Từ vụ Đồi Ngô: "Chả nhẽ chúng ta lại cứ phải để con mình hèn nhát?"

21/06/2012 06:48
Độc giả Phạm Văn Hoạt
(GDVN) - "Thật đáng thương cho cậu học sinh quay clip, không biết tương lai của cậu ấy rồi sẽ về đâu? Sau sự việc này, tôi cũng sẽ không bao giờ dạy con tôi chống tiêu cực, hãy thản nhiên trước sự bất công để an lành hơn trong cuộc sống. Và có lẽ để được an bình, tôi sẽ khuyên cháu rằng "hãy hèn nhát" để được bình an chăng?", độc giả Phạm Văn Hoạt viết.
Xung quanh các đoạn clip ghi lại hình ảnh các thí sinh nhốn nháo chép bài, giám thị thay vì nghiêm túc thì lại thờ ơ để mặc thí sinh thả sức gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) vừa qua do chính một thí sinh dự thi quay lại, tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải bài viết của độc giả Phạm Văn Hoạt. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Như nhiều phụ huynh khác, trong những ngày qua, các clip ghi lại những hình ảnh tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) đã khiến tôi không khỏi bức xúc và buồn lòng. Bởi lẽ, những hình ảnh này đã cho thấy một thực tế là căn bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử vẫn đang tồn tại và lộng hành ở một số đơn vị trong ngành giáo dục, một ngành được coi là "quốc sách hàng đầu", góp phần quan trọng giáo dục, đào tạo những mầm xanh tương lai cho đất nước.
Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang).
Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang).

Với cá nhân tôi, là một phụ huynh, khi biết được những clip được quay bởi chính học sinh dự thi tại hội đồng thi này, tôi đã rất bất ngờ và cảm động. Dù biết rằng sẽ có rất nhiều khó khăn, gian nan, trở ngại, sức ép có thể sẽ đến với mình nhưng với tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm, một cậu bé còn chưa đủ 18 tuổi đã dám quay và đưa công khai ra công luận những hình ảnh tiêu cực tại chính hội đồng mình thi. Hành động dũng cảm này, quả thật đã là một bài học vô cùng quí giá, sâu sắc về nhân cách, về đạo đức sống, về tinh thần đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực của con người trong xã hội dành cho tôi, cho các bậc phụ huynh khác. Đặc biệt hơn là dành cho chính các thầy, các cô đã, đang từng ngày, từng giờ, đứng trên bục giảng, giảng bài cho các em học sinh. Tôi mong muốn, các thầy cô giáo hãy tự mình ngồi ngẫm lại xem, mình đã làm tròn được cái trọng trách "chèo lái con đò tri thức" đúng hướng, đưa các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước đến bến bờ tri thức chưa? Phải chăng từ những hình ảnh này cho thấy, các thầy cô đã dạy cho những em học sinh của mình một bài học về sự trung thực, dám đối mặt, dám đấu tranh, phanh phui cái tiêu cực? Hay đó là sự gian dối, chỉ biết sống dựa vào người khác, vào những gian trá, tiêu cực để đi lên đạt lấy những thứ thành tích phù phiếm. Câu trả lời chắc mọi người ai cũng rõ, tôi xin không nói lại. Mục đích cao cả của giáo dục là nhằm đào tạo những mầm xanh, tương lai của xã hội thành những người có đầy đủ đức - trí - thể - mĩ, nói cách khác là có đủ nhân cách, đạo đức, trí tuệ để vào đời. Nhưng với những gì mà "người chèo đò" ở trong đoạn clip này đã làm thì đó có phải là hướng tới mục đích cao cả đó hay đó là hướng cho các em đến sự giả dối, chỉ biết như những con "gà công nghiệp" trông chờ vào thức ăn do con người mang tới. Tôi thực sự đã rất buồn. Chỉ một số ít "con sâu" ở đây thôi nhưng những hành vi họ thực hiện như trong clip đã làm ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, đến hình ảnh của cả ngành giáo dục và hơn thế là của hàng triệu các thầy, các cô giáo trên cả nước, đặc biệt là những thầy cô ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đang từng ngày, từng giờ cố công, mài sức để đưa được con chữ đến với các em học sinh.
Những hình ảnh tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT xảy ra tại Bắc Giang vừa qua (Ảnh cắt từ clip)
Những hình ảnh tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT xảy ra tại Bắc Giang vừa qua (Ảnh cắt từ clip)

Buồn cho ngành giáo dục, cho các thầy cô thì tôi lại càng thấy thương em học sinh đã dũng cảm quay lại đoạn clip này. Thay vì nhận được sự tuyên dương, với những tràng vỗ tay khích lệ, lời cảm ơn từ mọi người trong xã hội thì em lại đang phải chịu đựng rất nhiều áp lực, sức ép, kể cả những lời đe dọa.  Sự chậm chạp xử lý của các cơ quan chức năng, việc chỉ tập trung vào lấy lời khai, xác định người quay đoạn clip trong những ngày qua chẳng khác gì việc tạo thêm những áp lực không đáng có, làm giảm tinh thần đấu tranh với tiêu cực của cậu bé và nhiều người có tâm thực sự với ngành giáo dục khác nữa. Tương lai phía trước của em học sinh dũng cảm này rồi sẽ về đâu đây? Đó là một câu hỏi mà cả tôi và nhiều vị phụ huynh khác đang mong chờ nhận được câu trả lời của ngành giáo dục nói chung, Bắc Giang nói riêng. Và cá nhân tôi cũng mong muốn, ngành giáo dục cần có thái độ rõ ràng trong việc đánh giá khách quan công lao của em, bảo vệ an toàn, danh tính em trước những lời đe dọa... Sẽ thật đáng tiếc, nếu để cho một mầm xanh đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống, phanh phui tiêu cực, gian lận lại bị thui chột... Tuy nhiên, với với những cách xử lý của các ngành chức năng đang thực hiện, tôi lại rất đồng tình với ý kiến của một độc giả khi cho rằng, chị sẽ cấm tiệt con mình đấu tranh chống tiêu cực.  Cá nhân tôi, thực sự sau sự việc xảy ra ở Bắc Giang này, tôi nghĩ mình chắc chắn cũng sẽ không bao giờ dạy con tôi chống tiêu cực mà có lẽ hãy nên thản nhiên trước sự bất công để được an lành hơn trong cuộc sống.  Và tôi nghĩ rằng, phải chăng mình nên khuyên cháu rằng "hãy hèn nhát" để được bình an?Mọi ý kiến xin mời bạn đọc gửi về địa chỉ:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Phạm Văn Hoạt