Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi ASEAN giữ lập trường độc lập

26/06/2012 07:18
Nguyễn Hường (nguồn Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Bà Phó Doanh đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không trở thành người ngoài cuộc hoặc "công cụ của các cường quốc khác" trong việc đối phó với những thách thức mới trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tân Hoa Xã ngày 25/6 đưa tin cho biết, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không trở thành người ngoài cuộc hoặc "công cụ của các cường quốc khác" trong việc đối phó với những thách thức mới trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu hiện nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh.

"ASEAN cần thực hiện những nhận định độc lập để thúc đẩy khu vực này tiến về phía trước. Nếu ASEAN nghiêng về một bên nào đó, khối sẽ mất đi sự xác đáng" - bà Phó Doanh cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The Nation hồi cuối tuần qua.

Trong buổi phỏng vấn, nhà nữ ngoại giao Trung Quốc này nhấn mạnh rằng mối quan hệ với các nước ASEAN là "ưu tiên không thể bàn cãi" đối với Bắc Kinh và nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ vai trò "trung tâm" trong quan hệ hợp tác ở Đông Nam Á. 

Hồi cuối tuần qua, Phó Doanh đã tới thăm Bangkok và có cuộc hội đàm với một quan chức thường trực bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow. Hiện Thái Lan là quốc gia đảm trách vai trò điều phối viên ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc trong vòng 3 năm, kể từ tháng 7/2012.

Theo bà Phó Doanh, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác từ đầu những năm 1990, quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ. 


Bà Phó Doanh (áo trắng) nhấn mạnh rằng mối quan hệ với các nước ASEAN là "ưu tiên không thể bàn cãi" đối với Bắc Kinh.
Bà Phó Doanh (áo trắng) nhấn mạnh rằng mối quan hệ với các nước ASEAN là "ưu tiên không thể bàn cãi" đối với Bắc Kinh.

Khi được hỏi về quyết định "cân bằng lại" và chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh "không có vấn đề gì trong việc chấp thuận sự hiện diện của Mỹ và ảnh hưởng tích cực của nước này tại châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh vai trò xây dựng của Mỹ trong các vấn đề khu vực". 

Tuy nhiên, Phó Doanh lưu ý rằng vẫn còn có nhiều mối quan tâm từ các phương tiện truyền thông và những học giả ở Trung Quốc về sự cường điệu của Mỹ đối với vấn đề an ninh khu vực. 

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có lo ngại về "chính sách ngăn chặn" mà Mỹ có thể dùng để chống lại Trung Quốc hay không, bà Phó Doanh cho rằng "Mỹ đã lên tiếng phủ nhận mọi ý định kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi sẽ nhắc họ về những từ lời đó". Cũng theo bà, trong bối cảnh hiện nay, bà không tin rằng bất kỳ một quốc gia nào có thể "kiềm chế" một quốc gia khác.

Về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Phó Doanh tiếp tục khẳng định lại lập trường rằng Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình "thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với các bên có liên quan".

Phó Doanh trong cuộc phỏng vấn với tổng biên tập tờ The Nation Suthichai Yoon tại Bangkok hồi cuối tuần qua. Ảnh ANN
Phó Doanh trong cuộc phỏng vấn với tổng biên tập tờ The Nation Suthichai Yoon tại Bangkok hồi cuối tuần qua. Ảnh ANN

"Đồng thời, chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải cũng như lợi ích của Trung Quốc. Chúng tôi vẫn cam kết làm việc với các nước có liên quan để đạt được một giải pháp nhìn xa trông rộng và khôn ngoan" - Phó Doanh nói thêm.

Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông vào năm 2002. DOC là một cam kết để "kiềm chế việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định" của khu vực. 

Theo Phó Doanh, Trung Quốc và ASEAN cũng đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử.

"Điều này cho thấy rằng việc bảo vệ sự ổn định khu vực và điều chỉnh các tranh chấp một cách thích hợp vẫn là mối quan tâm chủ đạo của chúng tôi trong khu vực" - bà Phó Doanh nói.

Theo bà Phó Doanh, hơn 80% hàng hóa thương mại của Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đông. Do đó, "sự an toàn của tuyến đường vận chuyển là vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo hòa bình trong một phần của thế giới này".

Nguyễn Hường (nguồn Tân Hoa Xã)