Tốt nghiệp Ngoại Thương đã nghĩ mình giỏi thì bạn chỉ là một con ếch

05/07/2012 06:33
SV Ngoại thương
(GDVN) - Tôi không rõ từ khi nào thì sinh viên Ngoại thương bắt đầu bị ghét. Chỉ biết rằng, cách đây hơn 3 năm, khi tôi còn học phổ thông, tôi cũng ghét cay ghét đắng Ngoại thương .
LTS: Sau scandal sinh viên Ngoại thương bị chê "chảnh", hay tự tin thái quá, thậm chí đánh giá trường mình ở đẳng cấp cao (Harvard Việt Nam), hơn hẳn những trường còn lại, hàng trăm độc giả đã cho rằng "sinh viên Ngoại thương quá ngạo mạn", nhưng cũng có những ý kiến cho rằng phát ngôn ấy chỉ thuộc về số ít, không phải là hình ảnh đại diện của ngôi trường này. Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải lá thư của một sinh viên ĐH Ngoại thương gửi về Tòa soạn.

Không dưới một lần tôi nghe thấy "Đáng đời Ngoại thương"
Tôi không rõ từ khi nào thì sinh viên Ngoại thương bắt đầu bị ghét. Chỉ biết rằng, cách đây hơn 3 năm, khi tôi còn học phổ thông, tôi cũng ghét cay ghét đắng Ngoại thương .
Nhưng “trời xui đất khiến” thế nào, giờ tôi lại là sinh viên năm thứ 3 trường Ngoại thương. 
Trước scandal sinh viên Ngoại thương bị chê "chảnh", hay tự tin thái quá, thậm chí đánh giá trường mình ở đẳng cấp cao, tôi thấy vừa thú vị, vừa chán nản... Khó có thể so sánh vụ việc này với bất kì vụ scandal nào, nhưng cứ thử nghĩ mà xem, Ngoại thương bây giờ cũng có vẻ giống như Cao Thái Sơn, đang phải chịu búa rìu dư luận không ít. Không biết nhờ vụ việc này, Ngoại thương có nâng được độ "hot" của mình như Cao Thái Sơn hay không, nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng quan hệ của Ngoại thương và công ty nọ không được đằm thắm thân thiết như Cao Thái Sơn và Adam Nguyễn được.

Sinh viên Ngoại thương vẫn là... số 1

Sinh viên Ngoại thương vẫn là... số 1

Scandal

Scandal "chảnh" của SV Ngoại thương bị gắn vào phim "Kẻ diệt chủng"

Sinh viên ĐH Ngoại thương chảnh thì...cạp đất ra mà ăn

Sinh viên ĐH Ngoại thương chảnh thì...cạp đất ra mà ăn

Chuyện Ngoại thương bị ghét bắt đầu từ bao giờ đã không rõ, bắt đầu từ chuyện gì thì tôi lại càng không biết. Nhưng tôi chắc có lẽ chuyện yêu ghét ấy phải trước chuyện nhà tuyển dụng chê sinh viên Ngoại thương "chảnh", trước đó là chuyện lương nghìn đô, trước đó còn là vụ việc bikini Bách Thảo, thậm chí trước cả vụ việc Nguyễn Đức Nghĩa rất lâu rồi... bởi những vụ việc này chỉ là cái cớ, cái lý do chính đáng để chúng ta thể hiện quan điểm yêu ghét của mình cho thật xác đáng, có cơ sở và tìm được những người có cùng chung suy nghĩ. Tôi nói thế, bởi không dưới một lần tôi nghe được câu: “Đáng đời Ngoại thương” sau mỗi vụ lùm xùm thế này.
Vì sao Ngoại thương lại đáng bị như thế ?
Nhiều người nói rằng, ghét Ngoại thương là ghét cái thái độ, vì SV Ngoại thương yêu cầu cao, đòi hỏi cao, chảnh, đi đâu cũng kênh kiệu, mà những sự sang chảnh này lại hoàn toàn không thực tế.
Sau vụ việc nghìn đô, đã có nhiều sinh viên để lại lời bình luận của mình rằng: Không hiểu SV NT đang nghĩ mình là ai nữa? Thậm chí cũng có chính SV NT tâm sự rằng: “Đó chỉ là một người, một ví dụ, không nên đánh đồng cả tập thể... như mình, mình cũng chỉ mong ước lương được 5 triệu một tháng, đủ sinh hoạt và nuôi bố mẹ...”.
Cả 2 ý kiến trên, bản thân tôi cho rằng, đều đúng.

Chính xác, SV Ngoại Thương – chủ nhân vụ nghìn đô không biết là ai?

Thứ 2, có SV NT nghìn đô, thì cũng có SV NT trăm đô, chục đô, ít nhất là người đã để lại ý kiến như trên.
Chuyện của người phát ngôn, tôi xin được miễn bàn, bởi đã ty tỷ người nói. Còn chuyện của người chục đô, tôi chỉ thấy buồn... chẳng biết từ bao giờ, chuyện mơ ước của người ta bây giờ cũng khó khăn đến thế. Thời đại kinh tế thị trường đã trở nên quá khắc nghiệt nên ước mơ của những người trẻ tuổi cũng hạn chế?
2. Chảnh = Lemon question
Cả sáng hôm nay, tôi thấy trên facebook mình la liệt những status kiểu như là chảnh là gì? Thậm chí còn có người cố gắng tìm từ "chảnh" trong tiếng Anh, để rồi tìm hiểu xem ý nghĩa chính xác của nó.
Tôi tự hỏi không hiểu mọi người cố gắng tìm định nghĩa của "chảnh" làm gì? Có phải để kiểm tra lại rằng liệu có phải mình chảnh hay không? Hay mình đã từng "chảnh" mà không biết? 
Cuối cùng, tôi nhặt được từ "chảnh" trong tiếng anh là lemon question. Nghĩ ra cũng thấy đúng, chua chát lắm nhưng câu hỏi chẳng hề có câu trả lời.
3. Khổ này là khổ chung

Chuyện sinh viên Ngoại thương bị từ chối tuyển dụng không phải bây giờ mới có. Có nhiều công ty ưu tiên tuyển dụng sinh viên ngoại thương thì cũng sẽ có những công ty không tuyển sinh viên Ngoại thương.
Khi ưu tiên thì không ai bàn đến, coi là chuyện đương nhiên; đến khi bị từ chối thì lại thu hút được nhiều tranh luận, có nghĩa đây là sự thật không thể chấp nhận?
Tôi xin kể một kỉ niệm trong trong lần tuyển dụng cách đây không lâu. Lần đó, người tuyển dụng hỏi tôi 2 câu mà tôi nhớ mãi: 
- Em là loại Ngoại Thương gì mà lại thi vào công ty này?
- Em định làm ở đây đến bao giờ rồi bỏ?
Tôi không nhớ sau đó buổi phỏng vấn kết thúc thế nào, chỉ biết rằng, đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết mình là Ngoại thương nào. 

Cơ chế nào đã đẩy Ngoại thương đến sự phân loại? Là tôi, là bạn, là Ngoại thương, hay là một ai đó tôi chẳng quen?

Nỗi khổ của sinh viên, thi thoảng học một đằng thi một nẻo, thi thoảng chỉ vì một người mà mình cũng bị mang tiếng theo, cũng thi thoảng bị ảnh hưởng bởi những thứ không đầu không cuối... là chuyện của sinh viên, ở bất kì đâu, ở cao đẳng, trung cấp, đại học, ở Ngoại thương, ở Bách Khoa, ở FPT, thậm chí ở Havard hay Yale...
Tuy nhiên, có một cái gọi là tình yêu... Tôi yêu Ngoại thương. Tôi yêu những người bạn cùng chung nỗi khổ với mình. Tôi yêu những đứa cười ngặt nghẽo với tôi mỗi ngày phóng xe trốn anh bảo vệ cổng trường vì quên thẻ. Tôi yêu mỗi lần vào căng tin mua cơm mà gặp các anh thay vì các chị, vì cùng xuất cơm 18 nghìn mà các anh sẽ cho nhiều rau hơn các chị...

Tôi cũng bất mãn nhiều điều. Nhưng tôi giấu nhẹm. Tôi giấu nó cho riêng mình hoặc cho những khoảng tôi yêu.

Tình yêu ấy cũng giống như mỗi lần mẹ mắng tôi lười như hủi, nhưng trước mặt hàng xóm thì chẳng bao giờ chê bai tôi cả. Chẳng phải mẹ tôi ghét hàng xóm, chỉ vì mẹ muốn tôi đẹp đẽ trước mặt mọi người.

Đôi khi tình yêu nó ích kỉ như thế đấy!
Tôi chẳng là gì ở Ngoại thương, thậm chí cố tình quên thẻ, cố tình trèo lên sân thượng, bị bắt vào phòng bảo vệ không ít lần, thế mà các chú các bác cũng không nhớ được tên.

Thế mà tôi vẫn yêu, tôi vẫn thích mỗi lần đến trường, cười ngớ ngẩn một mình, hoặc giậm chân bành bạch mỗi lần thi xong. Tôi vẫn muốn nói gì đó, làm gì đó, mỗi khi trường mình không-nhận-được cảm thông và yêu-thương.

Tình yêu, đôi khi nó khó hiểu như thế đấy!

 Tôi tự hào vì tôi sống hết mình những năm tháng là sinh viên trường Ngoại thương.
4. Nếu đó không phải là Ngoại Thương

Thử nghĩ mà xem, nếu đó là dòng chữ: “Chúng tôi không tuyển SV A” Sinh viên trường A sẽ nhận được cảm nhận của công chúng như thế nào?

Nếu Nguyễn Đức Nghĩa không học Ngoại Thương, thì chuyện anh ta học trường nào có hot đến thế? Hay nói đúng hơn là việc giáo dục anh ta tại trường đại học liệu có bị đưa ra để phán xét?

SV trường nào đó kiêu thì không sao? Nhưng sinh viên trường Ngoại thương kiêu thì lại bị đưa ra phán xét?
 Tại sao câu nói: tôi là sinh viên NT và tôi là SV XXX lại khác nhau như thế.
Thậm chí câu: tôi tự hào là SV NT cũng bị lên án? 
5.  Đừng bất công với Ngoại Thương.

Tôi chỉ là một sinh viên nói không với điểm C, nhưng thi thoảng vẫn bị điểm D và luôn cố gắng được B, nếu may thì được A.

Tôi không phải là đại diện của Ngoại Thương. Tôi chỉ có những trải nghiệm của riêng mình.

Đừng đánh giá trường Ngoại thương qua tôi, hay bất kì ai cả, vì dù con số đó lên đến hàng chục, thậm chí hàng nghìn, thì dù có 1-2 người chưa được lên tiếng thì đó vẫn chưa thể là toàn bộ sinh viên Ngoại Thương.
Trước khi nghĩ đến Ngoại Thương hãy nghĩ tôi là sinh viên như hàng nghìn sinh viên khác, thế thôi.
Bạn tôi nói với tôi rằng: Lý lẽ bây giờ không quan trọng nữa vì sẽ không ai nghe em cả, ai cũng đã nghe đủ, đã xem đủ, một vài ngày rồi nó sẽ lắng xuống…
Tự tôi cũng thấy mọi thứ đã trở nên bão hòa quá rồi, mình liệu đã quá muộn để nói? Tôi cũng đã nghĩ sẽ chẳng viết những điều này nhưng cứ như một điều gì đó trong lòng, làm mấy dòng chữ cứ lởn vởn trong đầu không yên. 
Tôi đăng bài viết này trên facebook cá nhân của mình vào ngày tối ngày 24/6 nhưng dưới dạng private (tức là chỉ có mình tôi đọc được). Thực tế, tôi dùng cách viết để cố gắng diễn tả đúng cảm xúc và suy nghĩ của mình tại thời điểm đó. Tuy rằng khi viết xong, tôi thấy chữ nghĩa mình vẫn chưa đủ độ để thể hiện “chuẩn” mọi thứ ...

Thời gian vừa qua, đi đâu cũng thấy tin tức về FTU, những vụ nghìn đô, rồi chảnh, rồi tuyển dụng cũng bị đào bới lên, sinh viên yêu trường cũng lao theo, đôi khi tôi sợ rằng chính những người bạn của mình, càng cố càng tổn thương. Nói thật tôi sợ lắm.

Đến khi đọc được bài báo với tựa đề :  "Đại học Ngoại Thương còn lâu mới bằng Bách khoa, Kinh tế quốc dân..." thì tôi quyết định gửi bài viết này lên, mong muốn một sự chấp nhận, nhìn nhận đúng đắn từ những sinh viên có trí thức và đầy hoài bão của nhiều cánh cổng đại học, cao đẳng hay trung cấp với nhau. Tôi tin rằng, chúng tôi có cái gọi là tinh thần rất Sinh Viên.
Chẳng ai vô tư hay rảnh rỗi đến mức chảnh với tương lai của mình.

Nói thật, giỏi thì có quyền chảnh - nếu hiểu chảnh theo nghĩa kiêu không điêu.

Tuy nhiên việc tốt nghiệp đại học Ngoại Thương đã nghĩ mình đủ giỏi để chảnh thì bạn là một con ếch.

Còn ai nghĩ thế thì chắc là con ếch ngồi giếng bên cạnh, 2 bên chẳng nhìn thấy nhau, chỉ ngẩng đầu nhìn bầu trời tròn tròn trước mặt.

Sợ lắm cái cách các bạn cứ cố phủ nhận rằng tất cả đều không chảnh, rồi lấy ví dụ người giỏi này người giỏi khác, nhà tuyển dụng này nhà tuyển dụng khác. Hành động có lên tiếng được hay không thì mình không biết, nhưng mọi thứ bây giờ chỉ làm nhau thêm mệt mỏi.

Khi xã hội vơ đũa cả nắm là SV NT thì năng động, có ai lên tiếng phản bác ko?

Chấp nhận, học cách chấp nhận hoặc nếu ko chấp nhận được thì hành động, lời nói phải khác. Những thứ bây giờ quá cũ để được quan tâm rồi.

Im lặng ko phải là vàng, nhưng nếu lời bạn nói cũng chẳng phải là vàng thì như nhau cả thôi.

Đừng làm nỗi đau thêm dài.
SV Ngoại thương