Vụ tranh chấp nhà ở Xa La: Chủ đầu tư và khách hàng đổ lỗi cho nhau

20/06/2012 07:09
Khuê Hạ - Nguyễn Tiến
(GDVN) - Liên quan tới căn hộ khu nhà ở Xa La bị “chuyển nhầm” cho người khác, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (đổi tên từ Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1) - chủ đầu tư kiên quyết khẳng định: “Chúng tôi chả có gì sai”, tại khách hàng không thông báo về việc ly hôn. Còn khách hàng thì “đổ tội” cho chủ đầu tư…
Căn hộ tại tầng 9 tòa nhà chung cư CT1B1 thuộc dự án nhà ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đứng tên một người nhưng khi hoàn thiện lại được chủ đầu tư bàn giao cho một người khác. Không ít người hồ nghi về những góc khuất đằng sau thương vụ mua – bán này, liệu chủ đầu tư có vô tình hay cố ý “tiếp tay” cho hành vi chiếm đoạt tài sản cá nhân của chính chủ? Hay do chính khách hàng chậm nộp tiền, vi phạm các quyết định mà hợp đồng đề ra từ đó chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng căn hộ lại cho người khác? Với tất cả những thắc mắc, băn khoăn này, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có buổi gặp gỡ trực tiếp với đại diện của chủ đầu tư - Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (đổi tên từ Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1).
Chủ đầu tư và khách hàng đổ lỗi cho nhau
Khi được hỏi về cơ sở pháp lý nào để giải thích cho hành động giao nhà cho người khác của chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Phụ trách Pháp chế Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cho biết: Vào thời điểm ký hợp đồng, anh T.T.Sơn và chị P.V.T.Nhi là vợ chồng, nhưng người đứng tên hợp đồng thì chỉ có một mình anh Sơn. Tuy nhiên, do có mối quan hệ vợ chồng nên họ có quyền ủy quyền cho nhau và việc ủy quyền này không bắt buộc bằng văn bản.
Căn hộ tại tầng 9 tòa nhà chung cư CT1B1 thuộc dự án nhà ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đứng tên một người nhưng khi hoàn thiện lại được chủ đầu tư bàn giao cho một người khác.
Căn hộ tại tầng 9 tòa nhà chung cư CT1B1 thuộc dự án nhà ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đứng tên một người nhưng khi hoàn thiện lại được chủ đầu tư bàn giao cho một người khác.
“Từ lần thông báo nộp tiền lần thứ 2 trở đi, chúng tôi thấy chị Nhi luôn thay mặt anh Sơn để tới nộp tiền, thực hiện nghĩa vụ của mình. Vào thời điểm bàn giao nhà, chúng tôi không hề biết giữa anh Sơn và chị Nhi đã có quan hệ ly hôn.  Phía anh Sơn cũng không đưa cho chủ đầu tư văn bản gì của tòa hoặc quyết định của tòa giải quyết ly hôn như thế nào cả”.
Mặc dù thừa nhận mình “không biết” chuyện hai vợ chồng khách hàng đã ly hôn, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đã sai sót trong khâu kiểm tra thông tin kỹ càng trước khi bàn giao căn hộ, nhưng ông Thái vẫn khăng khăng khẳng định: Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên không làm gì sai. Trong khi, theo luật sư Phạm Thanh Sơn - Trưởng văn phòng Luật sư Nam Hà Nội, khi bàn giao nhà, chủ đầu tư phải xác định chính xác người nhận bàn giao nhà có phải là chính chủ theo hợp đồng hoặc người được chính chủ ủy quyền hợp pháp (bằng văn bản có công chứng) hay không. Đằng này, ngay cả việc hỏi ý kiến chính chủ (anh Sơn) về quyết định bàn giao nhà, chủ đầu tư cũng đã bỏ qua, không thực hiện. “Luật không bắt chúng tôi khi bàn giao nhà phải gọi ông chồng lên hỏi có đúng anh ủy quyền cho vợ anh không?” – Ông Thái nhấn mạnh. Hơn nữa, ông Thái cho rằng: “Từ lúc nộp tiền tới lúc bàn giao nhà hơn một năm trời, nếu có ý kiến gì anh Sơn phải đến đây chứ, vì nghĩa vụ nộp tiền là của anh ấy cơ mà”. Trước đề nghị của khách hàng về việc chủ đầu tư hãy làm đúng trách nhiệm của mình, phải giao nhà cho chính chủ - người đã ký kết hợp đồng với bên bán, ông Thái lý luận: Tài sản tạo thành trong thời kỳ hôn nhân đó được coi là tài sản chung của cả 2 người, khi ly hôn, vợ chồng phải nhờ tòa giải quyết việc phân chia về tài sản, nếu không thì tự thỏa thuận với nhau. Vì vậy, đối với trường hợp tranh chấp căn hộ ở khu nhà ở Xa La, ông Thái kết luận: “Hai vợ chồng ông Sơn nên tự thỏa thuận với nhau hoặc nhờ tòa phân quyết, sau đó, quyết định bàn giao cho ai thì chúng tôi sẽ thực hiện”.
Có dấu hiệu vi phạm hình sự?
Bất bình với quan điểm, lời giải thích của chủ đầu tư, khách hàng tên Sơn – chính chủ đứng tên trong hợp đồng mua căn hộ Xa La cho rằng: Thời điểm bàn giao nhà chắc chắn sau thời điểm ly hôn (15/01/2010) rất nhiều, vì đợt I (sau khi ký hợp đồng là 05/3/2008) rồi một năm sau mới xây đến sàn tầng 15 để nộp đợt II (19/3/2009). Rồi đợt III, xây xong 15 tầng nữa cũng phải mất 1 năm (khoảng tháng 3/2010 chẳng hạn) và đợt IV nhận bàn giao nhà sau khi hoàn thiện thì chắc chắn đã qua thời điểm có quyết định ly hôn của tòa án. “Chẳng nhẽ chủ đầu tư bàn giao nhà cho chị Nhi mà hoàn toàn ko biết chị Nhi là ai và với tư cách gì, thứ nhất không có đăng ký kết hôn để chứng minh là vợ và không có ủy quyền để thực hiện việc nhận bàn giao nhà?” – Ông Sơn thắc mắc.
Mua nhà theo hợp đồng góp vốn, đóng tiền theo tiến độ được các chuyên gia khuyến cáo là nhiều rủi ro, rắc rối. (Ảnh: Nguyễn Tiến - Viết Cường, GDVN)
Mua nhà theo hợp đồng góp vốn, đóng tiền theo tiến độ được các chuyên gia khuyến cáo là nhiều rủi ro, rắc rối. (Ảnh: Nguyễn Tiến - Viết Cường, GDVN)
Vậy thì khuất tất gì ở đây, chị Nhi nhận được nhà chắc chắn phải có sự chấp thuận của chủ đầu tư? – ông Sơn tự đặt ra câu hỏi.   Theo ông Sơn, vụ việc của ông có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bởi lẽ, thứ nhất, muốn được bàn giao nhà, chị Nhi phải chứng minh mình có đăng ký kết hôn với chính chủ, có mối quan hệ vợ chồng với người ký hợp đồng. Nếu có giấy tờ này ở thời điểm bàn giao nhà là lừa dối chủ đầu tư. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ vẫn phải là có ủy quyền của người đứng tên ký kết hợp đồng (bởi vì không có giấy tờ nào thể hiện được đó là tài sản chung hay riêng). Thứ hai, nếu đủ cả 2 điều kiện trên thì không ngoại trừ khả năng, chị Nhi đã giả mạo giấy tờ để thực hiện việc nhận bàn giao nhà. “Cái này tôi đang đề nghị phía chủ đầu tư hợp tác để làm rõ” – ông Sơn nói. Thứ ba, ông Sơn cho rằng: cả phía chủ đầu tư và chị Nhi đã cấu kết với nhau gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Trắng trợn, tự cho mình quyền định đoạn và sử dụng tài sản khi chưa được đồng ý. “Nếu chủ đầu tư nói rằng: đây là tranh chấp tài sản trong gia đình, chủ đầu tư không can thiệp thì tôi có thể khẳng định: hiện nay chưa có bất cứ động thái nào thể hiện việc tranh chấp căn hộ đã nêu trong gia đình cả, mà là do chủ đầu tư đã vô tình hay cố ý tạo ra vụ việc như vậy. Và đó là vấn đề tôi đang phản ánh. Khi chủ đầu tư thể hiện đúng trách nhiệm của mình rồi thì chuyện tranh chấp (nếu có) sẽ là việc riêng của tôi, chủ đầu tư không cần phải bận tâm” – ông Sơn nhấn mạnh. Với những xung đột khó giải quyết dứt điểm như vậy, khi cả 2 phía chủ đầu tư và khách hàng đều tự cho mình là đúng, hiện tại, cả 2 bên đều đang sẵn sàng mọi chứng cứ và thông tin để đối chất với tòa án. Báo Giáo Dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng cảm ơn!

Có thể bạn quan tâm:

Thú chơi khuyển của các đại gia

Choáng với thú chơi của đại gia Việt

Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành"

Bảo vệ Người tiêu dùng

Clip - Ảnh ấn tượng

Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn

Lình xình ở nhà N05 Vinaconex

Giá vàng - ngoại tệ theo ngày

Khuê Hạ - Nguyễn Tiến