Nữ sinh chửi bố mẹ trên Facebook: Ai là người đã cho cháu cuộc đời?

14/06/2012 14:30
Thảo Lăng
(GDVN) - Điều cuối cùng, ông Trịnh Hòa Bình nhắn nhủ Quỳnh Anh rằng: "Quỳnh Anh nên suy nghĩ lại xem ai là người đã cho cháu cơ hội được sống trên đời này?”.

Những ngày gần đây, hiện tượng một bạn trẻ lên mạng xã hội facebook dùng những lời lẽ thô tục chửi chính bà ngoại và bố mẹ mình đã làm khuấy đảo, gây nên một làn sóng phản đối, bức xúc cao độ.  Điều đáng nói là, đây không phải lần đầu tiên, bạn trẻ chửi người thân trên các mạng xã hội được báo chí phản ánh. Do đó, có rất nhiều ý kiến lo ngại hiện tượng này sẽ lây lan mạnh trong bộ phận giới trẻ và trở thành một xu hướng sống lệch lạc.

Về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành cuộc phỏng vấn ngắn với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm Dư luận xã hội, thuộc Viện Xã hội học Việt Nam.

Nói về suy nghĩ của mình khi đọc những bài báo phản ánh hiện tượng các bạn trẻ lên mạng xã hội chửi rủa những người ruột thịt của mình, ông Trịnh Hòa Bình nói: "Tôi nhìn thấy ở đó một hiện tượng, một vấn đề bệnh hoạn, hết thuốc chữa của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Status chửi bà ngoại và bố mẹ của nickname Quỳnh Anh trên mạng xã hội facebook
Status chửi bà ngoại và bố mẹ của nickname Quỳnh Anh trên mạng xã hội facebook

Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng đáng buồn ấy, chúng ta cần có cái nhìn thẳng thắn rằng, rõ ràng chuyện giáo dục con cái của một số gia đình ở Việt Nam đang có vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì nuôi nấng, dạy dỗ con cái tới độ tuổi có thể nhận thức được mà con lại có thể thốt ra những lời nói lệch chuẩn như vậy thì chứng tỏ bố mẹ đã buông lỏng con cái trong cả một quá trình dài. Hay nói cách khác, một phần lỗi này thuộc về những đấng sinh thành.

Họ nên tự hỏi lại xem trong cách dạy dỗ, nói năng, cư xử hằng ngày với con cái, với những người xung quanh, thậm chí với bề trên đã đúng mực chưa?

Ngày nay, nói về cách dạy dỗ con cái, người ta vẫn nhắc tới một truyện “ngụ ngôn”. Câu chuyện kể về một  gia đình có 3 thế hệ là ông bà, bố mẹ và con cái. Trong đó, bố mẹ đã dựng một túp lều ngoài vườn cho ông bà ở. Khi ông bà mất đi, bố bảo với con đốt túp lều đi. Đứa con nói, không cần phải đốt đi, cứ để đó, khi nào bố mẹ già, con sẽ cho bố mẹ ở đó.

Ở đây, nếu nói các bậc bề trên của các bạn trẻ đang gánh chịu quy luật nhân quả là quá nặng lời. Nhưng rõ ràng, họ đang gánh chịu một phần những sai sót của mình trước đó. Và sự thực, luân lý đạo đức trong gia đình đang bị phá hủy".

Nói thêm về nguyên nhân xã hội dẫn tới hiện tượng đáng buồn trong giới trẻ, ông Bình cho rằng, hiện nay, các bạn trẻ được trang bị rất nhiều phương tiện, có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin và tạo cho mình một thế giới riêng, thoát hẳn khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ.

"Ví dụ như trên mạng xã hội facebook, các bạn trẻ hoàn toàn có một thế giới phẳng, để kết bạn với những người có chung một vài sở thích, thói quen và quan điểm sống. Do đó, việc bị “lây nhiễm” những điều tốt, điều xấu là chuyện hoàn toàn xảy ra. Và việc bố mẹ không quan tâm, kiểm soát điều này thì con cái họ “tuột khỏi tay’ là chuyện bình thường", ông Bình bày tỏ quan điểm.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình
PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Ông Bình nói thêm: "Tôi nhìn nhận chuyện các bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ đầu đường xó chợ, bất kính với bề trên chưa chắc đã thể hiện sự “coi thường” người thân tới mức đó, mà đôi khi chỉ vì học bạn bè và tỏ ra thạo đời mà thôi. Nhưng điều quan trọng là dù biện minh như thế nào, dù là bất kỳ lý do gì thì đây cũng là xu hướng lệch lạc, đáng chua xót của giới trẻ trong xã hội hiện đại ở nước ta".

Bàn thêm về quan niệm đạo hiếu trong xã hội hiện đại, ông Bình khẳng định: "Vấn đề đạo hiếu đang bị thách thức rất nhiều bởi áp lực của đồng tiền. Người ta vẫn thường nhắc với nhau một câu cửa miệng là: “quan trọng nhất là hiệu quả”. Cách nói, cách nghĩ như thế phần nào đã phủ định những giá trị truyền thống, đạo lý giữa người với người, tình cảm gia đình, vấn đề đạo hiếu, tình bằng hữu... Do đó, cách sống, cách nghĩ của các bạn trẻ phần nào biểu hiện hệ quả của lối sống xã hội.

Khi được hỏi, nếu là phụ huynh của Quỳnh Anh, ông sẽ làm gì, nhà xã hội học nói, làm gì thì còn tùy vào tính cách của đứa trẻ và bản thân người phụ huynh đó. Tuy nhiên, có một nguyên tắc là nếu không muốn mất con thì bố mẹ Quỳnh Anh nên khoan dung và tha thứ. Theo tôi, bố mẹ cô bé cần phải tìm cách lấy lại trái tim của con cái từ đó tìm cách giáo dục, uốn nắn lại.

Nói về “phương thuốc” hiệu quả để chữa trị “căn bệnh lạ” của một số bạn trẻ hiện nay, ông Bình cho rằng, xã hội nên có biện pháp tổng thể trên nguyên tắc giáo dục từ gia đình là phương pháp hiệu quả nhất. Các gia đình không nên vì quá mải kiếm tiền mà phó mặc việc dạy dỗ, giáo dục con cái mình cho nhà trường, xã hội", ông Bình nói.

Điều cuối cùng, ông Trịnh Hòa Bình nhắn nhủ Quỳnh Anh rằng: "Quỳnh Anh nên suy nghĩ lại xem ai là người đã cho cháu cơ hội được sống trên đời này?”.

Điểm nóng

Giải cứu cô gái bị cha cưỡng hiếp, bắt làm “người rừng”

Bè cá có người Trung Quốc ở Cam Ranh sẽ bị phạt 4 triệu đồng

Lời kể của chiến sỹ trẻ thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng

Thảo Lăng