Ai sẽ tiếp bước thầy Văn Như Cương?

21/04/2011 07:49
Câu chuyện xếp gạch đăng ký vào trường Lương Thế Vinh bao năm chưa dứt mà hàng người đăng ký mỗi năm càng dài hơn. Ai sẽ tiếp bước thầy Văn Như Cương?

Câu chuyện xếp gạch đăng ký vào trường Lương Thế Vinh bao năm chưa dứt mà hàng người đăng ký mỗi năm càng dài hơn. Ai đó đã từng lo âu tự hỏi: Rồi đây, ai sẽ tiếp bước  thầy Văn Như Cương giữ gìn tinh thần trường Lương Thế Vinh? Câu hỏi không chỉ của riêng từng người…

Năm 2008, phụ huynh bắt đầu xếp gạch xí chỗ đăng ký vào trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội. Năm 2009, họ đi hai người từ chiều hôm trước, thay nhau trông chỗ để đăng ký. Học sinh tự muốn vào trường vì nghe nói thầy Văn Như Cương rất dân chủ. Còn phụ huynh muốn con vào trường vì “học trường của thầy Cương là yên tâm rồi”. ..

Và giờ đây ông giáo già 74 tuổi vẫn đang tiếp tục xây dựng một “thương hiệu trường học riêng”, một ốc đảo trên mặt bằng giáo dục hiện nay.

Thầy hiệu trưởng làm gì khi học sinh đòi đổi giáo viên?

Một học sinh lớp 11 hào hứng kể với chúng tôi rằng, học sinh trường Lương Thế Vinh truyền tai với nhau, muốn xin gì thì hãy xin thầy hiệu trưởng vì thầy hiếm khi từ chối học trò. Từ chuyện xin đi thi đấu bóng rổ, xin tổ chức hoạt động ngoại khóa, đến xin… đổi giáo viên.

Chuyện học sinh xin đổi giáo viên ở các trường nước ngoài là chuyện bình thường nhưng nó là một chuyện "không tưởng" ở các trường công và "xưa nay hiếm" ở các trường dân lập. Bản thân phụ huynh và học sinh cũng ít khi có mong muốn đổi giáo viên đơn giản vì quan niệm "tôn sư, thầy cô luôn đúng" đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.

Vì thế, để "xui" được học sinh đã từng nhiều năm học trong môi trường công lập sự tự tin và dám đòi hỏi cho mình có quyền đó, theo nhiều người nghĩ, hẳn đó phải là cả một quá trình.

Nhưng theo thầy Cương, đó là sự công bằng, khi học sinh chấp nhận mức học phí cao hơn so với các trường công lập, các em có quyền đòi hỏi, có quyền kiến nghị nếu thấy không phù hợp.
 

Ai sẽ tiếp bước thầy Văn Như Cương? ảnh 1
 

“Vì phụ huynh các em tin tưởng giao cho tôi số tiền để đi tìm giúp các em một người thầy tốt, một môi trường giáo dục tốt thì các em hoàn toàn có quyền được đòi hỏi những điều kiện học tập tốt nhất”.

Một "Nguyên tắc vàng" của trường Lương Thế Vinh, ngay từ khi mới thành lập là “Học sinh chấm điểm giáo viên”. Thầy Văn Như Cương giải thích: "Có thể kết quả không đúng 100% nhưng không thể sai. Một thầy dạy nhiều lớp nên kết quả điều tra rất khách quan. Tất nhiên, điều kiện đổi giáo viên là khi nhà trường thẩm tra lại và thấy phản ánh của học sinh hợp lý.

Ông kể cho chúng tôi nghe về trường hợp một lớp 11 chuyên Anh xin đổi giáo viên dạy Toán vì "thầy dạy không hay".

“Tôi tạm thời đồng ý và quyết định sẽ đứng lớp dạy thay cho thầy giáo kia để tìm hiểu nguyên nhân.

Sau một tuần đứng lớp, tôi hỏi các học sinh: - Thầy dạy như vậy các em có hiểu bài không? Cả lớp đồng thanh: Có ạ.

Tôi hỏi tiếp: Các em thấy thầy dạy có ok không? Cả lớp đồng thanh: Ok ạ!

- Vậy thì đến lượt tôi kiểm tra xem các em học có ok không?

Kết quả học sinh lớp đó đã không hoàn thành tốt bài kiểm tra. Vì thế, tôi nói: - Có nghĩa là các em học không ok chứ không phải thầy dạy không ok. Thầy sẽ không đồng ý việc đổi giáo viên. Tất nhiên là cả lớp phải “tâm phục khẩu phục” (Cười).

Thầy cũng nên học học trò


Và mắt ông vẫn sáng lên, giọng nói vẫn say sưa khi nói về thế hệ trẻ ngày nay: “Nhiều người nói giới trẻ ngày nay đang biến chất và quay lưng lại với thuần phong mĩ tục của dân tộc.

Theo tôi thì không phải như vậy. Không thể bắt các em xem cải lương, dân ca hay tuồng chèo hàng ngày. Những giá trị đó thì ai cũng biết, cũng hiểu và tôn trọng nhưng nó không phù hợp với bọn trẻ. Thế nên đừng vì đó mà quy kết rằng các em quay lưng lại với truyền thống. Tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều ở tuổi 17 bây giờ”.

Ông bảo, giờ ông đang phải học tụi nhỏ nhiều, từ cách chủ  động nắm bắt thông tin, rồi xử lý thông tin sao cho tốt nhất. Thế hệ của ông so với giới trẻ ngày nay là một trời một vực. Ngày xưa, học trò Văn Như Cương chỉ  biết đến sách vở, học hành rồi chỉ mong sao khi ra trường tìm được việc trong một cơ quan nhà nước rồi yên phận. Nhưng thế hệ ngày nay họ không chấp nhận chỉ làm thuê, mà họ còn tiến tới làm chủ. Họ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Họ rất chủ động nắm bắt và xử lý thông tin khá tốt.

Vào forum của trường, không dịch nổi “tiếng Việt” của một số học sinh, ông chỉ nhắc nhở, cứ theo lối viết bừa bãi như vậy thì rất nguy cho tiếng Việt.

Chỉ  vậy thôi mà sau đó, diễn đàn trường đăng một thông báo chính thức: "Nội quy Diễn đàn chưa cấm cách viết "mới mẻ" này, tuy nhiên từ nay xin đề nghị các bạn viết tiếng Việt chuẩn.

Bản thân mỗi chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - một thứ tiếng hay và đẹp. Các bạn đừng tiếc vài ba giây gõ 1 từ hoàn chỉnh mà cố gắng viết tắt, viết kiểu bóp méo hết cỡ cốt sao cho nhanh. Dân tộc ta đã gìn giữ tiếng Việt qua suốt mấy nghìn năm đấu tranh giành độc lập, không thể đến thế hệ chúng ta lại bị các bạn làm cho biến dạng đi như vậy.

Đây là một đề nghị nghiêm túc gửi tới tất cả thành viên Diễn đàn, mong các bạn tiếp thu và sửa đổi".

 

Mong học sinh trở thành người tốt

"Trường Lương Thế Vinh đã nổi tiếng với thành tích học sinh tốt nghiệp và đỗ Đại học cao, nhưng đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn dạy tất cả những học sinh của trường trở thành những người tốt" – thầy Văn Như Cương nói về những ước mơ của mình.

"Mới đây, Nhà nước mới cấp cho trường Lương Thế Vinh hơn 12.400m2 để xây dựng cơ sở vật chất. Một phần mong muốn của tôi đã trở thành hiện thực. Nếu có thêm nguồn lực tài chính, chúng tôi muốn xây dựng một trường nội trú để các em được sống nhiều bên nhau, trong nhà trường cả tuần.

Tôi muốn dạy kỹ năng sống cho trẻ, phải biết nấu cơm, giặt giũ, xắp xếp đồ đạc ngăn nắp... Chúng tôi sẽ dạy từng đứa trẻ từ lớp 1 đến hết lớp 12 một cách toàn diện, thông qua lao động. Chúng sẽ sống với nhau thân thiện hơn, biết phân biệt đúng sai, biết điều chỉnh mình để hành động đúng".



Câu chuyện xếp gạch đăng ký vào trường Lương Thế Vinh bao năm chưa dứt mà hàng người đăng ký mỗi năm càng dài hơn. Ai đó đã từng lo âu tự hỏi: Rồi đây, ai sẽ tiếp bước  thầy Văn Như Cương giữ gìn tinh thần trường Lương Thế Vinh? Câu hỏi không chỉ của riêng từng người…

Nhưng dù sao, đó vẫn là chuyện của tương lai. Còn ông thầy 74 tuổi vẫn đang nói về việc dạy học với niềm đam mê "như thủa ban đầu": Đứng lớp là niềm vui, là đam mê của tôi. Giờ mà bắt tôi ngồi không thì buồn chết mất”.

Theo Bee.net.vn

.