Giới trẻ cần có thái độ nhận thức đúng đắn.

16/06/2012 01:19
Nguyễn Gái
(GDVN) - Giới trẻ nghĩ sao sau mỗi kì thi, tràn ngập trên các trang báo là những bài viết về gian lận trong thi cử?

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Học, Học nữa, Học mãi”, những khẩu hiệu như vậy được đưa vào nhà trường với sự chung tay phấn đấu nỗ lực không ngừng của cả cô thầy và trò. Nhưng thực trạng gian lận trong thi cử hiện nay của ngành giáo dục đã cho thấy sự đi xuống trầm trọng về cả ý thức và đạo đức của giới trẻ.

Thay lời cho những câu hỏi: Bạn làm bài tốt không? Có làm hết bài không? Bạn giải bài này theo cách nào? Kết quả là bao nhiêu?..... thì khi vừa bước ra khỏi phòng thi, các em lại có những câu hỏi làm cho dư luận và xã hội phải giật mình bức xúc: Phòng bạn chép được không? Có mang tài liệu vào được không? Phòng tớ chép dễ lắm, các thầy cô giám thị cho chép thoải mái bạn à. Tớ chép được hết!... Xã hội, gia đình và thầy cô nghĩ sao khi nghe được những lời nói đó từ chính con em mình.

Sau một tiết kiểm tra, một môn thi không thiếu gì những mảnh giấy nhỏ, thâm chí cả tập sách vở vứt bừa bãi cả trong và ngoài lớp học, rồi sử dụng điện thoại trong khi làm bài để trao đổi chép bài cho nhau. Ngày càng nhiều những thủ thuật rất kĩ xảo và tinh vi của giới trẻ. Khi một thủ thuật xem và chép trộm bài thành công các bạn coi như đó và một sáng kiến, một phát minh hiệu quả cần được áp dụng trong những lần tiếp theo, và "truyền" lại cho bè bạn. Làm đủ mọi cách để qua mắt được giáo viên, các bạn không nghĩ rằng chính bản thân mình đang tự hạ thấp giá trị nhân phẩm và danh dự của mình, tự hủy hoại chính tương lai của mình?

Trong khi ai cũng muốn cầm trong tay những bảng số đẹp, những con số sáng ngời trong học bạ nhưng nếu biết đó không phải là con số mình đổ mồ hôi công sức để có được, các bạn có thấy xấu hổ với chính bản thân mình? Và nếu ai cũng như vậy, không học nhưng vẫn có được thành tích cao thì xã hội sẽ đi tới đâu? Trong việc mua bán điểm, những con số được mang ra trao đổi như vậy có lẽ sẽ trở thành một trong những ngành kinh doanh, có người mua ắt sẽ có người bán. Tất cả đã bị đồng tiền chi phối mà đồng tiền chính là con dao “2 lưỡi”.

Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở các tỉnh thành trên cả nước luôn cao hơn 90% nhưng thực tế thì sao? Học sinh không biết đọc biết viết vẫn còn rất nhiều, rồi tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp vẫn còn phổ biến. Ai cũng phải hoảng hốt khi báo chí đưa tin những học sinh học lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn chưa thuộc hết được bảng cửu chương, rồi những sĩ tử đi thi nhưng trong đầu không có một tí kiến thức cơ bản nào. Những bài thi nộp giấy trắng, kết quả cho việc lười học là những điểm “0” tròn trĩnh.

Sau mỗi kì thi tràn ngập trên các trang báo là những bài viết về gian lận trong thi cử với đầy đủ các hình thức coi cóp, sao chép bài của nhau, và những giám thị, học sinh bị kỉ luật, đình chỉ thi. Xã hội đang cần thực sự những người tài, những người biết hi sinh và cống hiến cho xã hội. Thật xót xa cho ngành giáo dục chúng ta hiện nay đang bị chi phối bởi nhiều hiện tượng chạy theo thành tích, gian lận trong thi cử.

Nhà trường vẫn đề cao quá mức việc đạt thành tích, rồi  việc chạy chọt để có tấm bằng đại học, cao đẳng đã tràn lan gây ra bao hệ lụy cho xã hội. Bệnh thành tích trong học tập và dối trá trong thi cử như đã trở thành một vấn nạn, một căn bệnh trầm trọng làm đau đầu nhức nhối cho toàn xã hội đặc biệt là ngành giáo dục hiện nay bởi cách xử lí và khắc phục chưa triệt để.

Gian lận trong thi cử sẽ dẫn đến mất sự công bằng, những người không học, bất tài thì lại mang danh tri thức để bước vào xã hội, còn nhiều người tài thật sự, chăm chỉ học hành nhưng không thi đỗ. Vậy đó có phải là điều quá bất công cho nhiều bạn trẻ hiện nay. Do vậy cần phải xử lí nghiêm minh và công bằng với những hành vi dối trá gian lận trong thi cử. Các thầy cô cần làm tròn trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của mình, chính bản thân các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh

Khắc phục tình trạng này không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều mà cần sự chung tay góp sức của toàn thể xã hội. Cần giáo dục cho các em về hậu quả của việc gian lận ngay từ lúc mới ngồi trên ghế nhà trường. Thầy cô cần kiểm tra sát sao từ những giờ kiểm tra 15 phút, 1 tiết trên lớp để các em có thái độ và động cơ học tập đúng đắn.

Chính bản thân các em cần phải nhận thức rõ được những hành vi, việc làm sai trái. Khoác trên mình áo trắng học trò đồng nghĩa với việc các em phải làm tròn trách nhiệm của mình trong học tập, phải trung thực với bản thân, bạn bè, thầy cô, gia đình và xã hội. Có như vậy thì sau này mới trở thành công dân có ích, đưa đất nước ngày một phát triển.

Đẩy mạnh công tác giảng dạy bằng việc đưa nội dung này vào các môn như: đạo đức, giáo dục công dân. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội thảo, sân chơi có sự tham gia của tất cả thầy cô học sinh để tuyên truyền giáo dục cho các em về hậu quả của việc gian lận trong thi cử và cũng để chính các em được nói lên những chứng kiến và suy nghĩ của mình. Hãy vì một môi trường giáo dục: “Trong sạch, an toàn và lành mạnh.”

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (11-20/6): Tiêu cực trong thi cử

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Nguyễn Gái