Trường cho con hay đẳng cấp bố mẹ?

21/04/2011 07:25
Cái danh hão dường như đang làm mờ mắt các bậc phụ huynh trí thức. Con tôi học trường A xịn, "chạy" mất mấy ngàn đô, chứ không phải trường làng như con chị đâu.

Cái danh hão dường như đang làm mờ mắt các bậc phụ huynh trí thức. Con tôi học trường A xịn, "chạy" mất mấy ngàn đô, chứ không phải trường làng như con chị đâu.

"Mình làm cơ quan lớn, ở nhà to, đi xe xịn, tất nhiên con mình phải học trường đỉnh, sáng sáng chiều chiều ô tô đỗ đầy cổng trường...". Cứ nghĩ đến "thông điệp" hiện trên trán vô số các ông bố bà mẹ Việt "có điều kiện" mỗi khi khoe chuyện học hành của con cái, lại thấy buồn cười. Và thương cho người Việt mình, vốn được coi là những người thông minh không đến nỗi nào, thế mà sao cứ phải đua nhau làm những việc không cần thiết?

Cách đây 9 năm, khi con trai lớn chuẩn bị vào lớp 1, được hàng xóm rỉ tai: Muốn cho con vào trường Y không?, mẹ gật đầu cái rụp. Chuyện, trường Y từ lâu danh tiếng lẫy lừng, thi tuyển lớp 1 năm nào cũng chen chúc, đi qua thì thích mê với cơ sở vật chất rộng rãi bề thế. Có 300 đô, con được vào trường hạng top ở đất thủ đô, tội gì không "chạy"?

Năm học đầu tiên, đưa đón con hơi xa, cũng mệt nhưng không phàn nàn. Các cô giáo đều tận tình, cô nào cũng xinh, từ cô toán, tiếng Việt đến tiếng Anh, lớp học có bàn ghế mới tinh sáng bóng, Trung thu, Noel được tổ chức cực vui.

Năm lớp hai, 2/3 số cô xinh và tận tình đã ở lại với lớp 1, cô tiếng Việt nói giọng miền Trung hơi khó nghe làm con và các bạn hơi gặp khó khăn khi viết chính tả.

Năm lớp ba, thầy tin học lấy thước quật vào tay bạn nào hay ngọ nguậy, bàn ghế là loại khác, cũ và xộc xệch.

Lớp bốn, các con được chui vào góc tối nhất hành lang, sát với toilet luôn bốc mùi.

Lớp năm, cô tiếng Anh được các con gọi là cô "bờ li bờ lịt" (please) vì cô phát âm "p" toàn thành "b".

Nản. Quyết định không cho con gái bé vào trường đấy nữa. Không "chạy" nữa. Nhưng vẫn nộp đơn thi cho con, tự tin thử xem nếu không lót tay thì con có đỗ không. Tất nhiên là con gái trượt.

Đóng tiền xây dựng trường làng xong thì cô giáo cũ của con trai lớn gọi, này, còn mấy xuất thi đỗ mà không vào đấy. Thế là lại cho con gái vào trường xịn, lần này không mất đồng nào nhé.
 

 

Lại lặp lại chuyện lớp một tốt hơn lớp hai. Bàn ghế lớp một lại xịn, cô giáo lại xinh, giỏi. Lên lớp hai, một bé trai trong lớp không bao giờ ngủ trưa, cô giáo luôn đau khổ gọi điện cho mẹ bạn ấy, bắt đem con về nhà vì ảnh hưởng đến lớp.

Lớp ba, cậu bé vẫn không ngủ trưa nhưng được cô giáo chủ nhiệm mới cho nằm đọc truyện nên mẹ bạn chạy từ cơ quan về đón con giữa ngày nữa.

Lớp bốn, con gái nghịch ngợm kiểu gì mà bị cô bắt viết kiểm điểm cho con chép có đoạn: Mẹ ơi, cô nói là con không xứng đáng học trường này... Đoán là cô có chuyện gì ức chế ở nhà nên không làm to chuyện, nhưng nỗi thất vọng về trường xịn đã đến mức không thể tả nữa, thôi thì cố học nốt một năm, bây giờ mà chuyển trường thì mệt.

Hết cấp 1, lại đến lúc phải nghĩ, cấp 2, cấp 3 có cho con học trường xịn nữa không. Con bà bạn vào trường cấp 2 tên V - trường điểm của thành phố, bạn nào cũng sáng láng, hơn 8 phẩy cũng chỉ đứng cuối lớp. Nhưng con bạn về nhà thắc mắc: Sao con không bao giờ thấy cô giáo cười hả mẹ? Chắc cô còn lo thành tích của lớp mà con.

Thôi, cho con mình về trường làng ngay bên hông nhà. Đỡ bao nhiêu đoạn đường đưa đón nắng mưa. Thầy cô có người nọ người kia nhưng cũng chẳng đến nỗi phải phàn nàn. Nay hai đứa cao lớn khỏe mạnh, năng nổ.

"Chấp nhận việc "chạy" để có chỗ cho con trong trường học tốt phần nào phản ánh sự không tin tưởng vào hệ thống giáo dục" - một nhà ngoại giao Thụy Điển từng trả lời báo chí hồi có hội thảo về tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam. Nhưng chẳng lẽ, những "phụ huynh chạy" - mà phần nhiều là trí thức hiện đại, gia đình "có điều kiện" - không thể suy xét như thế nào mới là tốt cho con?

Hiền Anh, Hà Nội (theo Vietnamnet)