Nhà vệ sinh hơn 3500 năm: Vẫn còn nhiều nghi vấn

21/06/2012 10:12
Theo Hoàng Sơn (Bee.net.vn)
Mới đây, đài Phát thanh ABC (Úc) đưa tin về việc nhóm chuyên gia khảo cổ Việt - Úc công bố đã tìm thấy nhà vệ sinh hơn 3500 năm ở Long An (Việt Nam). Tuy nhiên, một số nhà khoa học Việt Nam đã tỏ ra nghi vấn về tính xác thực của vấn đề này.

Theo công bố trên, địa điểm khai quật là một gò đất nhân tạo rộng khoảng 1ha, cao 5m, xung quanh có rạch bao bọc, thuộc di tích khảo cổ học Rạch Núi, tỉnh Long An.

Tiến sĩ khảo cổ học Marc Oxenham (Đại học Quốc gia Úc) cho biết, chất thải của người và chó được bảo quản trong tình trạng tốt tại Rạch Núi, cho phép các nhà nghiên cứu có cơ hội tìm hiểu về chế độ ăn uống của người thời xưa.

Ngoài ra, ông tin rằng nhà vệ sinh này có niên đại hơn 3.500 năm tuổi, tức vào thời kỳ đồ đá mới. Đây là phát hiện quan trọng nhất của nhóm trong bao lâu nay, cần nhiều thời gian để lần theo dấu vết cũng như thói quen sinh hoạt của người thời xưa. 

Tuy nhiên, một số nhà khảo cổ học đã đặt nhiều nghi vấn trước những công bố trên.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, chuyên gia khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, trong công bố trên có một số vấn đề khá “khó hiểu”. Ví dụ như công bố đưa ra nhưng không thấy đề cập đến các chứng cớ khoa học như xác định bằng phương pháp nào, số liệu cụ thể là gì,… nên thiếu sức thuyết phục. Thông tin còn ở dạng giả thuyết thì đúng hơn.

Quang cảnh khu khai quật ở Rạch Núi (Nguồn: Asian Scientist).
Quang cảnh khu khai quật ở Rạch Núi (Nguồn: Asian Scientist).

Để dẫn chứng, TS Nguyễn Hồng Kiên đã trích dẫn nguyên văn một đoạn được cho là “khó hiểu” nhất trong công bố nói trên được đăng trên tờ Asian Scientist: “The team believe they found Vietnam’s earliest latrine when they stumbled across more than 30 preserved feces belonging to humans and dogs that contained fish and shattered animal bones...”, (tạm dịch: Nhóm nghiên cứu tin rằng họ đã tìm thấy nhà vệ sinh đầu tiên của Việt Nam khi phát hiện hơn 30 mẫu chất thải còn lại của người và chó, trong chất thải có lẫn xương cá và xương động vật…). 

Ngoài ra, TS Nguyễn Hồng Kiên cũng cho biết, vấn đề nhà vệ sinh cổ có niên đại “cách đây hơn 3500 năm” cũng cần phải xem xét lại, vì thực tế qua các công trình nghiên cứu khảo cổ học từ trước đến nay đều cho thấy, con người khi đó chưa thể văn minh đến mức ấy.

“Chẳng lẽ cách đây hơn 3500 năm con người ở đây đã văn minh đến mức biết huấn luyện loài chó… đi vệ sinh đúng nơi quy định?”, TS Nguyễn Hồng Kiên đặt câu hỏi.

Tiến sĩ Vũ Thế Long – nguyên Trưởng ban Nghiên cứu con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học) cho biết: “Vấn đề chất thải của chó ở trong các di chỉ khảo cổ vùng đồng bằng sông cửu Long tôi cũng đã từng giải thích trong báo cáo khai quật di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre). Đó có thể là chất thải ngẫu nhiên của loài chó rừng, không liên quan gì đến việc con người nuôi nhốt hay huấn luyện”.

Cũng theo TS Vũ Thế Long, ứng dụng phương pháp sinh hóa để phân tích corpolite (phân động vật hóa đất) thì sẽ biết được thành phần có trong thức ăn động vật trước đó bao gồm những chất nào, từ đó có thể suy ra được thức ăn đã ăn là gì. Còn việc xác định niên đại cụ thể thì phức tạp hơn.

 “Chuyện có công trình nhà vệ sinh hơn 3500 năm này cần phải xem xét kĩ hơn nữa”, TS Vũ Thế Long cho biết.

Điểm nóng

“Gái gọi sinh viên” Hà Thành ế ẩm mùa Euro

Chuyện cảm động ghi trên đường của vị sư đi một bước, lạy một cái

Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải

Theo Hoàng Sơn (Bee.net.vn)