từ thiện đã bật khóc vì thương các cháu học sinh khổ quá”. Đó chính là cô Anh Thơ, nguyên là giáo viên ĐH Quốc gia Hà Nội đã gắn bó cùng nhiều chương trình từ thiện của báo, trải suốt một năm trời, đi khắp bao miền tổ quốc. Tôi biết, với nhiều em nhỏ, cô đã như một bà Tiên mang tới cho các cháu ngọn lửa của tình thương và lòng nhân ái. Những giọt nước mắt đó, một lần nữa thôi thúc tôi kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ, xây dựng các điểm trường cho các em ở Kim Bon, Phù Yên, Sơn La”.

Cô Anh Thơ bật khóc khi nhắc lại kỷ niệm những chuyến thiện nguyện cùng báo Giáo dục Việt Nam
Cô Anh Thơ bật khóc khi nhắc lại kỷ niệm những chuyến thiện nguyện cùng báo Giáo dục Việt Nam


Lặng lẽ lau nước mắt khi nhớ về kỷ niệm những chuyến thiện nguyện cùng báo Giáo dục Việt Nam, cô Anh Thơ nói: “tôi thực sự đang rất xúc động. Khi có mặt ở đây, tôi nhớ về học trò nhỏ tên Nguyễn Thành Nam của lớp học Hy vọng tại Bệnh viện Nhi. Đó là một trong những học trò ngoan nhất của lớp. Cách đây một tháng, tôi mới được biết do bệnh nặng, em phải rời xa lớp học và trở về nhà. Sáng qua, tôi bất ngờ nhận được điện thoại thân nhân em báo tin em đã qua đời.

Tối qua, khi nhìn lại tấm ảnh của em, tôi vô cùng xúc động. Điều an ủi nhất với em, là những ngày cuối đời, báo Giáo dục Việt Nam đã mang lớp học Hy vọng đến tận giường bệnh, mang lại cho em những ngày hạnh phúc”.

Ông Bùi Ngọc Cải - Phó TBT báo Giáo dục Việt Nam
Ông Bùi Ngọc Cải - Phó TBT báo Giáo dục Việt Nam


Trong không khí xúc động, ông Bùi Ngọc Cải, Phó Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam nói những lời tri ân: “Tôi vinh dự nói lời tri ân với quý vị. Báo có ngày hôm nay là sự học hỏi các quý vị. Chúng tôi học được gì từ Đại tướng Lê Đức Anh? Khi tờ báo mới ra mắt được 2 tháng tuổi, chúng tôi đã đến nhà Đại tướng Lê Đức Anh. Vị tướng 93 tuổi, mắt đã mờ, tai đã kém phải dùng máy trợ thính nhưng hàng ngày vẫn áp chiếc đài nhỏ đã cũ kỹ lên tai để nghe tình hình đất nước. Khi vụ Tiên Lãng xảy ra, ông vẫn theo dõi và đã có những phát biểu có sức nặng ngàn cân.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên tư lệnh Quân khu 4, Nguyên tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, mở màn cho cho Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. Cách đây chỉ vài tháng, khi chúng tôi đến thăm, thấy ông đang xắn quần cầm cuốc trồng rau. Và chúng tôi biết, suốt chục năm nay, ông vẫn một lòng tận tụy chăm sóc người vợ bị liệt sau 3 lần tai biến mạch máu não. Đó thực sự là một hình ảnh khó quên với chúng tôi về một vị tướng từ chiến trường về. Trên chiến trường ông là vị tướng quyết liệt; trong nghị trường, ông là vị đại biểu với những phát biểu thẳng thắn và mang đầy tính xây dựng. Chúng tôi học ông ở cái cách làm tròn vai, làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Và lúc này đây, chúng tôi lại nhớ về Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên thứ trưởng bộ Quốc phòng, đương kim Chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Khi biết báo mới được thành lập, ông đã cùng các thành viên của hội đến để đặt vấn đề cùng báo làm từ thiện với các nạn nhân chất độc màu da cam. Chúng tôi học được rằng ông đã không từ bỏ qua một cơ hội nào để có thể đem đến cho những nạn nhân chất độc màu da cam những bù đắp tổn thất về tinh thần và thể xác. Chúng tôi học được nhiều điều từ em bé 4 tuổi đem gói kẹo để dành lên cho các em bé vùng cao. Chúng tôi học được nhiều điều từ cô Anh Thơ – người đã hơn 60 tuổi mà vẫn tích cực đi đến những vùng sâu vùng xa làm từ thiện.

GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương


Một tỷ phú cũng đã từng nói rằng: “Sự thật, so với những người thất bại thì những người thành công đã gặp nhiều thất bại hơn. Chỉ có điều họ đã nỗ lực vượt qua những thất bại đó như thế nào". Isac Newton nói rằng ông ấy có tầm vóc lớn vì ông ấy biết đứng trên vai của người khổng lồ. Báo Giáo dục Việt Nam luôn mong muốn tìm ra những khiếm khuyết của mình để hoàn thiện và phát triển trên con đường dài, nếu muốn trở thành “người khổng lồ” trong báo chí. Chúng tôi sẽ tận tụy hơn nữa để phục vụ độc giả yêu quý của mình!”
Kỳ vọng  

Nói về kỳ vọng tương lai của báo Giáo dục Việt Nam, ông Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup: “Tôi xin thay mặt tập đoàn VinGroup chúc mừng Báo Giáo dục Việt Nam tròn 1 năm tuổi. Báo đã làm được rất nhiều điều. Tôi nghĩ các anh chị đã đi đúng hướng và phát triển trong những năm tới. Không gia đình nào không quan tâm đến giáo dục. Vấn đề nhân lực hiện nay còn có những vấn đề nhất định như sự tương thích của việc đào tạo và nhu cầu của các doanh nghiệp. Tôi luôn theo sát những chuyến thiện nguyện của báo và chúng tôi mong muốn đồng hành cùng báo tham gia những hoạt động như vậy, mong báo nhiều độc giả hơn nữa”.

Đại diện hình ảnh cuộc thi Nữ sinh trong mơ, Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh vui vẻ nói: “Rất vinh dự được thay mặt anh chị em nghệ sỹ chúc mừng Báo Giáo dục Việt Nam tròn 1 năm tuổi. Khi đến dự mới biết báo mới 1 tuổi. Đây là một thành quả ấn tượng thể hiện các thành viên trong báo luôn chuyển động, và con số hơn 4 triệu lượt đọc là rất xứng đáng với công sức mà lãnh đạo, phóng viên, nhân viên báo đã bỏ ra. Tôi tin năm sau, con số này sẽ cao hơn nhiều.

Chúc báo nhiều độc giả hơn nhiều thành công hơn, nhiều bài báo hay hơn để cho bạn đọc thấy cuộc sống không chỉ có tiêu cực mà còn có rất nhiều điều tươi đẹp. Xin chúc báo Giáo dục Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa!”.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Thường Tín, Hà Nội tâm sự: “Tôi đã đồng hành với báo Giáo dục Việt Nam qua chuyến thiện nguyện, và chứng kiến tấm lòng nhân ái của lãnh đạo, phóng viên, nhân viên báo. Và qua vụ việc clip thi cử tiêu cực tại Hội đồng thi Đồng Ngô (Bắc Giang), tôi càng thấy tinh thần làm việc trách nhiệm của các bạn. Mong rằng các bạn sẽ tiếp tục giữ lửa trong lòng để tờ báo ngày càng lớn mạnh hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc”.

Cô giáo Anh Thơ nhắn nhủ: “Tôi biết, việc làm báo chịu sức ép thông tin rất lớn nên trên mặt báo còn sót một vài hạt sạn. Điều đó là khó tránh khỏi. Nhưng từ thâm tâm, tôi cũng giống như nhiều độc giả khác, mong các bạn phóng viên báo Giáo dục Việt Nam cố gắng khắc phục khó khăn, mang đến những bài báo thật hay, thật đẹp”.

Nhóm phóng viên