Putin: 'Bất đồng Nga-Mỹ về phòng thủ tên lửa sẽ không thể giải quyết'

20/06/2012 13:29
Ngọc Huyền (Nguồn RIA)
(GDVN) - Trả lời báo chí sau hội nghị G20, Tổng thống Nga Putin cho rằng mối bất đồng trong vấn đề phòng thủ tên giữa Nga và Mỹ sẽ không thể giải quyết.
Mối bất đồng dai dẳng trong vấn đề phòng thủ tên giữa Nga và Mỹ sẽ không thể giải quyết bất kể Tổng thống Barack Obama sẽ tái đắc cử vào tháng 10 tới - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.

Tổng thống Nga Putin trả lời báo chí về hệ thống phòng thủ tên lửa sau hội nghị thượng đỉnh G20.
Tổng thống Nga Putin trả lời báo chí về hệ thống phòng thủ tên lửa sau hội nghị thượng đỉnh G20.

"Mỹ đã đi theo con đường tạo ra phòng thủ tên lửa riêng của mình hơn một năm và tôi không thấy bất cứ điều gì có thể thay đổi cách tiếp cận này" - Putin nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, Mexico.

Putin cho biết tình hình sẽ thay đổi nếu Mỹ nhất trí xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cùng với Nga và Liên minh châu Âu.

"Điều này có nghĩa là cả ba bên tham gia sẽ cùng xây dựng hệ thống và sẽ có thể để cùng nhau nhìn nhận các mối đe dọa, quản lý hệ thống và đưa ra các quyết định về việc sử dụng" - ông nói.
Nga và NATO đã đồng ý hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh Lisbon trong tháng 11 năm 2010. NATO khẳng định không nên có hai hệ thống trao đổi thông tin độc lập, trong khi Nga ủng hộ xây dựng hệ thống chung với khả năng tương tác đầy đủ.

Nga vẫn luôn coi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở gần biên giới nước này là một mối đe doạ an ninh. NATO và Mỹ nhấn mạnh rằng lá chắn sẽ bảo vệ các thành viên NATO chống lại các tên lửa từ Triều Tiên và Iran và sẽ không hướng vào Nga.

Nhưng Moscow khẳng định cần có đảm bảo pháp lý từ Washington rằng hệ thống trên không nhằm mục đích chống lại vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng nếu đàm phán thất bại, Moscow có thể đưa ra một loạt các biện pháp bao gồm việc triển khai các tên lửa Iskander tầm ngắn có tầm bắn 500 km ở Kaliningrad, giáp biên giới với các thành viên Liên minh châu Âu (Ba Lan và Lithuania). Động thái này nhằm đáp trả việc Mỹ tiếp tục theo đuổi hệ thống tên lửa phòng thủ ở châu Âu.
Ngọc Huyền (Nguồn RIA)