Biển Đông: Nhà văn Lê Lựu ứa nước mắt khi nói về Trường Sa

06/07/2012 07:00
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Tốt nhất Trung Quốc nên tu chỉnh “tư cách đạo đức” để xứng đáng với vị trí của một nước lớn. Đừng thể hiện một “tư cách” gian dối, ngang ngược bất chấp đạo lý như vậy”
Ít ngày sau khi Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên tuyên bố mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại thềm lục địa Việt Nam, chúng tôi liên lạc với nhà văn của "Thời xa vắng" để đặt lịch phỏng vấn. Nghe từng hơi thở mệt nhọc của ông qua điện thoại, chúng tôi cũng ái ngại. Sức khỏe của ông đã suy giảm trầm trọng sau thời gian dài chống chọi với tiểu đường, tiền liệt tuyến, đau gan, thận, nhũn não, thấp khớp, gout... Nhà văn đã 70 tuổi, bệnh tật đầy mình đã khóc, nước mắt chảy giàn giụa khi nói về từng mảnh đất "sóng xô mãi cũng không mòn - ngàn năm sau vẫn cứ còn Trường Sa".

Nhà văn Lê Lựu (Ảnh: cand.com.vn)
Nhà văn Lê Lựu (Ảnh: cand.com.vn)


Nước lớn nhưng tư cách… nhỏ

Nhà văn Lê Lựu nói: “Thời gian qua tôi theo dõi rất sát tình hình giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc là một nước lớn. Tôi đi cũng nhiều nơi, người ta cũng công nhận Trung Quốc là một nước lớn nhưng “nhân cách” rất kém: nói một đằng, làm một nẻo… 

Có lẽ Trung Quốc nên học bài học trong hàng nghìn năm qua đối với Việt Nam. Việt Nam là nước có diện tích nhỏ nhưng đã đụng đầu với nhiều cường quốc trên thế giới và chưa lần nào Việt Nam thua, bị mất nước. Chúng ta vẫn giữ được chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Tốt nhất Trung Quốc nên tu chỉnh “tư cách đạo đức” để xứng đáng với vị trí của một nước lớn. Đừng thể hiện một “tư cách” ngang ngược bất chấp đạo lý như vậy”. 

Hành vi mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại 9 lô nằm trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam thể hiện sự ngang ngược và bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đồ họa: N.Khanh (nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Hành vi mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại 9 lô nằm trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam thể hiện sự ngang ngược và bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đồ họa: N.Khanh (nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

“Với sự phát triển như hiện nay, Trung Quốc không thể lừa được ai bằng những lời ngọt ngào về sự phát triển hòa bình, ổn định, không xâm phạm lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào nữa. Với tư cách là một nhà văn, tôi rất khinh thường cách Trung Quốc xử sự với nước láng giềng Việt Nam – quốc gia đã từng có thời kỳ gắn bó máu thịt với họ, chống các cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. 

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Bài học từ hàng nghìn năm qua vẫn còn, nước Việt Nam dù bị nhiều nước lớn mạnh xâm lược nhưng đều không “bị nuốt”. Trong thời gian vừa qua, khi Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo như vậy, tự họ đã để mọi người thấy rõ bộ mặt nham hiểm của Trung Quốc. “Tư cách đạo đức” của Trung Quốc hiện nay là của “một đứa trẻ đi ăn cướp”, nhà văn Lê Lựu cho biết.

Sức mạnh Việt Nam nằm trong bản tính con người Việt Nam

Trước một “người láng giềng khổng lồ” nhưng “xấu bụng”, nhiều người đã tự đặt ra câu hỏi về sức mạnh Việt Nam. Trong niềm xúc động mạnh đến rơi nước mắt, nhà văn Lê Lựu cho rằng: “Sức mạnh Việt Nam trước hết nằm trong bản tính của con người Việt Nam: Kiên cường, cần cù, chịu khó và tính độc lập dân tộc. Đó là một sức mạnh lâu dài từ trước đến nay.

Sức mạnh của Việt Nam còn là về khả năng xây dựng và tính chiến đấu đều hơn xưa rất nhiều. Nguồn sức mạnh thứ ba chính là bằng tình cảm, sức lực của mình vượt qua mọi khó khăn. Điều này cả nhân loại đã thấy rõ. 

Khi Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo và hành động một cách ngang ngược, bất chấp đạo lý như vậy, thế giới đã nhìn rõ bản chất của Trung Quốc. Tôi tin, những người có lương tri sẽ đứng về phía Việt Nam. Đó là một nguồn sức mạnh của chúng ta – sức mạnh chính nghĩa. 

Dù Việt Nam chưa phát triển mạnh nhưng khi có bất kỳ kẻ thù nào động đến thì họ sẽ không thể coi thường Việt Nam đâu. Ai cũng vì quyền lợi dân tộc mình nhưng quyền lợi đó phải chính đáng và đúng đắn, đừng có lừa dối và đi cướp của người khác”.

Nhà văn Lê Lựu: “Sức mạnh Việt Nam trước hết nằm trong bản tính của con người Việt Nam: kiên cường, cần cù, chịu khó và tính độc lập dân tộc. Đó là một sức mạnh lâu dài từ trước đến nay..."
Nhà văn Lê Lựu: “Sức mạnh Việt Nam trước hết nằm trong bản tính của con người Việt Nam: kiên cường, cần cù, chịu khó và tính độc lập dân tộc. Đó là một sức mạnh lâu dài từ trước đến nay..." 

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền của chúng ta đã không phát huy được hết sức mạnh khiến một bộ phận giới trẻ hiện nay không được cung cấp nhiều thông tin về các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhà văn Lê Lựu nói: “Tôi nghĩ, chúng ta vốn có quan điểm “bán anh em xa, mua láng giềng gần” nên chúng ta còn nói ít về vấn đề này. Nhưng không thể mềm mỏng mãi được.

Dân tộc ta đã làm nên lịch sử và có những thành tựu lớn được thế giới ghi nhận. Trong thời gian tới, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo hơn nữa. Tôi tin, đất nước chúng ta có đủ sức mạnh để giữ vững độc lập, chủ quyền. Một tấc không đi, một li không rời, dù có phải đổi bằng xương máu".

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

Hồng Chính Quang