'Bún mắng cháo chửi Hà Nội còn kém xa nạn chặt chém ở Thanh Hóa"

05/07/2012 07:04
Độc giả Nguyễn Ngọc Hiển (Hà Nội)
(GDVN) - "Tôi là một người Hà Nội, đã đi du lịch không ít nơi cả trong và ngoài nước, nhưng tôi sợ nhất là đến Sầm Sơn, Thanh Hóa. Bởi, nơi đây không chỉ chặt chém đến "khiếp người" mà cung cách, thái độ phục vụ của các chủ hàng, nhân viên đối với khách hàng ở đây còn kém hơn rất nhiều so với ở Hà Nội...", độc giả Nguyễn Ngọc Hiển chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện về thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng, cửa hàng đối với khách hàng, và tình trạng buôn bán "chặt chém" trong thời gian nói qua riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nơi cộng cộng nói chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Một trong số ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Ngọc Hiển với nội dung cho rằng, cung cách phục vụ của Hà Nội tuy còn nhiều điều đáng để bàn như bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm nhưng so với Thanh Hóa thì vẫn còn hơn gấp trăm lần... Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết này. Mời độc giả cùng theo dõi:

Những ngày qua, tôi đã theo dõi rất kỹ những ý kiến của dư luận xung quanh câu chuyện về văn hóa phục vụ khách hàng của một bộ phận người Hà Nội được lưu thành các danh xấu "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm, đốt vía...".
Thực tế, cá nhân tôi cũng đã gặp, chứng kiến không ít cảnh như vậy và dù do người Hà Nội gốc hay người ngoại tỉnh mang đến thì thực sự, nét văn hóa xấu xí đó đã gây ra sự phản cảm, bức xúc, phẫn nộ không chỉ với những du khách mà ngay cả với chính những người Hà Nội như tôi.
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt người (Ảnh nguồn: Internet).
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt người (Ảnh nguồn: Internet).
Tuy nhiên, từ việc được đi nhiều nơi, cá nhân tôi lại sợ nhất khi đi đến một số địa danh du lịch ở Thanh Hóa. Bởi lẽ, một bộ phận không nhỏ người dân ở đây không chỉ có kiểu kinh doanh "chặt chém" đến "khiếp người" mà cung cách, thái độ phục vụ của các chủ hàng, nhân viên ở đây còn tệ hơn cả những cảnh "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm" ở ngoài Hà Nội.
Và không ít người bạn của tôi là những người Hà Nội, sau một lần tới đây cũng đã phải thốt lên rằng "tôi thề lần sau sẽ không thèm quay lại"...
Ngột ngạt với kiểu "chặt chém" 1 bát mỳ tôm 'không người lái' 50.000đ
Như nhiều người vẫn thường nói đã bỏ tiền ra thì ai cũng mong muốn được hưởng những dịch vụ, thái độ phục vụ tốt nhất. Và tôi khi bỏ tiền ra để đến Sầm Sơn du lịch cũng mong tìm được một không gian nghỉ ngơi thoáng đãng, tránh xa cuộc sống xô bồ, chen chúc nơi đô thị. Thế nhưng, dọc các con đường ở đây ken kín đủ những khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, hàng lưu niệm. Dọc các bãi tắm cũng vậy, đầy ắp nhà hàng, ki - ốt chen chân cùng với đội ngũ bán hàng rong đông đúc khiến cho nơi đây ngột ngạt hơn rất nhiều... Đông đúc, ngột ngạt thôi thì cũng là điều được cho bình thường, bởi điểm du lịch nào ở nước ta cũng na ná như vậy thôi. Song, cái cách kinh doanh theo kiểu "chộp giật", "chặt chém" du khách đến "khiếp người" của những chủ nhà hàng, nhân viên, người bán rong... ở đây thì quả là không thể chấp nhận được. Bằng chứng là, dù ở ngoài Hà Nội, dù rằng bị tiếng là "bún mắng, cháo chửi" nhưng giá cả cũng không phải là đắt chỉ 25.000 - 30.000 đồng/ bát bún, phở đầy ắp... Nhưng ở cái đất Sầm Sơn này, chỉ một bát bún, phở, cháo ngao... với lèo tèo vài ba miếng thịt mỏng tang, hoặc bát 'mỳ tôm không người lái' (mỳ tôm nấu nước sôi) tôi đã bị chủ một nhà hàng "chém" đến 50.000 - thậm chí cả 100.000 đồng và ở một số quán cóc còn cao hơn... Được coi là "xứ sở" của hải sản nhưng, giá bán các loại hải sản ở đây thì mỗi nơi một giá. Chính chúng tôi sau khi vào một quán hải sản dù có đề bảng giá rõ ràng nhưng đến khi thanh toán thì lại phải chịu một mức giá "đắt gần gấp đôi". Khi chúng tôi có ý kiến thì sau lời giải thích qua loa là khuôn mặt hầm hừ cùng không ít lời nói khó nghe, đe nẹt của chủ quán, các nhân viên đã buộc những "khách phương xa" phải chấp nhận trả trong sự uất ức, bức xúc. Các nhà hàng, ki - ốt dọc các bãi biển cũng không khá gì hơn, dù rằng mỗi cốc nước dừa đã bị "chém" đến tận 50.000 - 60.000 đồng, rồi các loại nước khác cũng đắt gấp đôi, gấp ba... Và thực sự, tôi cũng đã không dám uống cà phê ở Sầm Sơn khi, một người bạn trong đoàn của tôi lúc đó đã phải chấp nhận trả mức giá tới 150.000 đồng cho một ly cà phê cùng 50.000 đồng cho một đĩa hướng dương nhỏ gọi thêm để tránh bị...mắng. Không chỉ vậy, cũng là đi xe điện nhưng với xe điện Hà Nội hiện nay chỉ 15.000 đồng là có thể đi thăm thú được rất nhiều phố phường với chiều dài lên tới cả chục km nhưng ở Sầm Sơn như thời gian chúng tôi thì, họ lại nghĩ ra cách "chém cực độc" là chỉ cần qua một ngã ba là hết một chặng. Và lần đó, chúng tôi đã phải trả tới gần 500.000 đồng, vì đã qua tới hơn 10 chặng... Rồi còn nhiều nữa những cảnh chặt chém tiền phòng theo kiểu đặt một giá nhưng lúc thanh toán lại một giá khác hay chụp ảnh với ngựa, đi xích lô cũng như vậy..."Thượng đế" chỉ biết chào thua vì: Mua 1 cân mực chỉ ăn 8 lạng "Chặt chém" đã vậy nhưng chất lượng cũng như cung cách, thái độ phục vụ của các chủ nhà hàng, nhân viên Sầm Sơn thì cũng quá là tồi tệ. Nếu ai đã từng được nghe hay chứng kiến cái cảnh chủ hàng cùng đông đảo người nhà, nhân viên vây quanh khách du lịch dùng những từ ngữ thô lỗ, tục tĩu, chửi bới, thậm chí đe dọa thì sẽ có đánh giá như tôi.
Hàng rong vây du khách ở biển Sầm Sơn (Ảnh: nguồn: Vietnamnet).
Hàng rong vây du khách ở biển Sầm Sơn (Ảnh: nguồn: Vietnamnet).
Tôi đã thực sự phải "khiếp vía" trước những "tràng" chửi không ngớt của không chỉ một người mà của cả một nhóm người bán rong ở Sầm Sơn chỉ vì cái tội xem xong chiếc mũ, mặc cả rồi nhưng không mua vì vẫn còn bị hớ. Đâu chỉ có vậy, tuy không "thượng cẳng chân, hạ căng tay" với tôi vì nhóm tôi cũng khá đông người nhưng nhóm người này còn lẽo đẽo đi theo chửi đến tận cửa khách sạn. Chính người bạn gái đi cùng đoàn với tôi sau đó, khi phát hiện 1kg mực mua lại chỉ có 8 lạng, quay trở lại góp ý với chủ hàng thì cũng đã phải phát khóc vì bị "cho ăn" đủ các thứ tục tĩu nhất ở trên đời cùng không ít cái "phệt, tét"... Và từ một người nắm cái đúng trong tay thì chị lại bị vu thành "điêu toa, vu oan, bêu xấu cho cửa hàng".... Đâu chỉ thế, nếu ai đã từng vào các quán nước ở Sầm Sơn thì sẽ thấy, ngoài giá đắt đỏ, thì khi khách thanh toán, chủ hàng hoặc nhân viên còn kỳ kèo đòi thêm tiền ghế ngồi, với mỗi vị trí là một giá khác nhau. Chính tôi sau khi uống xong cốc nước dừa 50.000 đồng cũng đã phải trả thêm từng đó tiền cho chiếc ghế ngồi. Và nếu ai không trả, thì chắc chắn một màn "nước chửi" sẽ đón chờ... Không chỉ vậy, ngay kể cả phong cách, thái độ phục vụ của các nhân viên nhà hàng có tiếng ở đây cũng cho thấy một cảm giác không mấy dễ chịu, thân thiện... Chúng tôi đã liên tục nhận được không ít những cái lườm nguýt, những ánh mắt khó chịu khi gọi thức ăn mà hỏi giá và phàn nàn về việc phục vụ chậm... Như đã nói ở trên, là một người đã được đi nhiều nơi trên cả nước, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận và nói rằng, tôi chưa từng thấy cung cách, thái độ, văn hóa phục vụ ở đâu lại tồi đến như ở  Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tôi không có ý quy chụp hết tất cả các nhà hàng ở đây, nhưng chắc chắn những trường hợp trên không phải là hiếm và với những gì tôi đã từng phải trải qua thì ấn tượng đó thực sự là không tốt đẹp trong tôi. Nếu đem so sánh với những phong cách, thái độ phục vụ lịch sự, chuyên nghiệp, tôn trọng khách hàng ở Sài Gòn và kể cả việc phải ăn bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm ở Hà Nội nữa thì, từ những gì tôi đã được chứng kiến, "được là người trong cuộc", tôi dám khẳng định, văn hóa phục vụ ở Thanh Hóa còn kém đến cả trăm lần... Và cũng như đã nói ở trên, sau chuyến đi "nhớ đời" đó, không chỉ tôi mà nhiều người bạn của tôi đã thầm nhủ với nhau rằng: "đây sẽ là lần cuối cùng mình đến Sầm Sơn, Thanh Hóa chơi"...*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Độc giả Nguyễn Ngọc Hiển (Hà Nội)