EURO và những góc khuất

01/07/2012 10:29
Mai Hằng
(GDVN) - Niềm đam mê trái bóng tròn không bao giờ dừng lại. Tuy nhiên, có nhiều những góc khuất xuất hiện sau niềm đam mê ấy.

Khi niềm đam mê biến thành trào lưu

Trên thực tế, không ai phản đối việc xem những trận bóng đá và cổ vũ cho đội tuyển yêu thích. Nhưng Euro lần này, niềm đam mê đó đã trở thành 1 trào lưu xem bóng đá. Mặc dù Euro năm nay được tổ chức ở Châu Âu và thời gian diễn ra Euro vào rạng sáng theo giờ Việt Nam (chỉ có 8 trận diễn ra lúc 23h), nhưng có những khán giả cuồng nhiệt, trung thành, không bỏ lỡ 1 trận đấu nào cho dù sáng ngày hôm sau vẫn tiếp tục công việc từ rất sớm. Đối với học sinh, sinh viên thì họ sẽ ngủ bù vào ban ngày.

Có những bạn khi được hỏi,bạn biết gì về Euro và 16 đội bóng? Bạn yêu thích đội nào? Và nhận được câu trả lời hết sức thú vị: "Nói thực,mình chẳng biết gì về bóng đá và cũng chẳng yêu thích đội bóng nào. Nhưng mình xem hết các trận vì thấy mọi người xem mà mình không ngủ được. Xem bóng đá cũng vui vui, cùng hò reo với mọi người”. Nhưng có ai biết được sau những đêm cuồng nhiệt đó là sự mỏi mệt cả tinh thần lẫn thể xác.

Mới đây không ít thông tin về 1 nam thanh niên người Trung Quốc đã tử vong khi thức xem Euro 11 đêm liên tiếp, đó là lời cảnh tỉnh cho không ít fan hâm mộ môn túc cầu giáo.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, mỗi người không khó để sở hữu cho mình 1 tài khoản để tham gia vào các trang web cộng đồng, tuy ảo nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Sau mỗi trận đấu qua đi,các fan hâm mộ lại trút hết cảm xúc vui có, buồn có, khen ngợi có, chê bai có và hơn thế nữa là những status, comment lời lẽ tục tĩu, vô văn hóa về những gì họ không hài lòng. Phần ít phản đối, phần lớn hùa theo để biến sân chơi Euro thành nơi xả "rác"...

Góc khuất và những hiểm họa


Trên thế giới, người ta đã đưa cá cược bóng đá công khai dưới sự quản lý chặt chẽ của pháp luật. Nhưng ở Việt Nam thì cá cược bóng đá vẫn đang tồn tại dưới hình thức tệ nạn xã hội. Chính vì thế, người ta lao vào cá cược không vì mục đích giải trí nữa mà ở đó có sự ăn thua. Nếu thắng cược thì những đồng tiền bất hợp pháp đó cũng chẳng được chi tiêu vào việc hữu ích, còn nếu thua thì là cả 1 vấn đề về tài chính có thể sinh ra mâu thuẫn gia đình và mâu thuẫn xã hội.

Ngoài ra, sự đam mê mù quáng cũng góp phần giết chết tình yêu chân chính với môn thể thao vua. Các fan sẵn sàng theo dõi từng nhịp đập của Euro để chứng tỏ mình là người hiểu biết mà quên mất đi từng nhịp đập con tim mình đang dần mệt mỏi. Họ quên mất đi phía sau những đêm trắng hò hét là 1 cuộc sống thực mà họ đang từng ngày bươn trải. Còn với giới trẻ, họ không lường hết những hiểm họa khi đưa ra những cuồng ngôn trước dư luận. Sẽ có lúc những mâu thuẫn không còn là ảo nữa. Ai cũng đấu tranh cho tình yêu, cho niềm đam mê và khát khao chiến thắng giành cho đội bóng mình yêu thích.

Người hâm mộ, đặc biệt là sinh viên nên nhận thức rõ ràng niềm đam mê của mình để không biến nó thành trào lưu, đam mê nhưng hãy vì 1 Việt Nam khỏe mạnh và văn minh.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (11-20/6): EURO 2012

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Mai Hằng