Gian lận thi tại Bắc Giang: Thói đời học cái tốt không dễ bằng cái xấu

16/06/2012 06:02
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Hàng ngày sự thật vẫn luôn hiện hữu với ngổn ngang là tình tiền tù tội... thế nhưng, vẫn luôn có một sự thật làm cho người ta đau lòng: Sống trên đời, làm người tốt đâu phải dễ.
Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, các ý kiến từ báo giới đăng tải phát biểu của lãnh đạo ngành giáo dục đều cho rằng, kỳ thi năm nay diễn ra tốt đẹp, đề thi không quá khó, thí sinh mỉm cười. Vậy nhưng thật bất ngờ, chỉ sau một ngày kỳ thi kết thúc đã xuất hiện một clip trên mạng vạch trần "công nghệ quay cóp" môn Hóa tại Trường THPT DL Đồi Ngô - Bắc Giang khiến cho nhiều người sửng sốt, thất vọng về những điều đã lầm tưởng. 

Giá của "sự thật" = đấu tranh + nước mắt

Người “công bố” clip này là thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Thầy Khoa lẽ ra là một công chức mẫn cán, sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về, là người có số an nhàn trong danh nhà giáo. Thế nhưng, cũng chính bởi là người làm trong môi trường giáo dục, “sống trong chăn mới biết chăn có rận”, không chịu nổi những điều “chướng tai gai mắt”, ông bắt đầu cuộc đời giông bão của mình cũng từ con đường giáo dục.

Chân dung Người đương thời Đỗ Việt Khoa
Chân dung Người đương thời Đỗ Việt Khoa

HÌNH ẢNH GIAN LẬN THI TỐT NGHIỆP MỚI NHẤT Ở PHÒNG THI THỨ HAI TẠI BẮC GIANG
NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG SẴN SÀNG PHÁ RÀO KÉO BỘ TRƯỞNG LUẬN LÊN BỜ


Không giống như nhiều người, sẵn sàng "tặc lưỡi cho qua” trước những gian lận trong thi cử, năm 2006 thầy một mình đứng lên "châm ngòi" cho cuộc chiến chống tiêu cực bằng những clip đắt giá tại Trường THPT Phú Xuyên A, Hà Tây. Thầy Khoa bị hiệu trưởng Lê Xuân Trung (THPT Phú Xuyên A) tổ chức trù dập và bôi nhọ một cách có hệ thống: Bị vu cáo là thần kinh, là phản động, là chống đối... Bên cạnh đó, thầy còn bị quy kết không hoàn thành nhiệm vụ 4 năm, không được nâng lương, bị cô lập và gây khó khăn.

Giữa tháng 7-2006, thầy Đỗ Việt Khoa được mời lên chương trình Người Đương Thời của VTV1 Đài Truyền Hình Việt Nam. Tại đó, thầy nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo về thành tích dũng cảm chống tiêu cực thi cử. Từ vụ việc này, ngày 31-7-2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào hai không: Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. 

 Công bố clip gian lận môn Toán từ camera thứ 2 ở Đồi Ngô - Bắc Giang

Công bố clip gian lận môn Toán từ camera thứ 2 ở Đồi Ngô - Bắc Giang

Vụ gian lận thi cử Bắc Giang: Thật buồn cười nếu coi là chấn động

Vụ gian lận thi cử Bắc Giang: Thật buồn cười nếu coi là chấn động

Tháng 12-2007, thầy Khoa tiếp tục tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo trường THPT Vân Tảo. Sở giáo dục Hà Tây bao che và không xử lý.

Không ít người cho rằng thầy đã “rước họa vào thân” với những hành động được coi là “con kiến đi kiện của khoai”. Qua những lần tố cáo tiêu cực, thầy phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Tháng 5/2010, thầy Khoa làm đơn xin thôi việc vì lý do không thể chịu đựng được sự trù dập của lãnh đạo các cấp. Trong Đơn xin thôi việc của thầy Đỗ Việt Khoa có viết: “Sai phạm có hệ thống, có tổ chức không bị xử lý khiến tôi mất niềm tin vào lãnh đạo Sở GD-ĐT và các cấp. Bầu không khí trường tôi vô cùng đen tối, gian dối. Sức chịu đựng của tôi có hạn”.
Quả thực, làm người tốt trong xã hội này không hề dễ.

Từ câu chuyện chống tiêu cực, thầy Đỗ Việt Khoa là người được hay mất? Cái được ở đây là sự thanh thản trong tâm hồn, bởi thầy đã làm tất cả những gì để sống đúng với lý tưởng về một sự nghiệp giáo dục nước nhà, trung thành với khát vọng đi đến cùng của sự thật. Đó là biểu hiện cao cả của tình yêu Tổ quốc trong “mưu cầu hạnh phúc” một cách lương thiện, công bằng. Nhưng cái mất không hề nhỏ nhoi. Thầy đã bị đồng nghiệp hiểu lầm, người thân bị đe dọa, bản thân thầy bị một số người "coi thường" (nói chính xác là những người bị ảnh hưởng quyền lợi), sỉ nhục chính trong danh hiệu nhà giáo thiêng liêng. Thầy Khoa đã từng bị cấm không cho coi thi, hoặc khi đi coi thi thì làm giám thị số 3. Theo thầy Đỗ Việt Khoa thì ở vị trí giám thị đó chỉ có nhiệm vụ đưa thí sinh... đi vệ sinh.

Thầy Đỗ Việt Khoa đã được mệnh danh là "Người đương thời", thế nhưng để đạt được "danh hiệu" đó thầy đã phải "trả giá" rất nhiều. Bởi lật đổ lại một cơ chế đã định sẵn, một căn bệnh đã trở thành “thâm căn cố đế” không phải là dễ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, phụ huynh học sinh “sẵn sàng”, “tự nguyện” nộp tiền lo lót, mua chuộc giám thị. Học sinh tìm mọi cách để xoay sở quay cóp. Thầy cô giáo lo lắng tìm cách để em nào cũng “có được cái bằng”... Xem clip tiêu cực tại Bắc Giang mới thật ngậm ngùi, xưa Tú Xương thi 8 lần mới đỗ tú tài, học sinh bây giờ nói không ngoa là chỉ cần biết chữ... cũng có được danh hiệu đó. Thế mới biết, sự xuống cấp của giáo dục đến nhường nào?

Đấu tranh rồi sẽ tránh đâu?

Cho đến thời điểm hiện tại, Báo Giáo dục Việt Nam đã công bố 6 clip trong các môn thi: Hóa, Lý, Toán, Văn, Sử tại phòng thi số 8, và một clip được cho là quay ở phòng thi số 2. Clip mới nhất ở phòng thi số 2 này, đã xuất hiện rất rõ hình ảnh của người phụ nữ mặc váy đỏ được cho là giáo viên Lê Thị Hải (dạy môn tiếng Anh) mang phao vào cho thí sinh chép, rồi khi hết giờ lại chạy vào thu phao ra. Đây là những hình ảnh chân thực nhất, bằng chứng rõ nhất cho sự gian dối của một nhóm người đang mang danh thầy cô giáo.

Khi những clip đầu tiên được tung ra, dư luận sôi sục vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc, sai phạm có hệ thống. Và nhiều người lo lắng cho sự an nguy của em học sinh dũng cảm đã ghi lại những sai phạm ở phòng thi số 8. Em thí sinh này hiện đang sống với cha, mẹ đã mất cách đây năm năm vì căn bệnh suy thận. Người cha của em hiện đang rất bối rối trước dư luận, tạm cho em tá túc tại nhà người thân. Cha của em tâm sự, nếu biết trước thì đã ngăn cản em, không để cho sự việc diễn ra, bởi hoàn cảnh gia đình không cho phép và thành thật:“Tôi là nông dân, không hiểu biết về pháp luật nhưng luôn muốn gia đình mình là những công dân tốt”.

Hiện đang là thời gian "nước rút" cho kỳ thi Cao đẳng, Đại học sắp tới thì thí sinh quay clip tiêu cực lại phải chịu rất nhiều căng thẳng, sức ép từ phía các thầy cô giáo cũng như bạn bè.  Mặc dù những người đó đều im lặng, nhưng đối với em đó là sự trừng phạt khắc nghiệt nhất. Em tâm sự, khi quay clip đã không nghĩ đến việc vi phạm quy chế thi cũng như sẽ gây ra ảnh hưởng to lớn như vậy. Bản thân em cũng mong muốn hội đồng thi vẫn công nhận kết quả thi cho tất cả các thí sinh.
Thí sinh quay clip đã làm được một việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Nếu không có thí sinh quay clip để làm bằng chứng sống động như thế này, thì tất cả các báo cáo từ Sở đến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đều đánh giá kì thi tốt nghiệp THPT diễn ra tốt đẹp, hiện tượng tiêu cực chỉ là số nhỏ.  Nhưng có lẽ hiện tại em đã ân hận vì hành động của mình, dù việc làm đó là đúng đắn. Chỉ có điều hành động đúng đắn ấy lại khiến thầy cô của em có thể bị đình chỉ công tác, bạn bè của em có nguy cơ bị hủy hết bài thi. Mâu thuẫn giữa thực tế đời sống với những lời dạy, bài giảng về lòng trung thực, sự dũng cảm trong nhà trường làm em lo sợ. Sau khi kết thúc sự việc, dù đúng, sai, công, tội em cũng sẽ rất khó khăn khi tìm lại các mối quan hệ xưa cũ, vì rằng nhiều người sẽ căm ghét em, không chỉ các bạn học sinh mà cả bố mẹ họ nữa. Em còn quá trẻ, có lẽ chưa đủ sức để chống chọi cùng dư luận. Rồi sau này, em sẽ biết dạy con cái mình như thế nào trước những tiêu cực trong thi cử, có lẽ là sự ngậm ngùi: "Đấu tranh rồi sẽ tránh đâu?".
Không ai là không muốn trở thành người tốt, nhưng thói đời học cái xấu dễ hơn học cái tốt, cái tốt thường đi liền với cái “dại”“rủi ro”. Trong cuộc sống, cái giá của sự thật rất đắt, phải đánh đổi bằng sự đấu tranh và nước mắt. Hàng ngày sự thật vấn luôn hiện hữu với ngổn ngang là tình tiền tù tội... thế nhưng, vẫn luôn có một sự thật làm cho người ta đau lòng, sống ở trên đời, làm người tốt đâu phải dễ.

XEM CÔNG NGHỆ QUAY CÓP QUA 5 MÔN THI TẠI BẮC GIANGSỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN Ở TRƯỜNG ĐỒI NGÔ  TỪ CAMERA THỨ BA; MẸ GS NGÔ BẢO CHÂU "CHÂU VẪN CÒN KỲ VỌNG VÀO NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM"

Gian lận thi tại Bắc Giang: Thói đời học cái tốt không dễ bằng cái xấu ảnh 4

Đỗ Quyên Quyên