Rớt nước mắt vì lời kể của giáo viên thực tập mầm non

25/06/2012 07:10
Đặng Hường
(GDVN) - Có những khi nhìn bé tội nghiệp quá tôi liền ra dắt tay bé lại cùng chơi với các trẻ khác trong lớp, nhưng các chị giáo viên ở lớp đã ngăn lại: "Em kệ nó đi, cái thằng tự kỷ đó biết chơi đâu mà chơi. Động vào hỏng hết bây giờ". Cũng có khi nhìn thấy bé Bi cầm đồ chơi là các chị ra giật mạnh tay lại, rồi kéo ra không cho chơi cùng nữa.

Tôi không phải là một phóng viên hay nhà báo chuyên nghiệp, tôi cũng không phải là một chuyên gia trong ngành về trẻ tự kỷ. Tôi chỉ là một giáo viên mầm non tương lai, hay nói chính xác hơn là một sinh viên đang theo học ngành mầm non. Có lẽ bạn sẽ bất ngờ  bởi tại sao tôi lại không đi viết về câu chuyện trong ngành của mình mà lại đi viết về những đứa trẻ tự kỷ. Đơn giản bởi tôi là một giáo viên mầm non, và những đứa trẻ tự kỷ cũng là những đứa trẻ mầm non. Nhưng với những đứa trẻ đó tôi lại có một niềm thương cảm sâu sắc, bởi chúng đang phải chịu đựng nỗi bất hạnh, rất ít người có thể hiểu, và chia sẻ.

Vì chỉ là một sinh viên khoa mầm non nên khi viết lên câu chuyện này, tôi chỉ có thể bằng những cảm xúc chân thực của mình cùng sự trải nghiệm ít ỏi. Tôi kể ra những câu chuyện mà mình được nghe thấy, được nhìn thấy, đó là một câu chuyện buồn sâu thẳm, nó ám ảnh tôi suốt những ngày qua.

"Thằng tự kỷ ra kia ngồi..."

Bước vào năm thứ 2 của đời sinh viên, tôi được đi thực tập. Nơi tôi thực tập là một trường mầm non có tiếng của Hà Nội. Tôi được nhận lớp trẻ mẫu giáo nhỡ (4 – 5 tuổi). Một tuần đầu tiên, chúng tôi không phải giảng dạy mà chỉ cần cùng các chị ở lớp phụ giúp công việc và làm quen trẻ. Ba tuần tiếp theo chúng tôi được làm công việc của một giáo viên mầm non thực sự. Lớp tôi nhận có đến hơn 60 trẻ, nhìn bé nào cũng rất xinh xắn, thông minh và hiếu động. Nhưng trong số đó tôi đặc biệt chú ý đến bé Bi, nhìn bé rất xinh xắn và đáng yêu, nghe các chị nói bé bị tự kỷ. Bé Bi mới chỉ 2 tuổi, nhỏ tuổi hơn so với anh chị ở lớp. Nghe đâu bé là con của một chị giáo viên trong trường, được gửi vào lớp để hòa nhập với các trẻ khác.

Trẻ tự kỷ rất cần được quan tâm để hòa nhập nhanh với cộng đồng (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Trẻ tự kỷ rất cần được quan tâm để hòa nhập nhanh với cộng đồng (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Ban đầu tôi không mấy khi để ý đến bé Bi, bởi bé không được thông minh, lanh lợi như những đứa trẻ khác. Tôi hỏi: Con tên gì? Bé không nói, chỉ im lặng và ngước mắt nhìn tôi một lúc rồi bỏ đi chỗ khác. Mỗi buổi trưa khi các trẻ khác ngủ thì bé Bi lại thức và có những hành động "lạ" như: hú, hét... khiến các trẻ khác không ngủ được. Mỗi lần như thế, các chị giáo viên ở lớp lại chỉ tay vào mặt bé quát lên: "Câm mồm, ngậm miệng lại ngay".

Lúc đó, bé Bi ngước mắt lên nhìn các chị, mồm mím chặt và không dám kêu nữa. Cũng có những khi bé không nghe lời, bị các cô quát mắng thì bé trợn mắt lên nhìn, bé khóc thét, thậm chí có lúc bé còn vung tay đánh lại các chị rồi nhổ nước bọt vào người các chị giáo viên... Những lúc như vậy, các chị sẽ đánh bé hoặc nhốt bé vào trong nhà vệ sinh. Cũng chính những lần như thế mà tôi chú ý đến bé nhiều hơn.

Hàng ngày, tôi luôn thấy bé lủi thủi chơi một mình ở các góc lớp trông rất tội nghiệp. Khi các trẻ khác trong lớp đi học hay được dạo chơi ngoài trời thì bé Bi luôn phải lủi thủi trong lớp một mình. Hay tới giờ hoạt động góc (bán hàng, xây dựng, tạo hình), trẻ sẽ được chơi thì bé Bi chỉ được đứng nhìn. Có những khi nhìn bé tội nghiệp quá tôi liền ra dắt tay bé lại cùng chơi với các trẻ khác trong lớp, nhưng các chị giáo viên ở lớp đã ngăn lại: "Em kệ nó đi, cái thằng tự kỷ đó biết chơi đâu mà chơi. Động vào hỏng hết bây giờ". Cũng có khi nhìn thấy bé Bi cầm đồ chơi là các chị ra giật mạnh tay lại, rồi kéo ra không cho chơi cùng nữa.

Dù thương bé nhưng tôi chỉ là một sinh viên thực tập, nên không dám cãi lời các chị. Sau khi hoạt động góc xong các chị sẽ thường dẫn bé ra chơi ngoài trời, còn bên trong lớp, chúng tôi sẽ chuẩn bị ăn trưa cho trẻ... Những lúc như thế tôi lại trông thấy bé Bi hết lăn qua góc này lại lăn qua góc kia. Thương bé, tôi liền chạy qua nắm lấy tay bé rồi dạy bé giúp tôi chuẩn bị đồ ăn trưa. Những buổi đầu tiên, bé Bi nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ, thấy tôi đến gần là bé chạy đi, ánh mắt sợ sệt. Nhưng tôi luôn dùng những cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói ngọt ngào dỗ dành bé như mọi đứa trẻ bình thường khác. Có lẽ bé cảm nhận được điều đó, dần dần khi thấy tôi làm việc gì bé cũng chạy lại và giúp đỡ. Tôi dạy bé làm việc, xếp đủ mỗi bàn 10 chiếc thìa, 10 chiếc bát. Bé cầm từng chiếc thìa đặt ngay ngắn xuống từng bàn, miệng lẩm nhẩm đếm: 1 - 2 -3...

Dần dần như một thói quen, bé hay theo tôi, giúp đỡ tôi mọi việc từ bóc bánh, đổ rác bé cũng đi theo... Có những lần bé không may làm sai mà bị bắt gặp, các chị lại quát lên: “Thằng tự kỷ ra kia ngồi, không biết làm động vào làm cái gì. Em đừng có cho nó làm gì hết...". Những lúc như thế, bé nhìn các chị sợ sệt, có lúc bé lại hú lên và khóc thét thật to. Khi các chị bỏ đi là bé lại im bặt, qua chỗ tôi rồi tiếp tục "công việc". Nhìn bé lon ton chạy qua chạy lại làm việc mà tôi thấy vui, trong lòng thầm hỏi: liệu kia có phải một đứa trẻ tự kỷ hay không?

"Không cho nó ăn nữa, chỉ được một bát thôi..."

Còn rất nhiều những câu chuyện về những đứa trẻ tự kỷ nữa mà tôi được nghe các bạn cũng là sinh viên thực tập mầm non kể lại, trong đó có một câu chuyện cũng để lại trong lòng tôi nhiều trăn trở. Người kể cho tôi nghe lại câu chuyện gần nhất này là H, thực tập ở một trường mầm non tại Hà Nội. Ở lớp bạn ấy có một đứa trẻ tên Đ. Bé Đ rất béo, và các chị nói Đ "bị tăng động". Buổi trưa bé thường không ngủ và nằm nói chuyện với các bạn khác. Các chị giáo viên ở lớp rất hay quát và nói với bé những câu như: "Cái thằng tăng động không biết cái gì...". Mỗi câu nói của các chị đều kèm theo chữ “ thằng tăng động".

Vào bữa ăn trưa, khi các trẻ khác ăn xong thường xin thêm cơm, nhưng nếu bé Đ xin thêm bát nữa thì các chị quát rằng: "Không cho nó ăn nữa, chỉ được ăn một bát thôi, cái thằng tăng động không cho ăn nhiều, béo lắm rồi...".

Có những khi thấy bé tội nghiệp, các bạn sinh viên thực tập lại lén lấy thêm cơm cho bé ăn. Hay có những buổi trưa, bé Đ không bao giờ chịu ngủ trưa mà hay thức để nói chuyện, lúc đó các chị thường phạt bé đứng góc lớp một mình, hay nhốt bé vào nhà vệ sinh. Các cô sinh viên thấy vậy thường cho bé ra nằm ngủ gần, lạ thay là bé Đ ôm cô nằm ngủ rất ngoan một mạch tới chiều...

Bé Đ rất hay gần gũi các cô sinh viên và giúp các cô làm việc. Những khi không có các cô là bé lại lủi thủi chơi một mình. Đặc biệt là cái ngày chia tay lớp, sau khi kết thúc thời gian thực tập, ngày hôm đó có lẽ là kỉ niệm đáng nhớ nhất của các bạn sinh viên. Khi các bạn ra về, bé Đ chạy lại ôm chặt lấy chân và khóc. Bé nói: "Bữa nào cô lại đến nhé...".

Ai sẽ yêu thương những đứa trẻ bất hạnh?

Những câu chuyện mà tôi kể trên đây chỉ là một vài mẩu chuyển nhỏ về trẻ tự kỷ, và khi kết thúc kỳ thực tập ấy, trong đầu của tất cả những sinh viên chúng tôi luôn hiển hiện một câu hỏi mà chưa tìm được lời giải: Những đứa trẻ tự kỷ thật đáng thương, nhưng vì sao người ta lại nỡ đối xử với chúng như vậy?

Ngày nay, số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng, nhưng nhận thức của xã hội về trẻ tự kỷ lại vô cùng hạn chế. Người ta cứ nghĩ rằng, trẻ tự kỷ thì không biết làm gì hết , trẻ tự kỷ thì không biết nhận thức... Chính vì vậy mới có những suy nghĩ lệch lạc về trẻ tự kỷ, cô lập trẻ, tạo khoảng cách khiến trẻ thêm tự ti, không hòa nhập được với cộng đồng. Ngay cả những cô giáo mầm non, những người có chút kiến thức về trẻ em, những người hàng ngày gần gũi với trẻ, yêu trẻ yêu nghề mà cũng có thái độ hắt hủi thì thử hỏi xã hội này ai sẽ hiểu và thông cảm được cho những đứa trẻ bất hạnh như thế?

Và còn có một điều mà tôi không hiểu được, bé Bi là con của một giáo viên trong trường, và bà ngoại của bé cũng là một giáo viên ngay tại lớp mà bé được gửi. Thế nhưng ngoài chuyện được ưu tiên hơn về các suất ăn so với những trẻ khác, thì ngay cả bà ngoại của bé cũng không quan tâm tới những cảm xúc của cháu ruột mình. Bé Bi không được tham gia các trò chơi, hoạt động ở lớp. Có lẽ, bà ngoại' của bé cũng nghĩ đơn giản rằng chỉ cần cho bé ăn no, cho bé ăn ngon, thế là đủ.

Nhưng điều đó không phải là tất cả phải không các bạn? Bé là một đứa trẻ và cũng cần được quan tâm, chăm sóc, yêu thương, được đối xử như những đứa trẻ bình thường khác. Tại sao ngay cả những người thân, người ruột thịt trong gia đình cũng không hiểu cho những đứa trẻ tự kỷ như thế? Vậy làm sao có thể chờ đợi xã hội này mở rộng được vòng tay cho những đứa trẻ đó?

Đặng Hường