"Cả xã hội xôn xao như vậy thì chắc hẳn ĐH Ngoại thương cũng có giá?"

30/06/2012 07:30
Độc giả Đỗ Huy Bắc (Hà Nội)
(GDVN) - "Hàng loạt các vụ việc gây xôn xao nhưng xét thực tế, Ngoại thương không chỉ có sinh viên năng động, đầu vào cao, tham gia các hoạt động xã hội và thực tế không ít công ty rất muốn nhận sinh viên tốt nghiệp từ đây vào làm việc...Như vậy, sinh viên Ngoại thương có quyền kiêu hãnh về mình?", độc giả Đỗ Huy Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Xung quanh các vụ việc liên quan đến Trường ĐH Ngoại thương trong thời gian vừa qua và gần đây nhất là vụ việc "chảnh" của sinh viên Ngoại thương cùng đoạn video bị gắn vào bộ phim đề cử giải Oscar. Thậm chí, nhiều sinh viên trường Ngoại thương còn tự khen mình: “dù gì thì Ngoại thương cũng được gọi là Havard Việt Nam rồi”... gây xôn xao dư luận, tòa soạn đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều của bạn đọc gửi về.
Một trong những ý kiến đó là của độc giả Đỗ Huy Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn bài viết này. Mời bạn đọc theo dõi: Liên tiếp những scandal liên quan đến trường Ngoại thương trong thời gian qua đã khiến cho dư luận không khỏi xôn xao. Cá nhân tôi đã theo dõi rất kỹ những tranh luận này cũng như các ý kiến trái chiều của dư luận xã hội xung quanh sự việc này. 
Đại học Ngoại thương Hà Nội (Ảnh : Internet)
Đại học Ngoại thương Hà Nội (Ảnh : Internet)

Để khách quan, rõ ràng hơn cho những ý kiến trong bài viết của mình, tôi xin được nhắc lại một số scandal được cho là gây sốc, có dính dáng tới trường ĐH Ngoại thương trong thời gian vừa qua.
Scandal gây sốc đầu tiên được biết tới vào tháng 9/2011 một vài sinh viên Ngoại thương đã lên mạng và có tuyên bố “lương dưới 1.000 USD không làm”, tuyên bố này ngay sau đó nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng và trực tiếp là các sinh viên trường khác. Sự việc khi ấy đã rất “nóng” khi các diễn đàn liên tục tranh luận về mức lương của sinh viên Ngoại thương. Trước sức ép luồng dư luận, sinh viên T.D.T (người có phát ngôn trên) rất chân thành: “Em/mình xin lỗi chân thành đến tất cả sinh viên FTU cũng như sinh viên các trường khác. Sự việc diễn ra đến cơ sự này lỗi cơ bản nhất và chính yếu nhất là từ lời phát ngôn của em/mình. Lời phát ngôn đã làm ảnh hưởng đến một số thế hệ sinh viên nước ta hiện nay (theo một số quan điểm). Dù vô tình hay cố ý thì nó cũng đã tác động không tốt đến hình ảnh Trường ĐH Ngoại thương”. Rồi đến đầu tháng 6/2012, cư dân mạng lại xôn xao với đoạn clip có tiêu đề “Hiệu phó Ngoại thương nói xấu sinh viên Bách khoa”. Tuy nhiên, sau đó vị hiệu phó trường này đã có những giải thích trên báo chí... Và bây giờ lại là chuyện một doanh nghiệp đã quyết định không tuyển sinh viên trường ĐH Ngoại thương vào làm với lý do là "chảnh". Nhắc lại những scandal này, tôi muốn nói đến một điều rằng, trên thực tế, vẫn đang có một bộ phận sinh viên Ngoại thương đang quá tự tin thái quá về những gì bản thân mình đã và đang có. Đồng thời, một số giảng viên của trường trong khi đi giảng dạy đã có những giới thiệu mang tính chất hơi quá về trường. Nhưng đây chỉ là những "con số cá biệt" và có lẽ chẳng mấy ai ủng hộ, đồng tình với những ý kiến, thái độ như vậy cả? Tuy nhiên, chẳng có ai hoàn hảo được 100% cả. Và cũng "chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử". Tôi không phải là fan ruột của Ngoại thương nhưng tôi thấy việc sinh viên tự hào về ngôi trường mà mình đã và đang theo học thì không có gì đáng để bị lên án cả. Hơn nữa, việc giáo viên, giảng viên truyền tình yêu đối với ngôi trường cho sinh viên là điều mà ở trường nào cũng có hết và truyền lửa cho sinh viên là việc làm cần thiết để sinh viên có ý chí vươn lên. Xét trên thực tế, tôi và rất nhiều người khác khi đóng góp ý kiến cũng phải công nhận rằng, trường ĐH Ngoại thương có rất nhiều điểm mạnh cần phải nhắc tới. Trước hết, về truyền thống học tập, danh tiếng của trường thì thực tế đã chứng minh, nhắc đến Ngoại thương là người ta nhắc tới một cái tên đã trở thành niềm ước mơ, khát khao của biết bao thí sinh và các bậc phụ huynh trên cả nước. Nơi đây cũng được đánh giá là cơ sở đào tạo công lập hàng đầu về chuyên ngành về kinh tế đối ngoại của Việt Nam. 
Các sinh viên trường Ngoại thương (Ảnh : Internet)
Các sinh viên trường Ngoại thương (Ảnh : Internet)

Điều này thể hiện rõ ở điểm số đầu vào cũng như tỷ lệ chọi của Ngoại thương luôn đứng trong top đầu các trường ĐH trên cả nước. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chí ít cũng phải đạt điểm trung bình là 24 cho ba môn thì mới có thể đạt được "ước mơ" vào Ngoại thương trong khi đó với Thương mại thì chỉ khoảng 16 điểm trở lên hoặc Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Tài chính... là chừng 21, 22 điểm. Với điểm số này nếu tính trong bảng xếp hạng chung có lẽ chỉ đứng sau một số trường như Y, Dược...  Theo dõi các bảng điểm đầu vào vài năm trở lại đây, cũng cho thấy, rất nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối cho ba môn là 30/30 đều là thi vào ĐH Ngoại thương. Năm 2010, trường Đại học Ngoại Thương là trường đại học duy nhất trong cả nước có thí sinh đạt số điểm tuyệt đối 30/30 điểm và là nơi đầu quân của hơn 400 học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế trong năm học 2009 - 2010...  Bên cạnh đó, nếu theo dõi chúng ta cũng sẽ thấy rằng, số lượng sinh viên xuất thân từ Đại học Ngoại Thương giành được học bổng du học đại học và sau đại học tại nước ngoài luôn chiếm ưu thế trong số sinh viên các trường đại học tại Việt Nam. Đó là điều rất đáng để ghi nhận, trân trọng. Cá nhân tôi cũng như nhiều người đã từng tiếp xúc với sinh viên Ngoại thương đều phải trầm trồ, thậm chí là thán phục với phần lớn sinh viên rất năng động, thông minh tự tin, nhiệt thành, có những suy nghĩ mới mẻ, đam mê trong công việc. Không ít sinh viên Ngoại thương mà tôi biết, dù mới ngồi trên ghế nhà trường đã nhanh chóng tìm đến con đường khởi nghiệp, kinh doanh, không ngại thử thách, không ngại gian khổ. Nhiều người đã rất thành công và không ít sinh viên dù còn đi học nhưng đã có thu nhập tới hàng chục triệu/ tháng mà báo chí đã phản ánh. Sinh viên của trường Ngoại thương cũng được đánh giá rất cao trong các phong trào, hoạt động mang tính cộng đồng, xã hội. Không ít phong trào, hoạt động do sinh viên nơi đây phát động, thực hiện quả thực đã trở thành mô hình điểm, thu hút rất đông sinh viên hưởng ứng tham gia. Và từ những thông tin trên báo chí phản ánh, đã có không ít những sinh viên Ngoại thương có đóng góp tích cực trong việc quảng bá, đưa hình ảnh sinh viên, đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế... Thực tế, cá nhân tôi cũng thấy, bên cạnh một số ít doanh nghiệp thì cũng có rất nhiều các doanh nghiệp, các công ty trong nước và đầu tư nước ngoài đều muốn hay nói cách khác là rất thích nhận sinh viên tốt nghiệp, thậm chí là còn đang học dưới mái trường Ngoại thương vào làm việc.  Điều này cũng được minh chứng rõ ràng bằng việc, trên các thống kê của các cơ quan chức năng về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo của ĐH Ngoại thương luôn nằm trong top đầu các trường ĐH ở Việt Nam. Một điểm tôi cũng không quên nhắc tới, đó là trên không ít diễn đàn mạng, khi nhắc đến ĐH Ngoại thương, nhiều người còn đặt cho nơi đây mệnh danh là "Harvard của Việt Nam"...   Điều đó cho thấy sự coi trọng, đánh giá rất cao về ngôi trường này. Còn nhiều nữa những ưu điểm của trường ĐH Ngoại thương mà ở đây tôi không thể kể ra hết được. Với tất cả những gì đã được nêu lên ở đây, cá nhân tôi cho rằng, sinh viên Ngoại thương được quyền kiêu hãnh, tự hào về điều đó. Hơn thế, từ thực tế, tôi cũng thấy rằng, việc sinh viên trường Ngoại thương cho mình có giá ở đây cũng là điều rất bình thường. Tất cả những gì mà ngôi trường, sinh viên nơi đây đã đạt được quả thực, rất đáng để các sinh viên trường khác ngưỡng mộ... Qua những gì đã nói ở đây, bản thân tôi cũng muốn đặt ra một vấn đề, một câu hỏi, đó là, suốt thời gian qua, cả xã hội xôn xao về những scandal của Ngoại thương đến như vậy, chắc chắn trường ĐH Ngoại thương cũng phải có giá? Câu trả lời, tôi xin được dành cho tất cả các sinh viên, giảng viên cũng như những ai biết, làm việc với sinh viên và ngôi trường ĐH Ngoại thương này.*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mọi ý kiến, đóng góp xin bạn đọc vui lòng gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Đỗ Huy Bắc (Hà Nội)