Iran chuẩn bị đóng cửa eo biển Hormuz

03/07/2012 05:58
Nguyễn Hường (nguồn RT)
(GDVN) - Các nhà lập pháp Iran đã soạn thảo một dự luật cho phép đóng cửa eo biển Hormuz.
Các nhà lập pháp Iran đã soạn thảo một dự luật cho phép đóng cửa eo biển Hormuz để ngăn chặn các tàu chở dầu thuộc nhóm các quốc gia hỗ trợ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran đi qua vùng biển chiến lược này.
Eo biển Hormuz
Eo biển Hormuz

Theo lời trợ lý Phó Tổng thống thứ nhất Iran Agha-Mohammadi, "dự luật này được đề ra như là một câu trả lời dành cho hành động xử phạt của Liên minh châu Âu chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran". Được biết, lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU đối với Iran đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo ông  Agha-Mohammadi, 100 trong 290 thành viên quốc hội Iran đã ký vào văn bản đề nghị thông qua dự luật chỉ trong ngày 1/7.
Tehran đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu áp đặt đối với nước này.

Eo biển Hormuz là tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng hàng đầu thế giới, nơi hầu hết lượng dầu thô xuất khẩu từ Ả Rập Saudi, UAE, Kuwait và Iraq ra bên ngoài đều phải đi qua.
Lo ngại về việc eo biển Hormuz có thể sẽ bị đóng cửa, một số quốc gia Ả Rập đang xúc tiến tìm kiếm con đường thay thế.

Eo biển Hormuz
Eo biển Hormuz

UAE gần đây đã tiết lộ về kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu  Habshan-Fujairah nằm trên vịnh Oman với công suất khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Tuyến đường này sẽ giúp UAE vận chuyển được khoảng 3/5 tổng sản lượng dầu mỏ được xuất khẩu mỗi ngày.
Giới chức Iraq cũng công bố kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ cho phép nước này có thể vận chuyển dầu mỏ mà không cần đi qua eo biển Hormuz.
Ả Rập Saudi đang xem xét khả năng xây dựng đường ống dẫn dầu từ vịnh Ba Tư tới biển Đỏ. Tuy nhiên, đường ống này chỉ có công suất vận chuyển 5 triệu thùng mỗi ngày, chưa bằng một nửa số dầu mỏ được chuyển qua eo biển Hormuz.
Trong khi đó, vấn đề tìm đường thay thế để vận chuyển dầu mỏ tới khu vực châu Á vẫn còn là một thách thức đối với các quốc gia Trung Đông bởi con đường ngắn nhất tới khu vực này là thông qua kênh đào Suez luôn luôn bị tắc nghẽn; thông qua biển Đỏ và vịnh Aden lại dễ bị tấn công bởi cướp biển Somalia.
 
Nguyễn Hường (nguồn RT)