Vào hè, cẩn thận với hoa quả "tưới đẫm" hoá chất

19/06/2012 11:20
Sơn Hà/ Bee.net.vn
Vào mùa hè do rau quả nhanh thối nên người ta thường sử dụng nhiều hóa chất bảo quản hơn các mùa khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều cách bảo quản "thân thiện" không gây độc cho hoa quả, nhất là cho rau quả vào mùa hè.
Vào hè, rau quả độc hơn?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, vào mùa hè, rau quả rất nhanh bị héo, thối... Nguyên nhân là do rau quả tươi sau khi thu hái vẫn tồn tại như một thực thể sống, thông qua quá trình hô hấp bằng hấp thụ khí O2, thải khí CO2 và nước, đồng thời là quá trình thải nhiệt. Quá trình diễn biến sinh lý này luôn đi đôi với sự biến đổi về sinh hoá theo xu hướng làm tăng tốc độ già hóa của rau quả, dẫn đến sự biến đổi về nội chất và cơ tính như khô héo, mềm nhũn...
Mặt khác, vi sinh vật và nấm mốc cũng là tác nhân gây nên hư hỏng, thực phẩm nhanh chóng bị phân hủy dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc và mùi vị của rau quả. Ngoài ra, một yếu tố nội chất được tạo ra trong quá trình trao đổi chất của tế bào là khí Ethylene. Nó tham gia vào nhiều quá trình sinh học và kích thích làm tăng độ già hóa của rau quả, có thể làm thay đổi cấu trúc rau quả dẫn tới sự hư hỏng sau thu hoạch.
Vào mùa hè do nhiệt độ môi trường cao cộng thêm vi sinh vật phát triển mạnh càng làm tăng thêm khả năng sinh nhiệt và mất nước khiến rau quả chóng bị héo, nhăn nhúm, mềm nhũn...
TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Công nghệ & Thiết bị Bảo quản Nông sản Thực phẩm, Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau Thu hoạch (Viện Cơ điện NN&CNSTH) cho biết, do hoa quả vào mùa hè nhanh thối, hỏng nên vào mùa hè, người dân trồng rau quả và những người buôn bán rau không ngại "tưới đẫm" hóa chất bảo quản cho hoa quả hòng giữ cho hoa quả tươi lâu. Vì thế, so với các mùa khác, ăn rau quả mùa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.
Vào mùa hè, hoa quả nhanh bị hỏng, thối.
Vào mùa hè, hoa quả nhanh bị hỏng, thối.

Bảo quản sạch - nhiều và rẻ
Theo TS Phạm Anh Tuấn, bảo quản rau quả được gọi là an toàn khi mà tác động của nó ngoài mục tiêu kéo dài thời gian bảo quản phải đảm bảo được nhóm chất lượng (dinh dưỡng, cảm quan và vệ sinh an toàn thực phẩm). Điều đáng nói, hiện nay công nghệ bảo quản sạch không thiếu, quan trọng là "có muốn hay không". Một cách vừa rẻ, vừa dễ làm đó là bảo quản bằng cách rửa rau quả bằng dung dịch clo. Hai loại muối canxi hypoclorit (dạng bột) và natri hypoclorit (dạng lỏng) là những chất rẻ tiền và dễ kiếm. Rau quả được rửa trong dung dịch hypoclorit (dung dịch Clo 0.0025% trong 2 phút, sau đó rửa dưới vòi nước sạch để kiểm soát vi khuẩn, nấm men và nấm mốc). Một cách khác nữa là sử dụng phương pháp tạo màng phủ. Chất tạo màng phủ được sản xuất từ các hợp chất có nguồn gốc hữu cơ nên có giá thành rẻ không độc hại. Hiện tại, Viện Cơ điện NN&CNSTH đã có tới 7 loại màng phủ như chế phẩm CP-05 có tác dụng làm tăng thời gian bảo quản và duy trì chất lượng của quả dưa hấu trong bảo quản ở nhiệt độ thường cũng như khi bảo quản lạnh. CP-05 làm tăng thời gian bảo quản quả dưa hấu từ 8 ngày lên tới 20 ngày. Chế phẩm CP-06 và CP-07 sử dụng bảo quản dưa chuột và cà rốt trong điều kiện thường và lạnh đã hạn chế được sự biến đổi bất lợi về các tính chất cơ lý, sinh lý, sinh hóa; Dưa chuột có thể bảo quản được 15 - 17 ngày (so không sử dụng chế phẩm từ 4 - 6 ngày)... Theo các chuyên gia, các cách bảo quản này vừa rẻ, dễ làm rất thích hợp cho bảo quản vào ngày hè oi bức.

Một số phương pháp bảo quản rau quả an toàn đang được thực nghiệm:

- Công nghệ điều chỉnh khí (Control Atmosphere -CA). Cơ chế của bảo quản CA dựa trên nguyên tắc làm giảm quá trình hô hấp hay nói cách khác làm chậm quá trình trao đổi chất để kéo dài thời gian bảo quản đối với rau, hoa, quả tươi sau thu hoạch.

- Công nghệ tạo màng phủ kết hợp với vi khuẩn đối kháng: Dựa trên nguyên tắc của công nghệ bảo quản dạng chế phẩm tạo màng phủ, để tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của vi sinh vật và nấm mốc còn tồn tại trên bề mặt rau quả sau khi phủ màng, bằng bổ sung trong chế phẩm một loại vi sinh vật có tính đối kháng.

Sơn Hà/ Bee.net.vn