Bộ trưởng Công thương phủ nhận có lợi ích nhóm trong giá xăng dầu

14/06/2012 13:57
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Theo quy định, các thương nhân nhập khẩu xăng dầu khi có biến động giá thì trên cơ sở giá của 30 ngày trước đó để quyết định tăng hay giảm. Một lý do nữa là Chính phủ yêu cầu có dự trữ 30 ngày và do có biến động giá cho nên việc có độ trễ của giá.
Sáng 14/6, phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội tới các thành viên của Chính phủ được tiếp tục với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Các câu hỏi của các đại biểu chủ yếu tập trung vào các vấn đề lớn như giá xăng dầu, độc quyền giá xăng dầu, an toàn thủy điện Sông Tranh, phát triển công nghiệp phụ trợ…

Không có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh giá xăng dầu

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) về lộ trình xóa bỏ độc quyền về giá 2 ngành điện và xăng dầu bởi những tác động dẫn đến việc biến động giá, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói:

“Điện và xăng dầu là 2 lĩnh vực quan trọng của đất nước. Theo lộ trình đến 2012, tiến hành phát điện cạnh tranh, từ 1/7, sẽ chính thức phát điện cạnh tranh. Đến 2014, tiến hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đến 2022, bán lẻ điện cạnh tranh. Lý do vấn đề thị trường điện là vấn đề mới mẻ, nhiều vấn đề phức tạp nên vừa làm vừa hoàn chỉnh”. Theo Bộ trưởng Hoàng, do có những khó khăn nhất định nhưng trong thời gian tới sẽ cố gắng rút ngắn thời gian xóa bỏ cạnh tranh xuống. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lê Đắc Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) về giá xăng dầu tăng thì tăng nhanh và “nhiều”, giảm thì giảm chậm và “nhỏ giọt”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích: “Giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo Nghị định 84 và được vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều hành của nhà nước.

Theo quy định, các thương nhân nhập khẩu khi có biến động giá thì trên cơ sở giá của 30 ngày trước đó để quyết định tăng hay giảm. Khoảng cách thời gian tối thiểu tăng giá là 10 ngày và khoảng cách thời gian tối đa giảm giá là 10 ngày. Một lý do nữa là Chính phủ yêu cầu có dự trữ 30 ngày và có biến động giá cho nên có độ trễ của giá là có”.

Với các thắc mắc của đại biểu Quốc hội liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề giá xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng nói: “Đầu mối xăng dầu giao cho liên Bộ Công thương và Tài chính. Với tinh thần của nghị định 84, hiện có 12 doanh nghiệp đầu mối về nhập khẩu xăng dầu và các doanh nghiệp này không thuộc về cùng 1 Bộ ngành nào cả nên không có cơ sở nói về lợi ích của nhóm trong vấn đề này”.

Nói thêm về vấn đề chống độc quyền giá điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu: “Vấn đề chống độc quyền được chỉ đạo một cách quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu thực hiện qua các bước hết sức thận trọng, đảm bảo nhu cầu điện không gây hỗn loạn trong thị trường điện. Mặt khác, các doanh nghiệp điện lực hiện nay đều gặp khó khăn về tài chính do những biến đổi tầm vĩ mô như biến động tỷ giá.

Và ở các bước như phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh đều phải thử nghiệm, khi thực hiện thử nghiệm thành công thì mới được thực hiện bước tiếp theo. Hiện, chính phủ đã chia các công ty của EVN thành 3 nhóm rồi tiến tới cổ phần hóa các công ty thuộc 3 nhóm này và đưa ra cạnh tranh với các doanh nghiệp khác”.

Trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề xây dựng thủy điện như di dân tái định cư, môi trường, rừng phòng hộ…, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Vấn đề phát triển thủy điện, chức năng của thủy điện tương đối lớn. Đối với nhiệm vụ chống lũ và cấp nước thì việc triển khai các công trình thủy điện lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh những mặt tích cực còn có vấn đề thay mỗi dòng chảy, môi trường, rừng đầu nguồn, di dân tái định cư… Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của Bộ Công thương và các Bộ ban ngành là làm sao phải tìm ra giải pháp xử lý các vấn đề này”. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Các doanh nghiệp điện lực hiện đang gặp khó khăn về tài chính
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Các doanh nghiệp điện lực hiện đang gặp khó khăn về tài chính

Đập thủy điện Sông Tranh đã hoàn toàn an toàn

Các giải pháp được Bộ trưởng Hoàng đưa ra là: Rà soát quy hoạch, yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng tuân thủ nghiêm tục quy trình xung quanh vấn đề phòng lũ, cấp nước, môi trường… đồng thời kiểm tra phát hiện những sai sót về thiết kế và vận hành các công trình và yêu cầu khắc phục bằng được.

Về vấn đề khó khăn trong việc tìm quỹ đất để trồng rừng thì Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: tiền để trồng rừng sẽ được chuyển về Bộ NN&PTNT rồi sẽ trồng rừng ở khu vực khác chứ không nhất định phải trồng ở khu vực đã hết quỹ đất.

Xung quanh vấn đề thủy điện sông Tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Sự cố xảy ra tại đập Thủy điện Sông Tranh chỉ là trường hợp hy hữu, các thủy điện còn lại sử dụng cùng công nghệ với công nghệ được sử dụng cho thủy điện Sông Tranh không có vấn đề gì. 

Cùng trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Công trình này đã an toàn: về thiết kế, nền đá, thi công. Sự cố đổ vỡ công trình chỉ là hiện tượng, đã mời chuyên gia chống thấm và cố gắng khắc phục trước mùa lũ. Hiện công trình đã an toàn rồi thì không phải di dân. Khi đập có vấn đề, Hội đồng nghiệm thu sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật…".

Chiều nay, phiên chất vấn tiếp tục với phần trả lời các câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Điểm nóng

Giải cứu cô gái bị cha cưỡng hiếp, bắt làm “người rừng”

Bè cá có người Trung Quốc ở Cam Ranh sẽ bị phạt 4 triệu đồng

Lời kể của chiến sỹ trẻ thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng

Hồng Chính Quang