Nên gửi clip ông Tây phân làn đường tới Bộ trưởng Thăng và lãnh đạo HN

07/07/2012 11:27
Thảo Lăng
(GDVN) - Nhiều độc giả cho rằng, nên gửi clip ông Tây chặn xe, yêu cầu người giao thông đi đúng làn đường tới lãnh đạo TP Hà Nội và ngành giao thông.

Câu chuyện người Hà Nội và người nhập cư tỉnh lẻ vẫn chưa thể dừng lại khi những ngày qua, một đoạn clip ghi lại cảnh một ông Tây chặn xe, yêu cầu những người tham gia giao thông ở Hà Nội đi đúng làn đường được phát tán rộng rãi trên internet. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều phản hồi bày tỏ sự bức xúc bàn về ý thức tham gia giao thông, về văn hóa của những người đang sống và làm việc ở thủ đô…

Điều đáng chú ý là, trong những ý kiến đó, một phần không nhỏ đề nghị gửi clip này tới những vị lãnh đạo thành phố, ngành Giao thông Vận tải. Đồng thời, nhiều độc giả lý giải nguyên nhân về ý thức của những người Hà Nội trong clip nói trên. Sau đây là một số ý kiến tiêu biểu:

Bên dưới bài báo “Hành động của ông Tây như “cái tát” giáng vào mặt người Hà Nội", độc giả Trần Anh Tuấn cho rằng, “…nên gửi clip này cho ông Bí thư, Chủ tịch thành phố. Thật đáng xấu hổ…”. Đồng quan điểm, độc giả Trần Nam An bình luận “Rất nên gửi các clip này đến các lãnh đạo Hà Nội để sớm có cách làm cụ thể, hiệu quả hơn với tình hình giao thông và văn hóa của những người đang sống và làm việc ở thủ đô”.

Một người nước ngoài đang cố kéo một chiếc xe đi ngược làn đường ở Hà Nội.
Một người nước ngoài đang cố kéo một chiếc xe đi ngược làn đường ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải cũng được nhắc tới trong bình luận của độc giả Đoàn Hữu Lợi: “Ngành giao thông có xem được clip này không nhỉ? Nhìn cái góc đường này theo tôi việc đi ngược là tất yếu. Nó giống như chẳng có cái bảng cấm vậy, sao không đặt camera quan sát xử lý nguội và xử phạt nặng các trường hợp cố tình vi phạm này?

Rất mong ngành giao thông sớm có những giải pháp quyết liệt đưa Việt Nam thành một nước ngày càng văn minh hơn”.

Độc giả Minh Vũ cho rằng ý thức tham gia giao thông không chỉ tồn tại ở Hà Nội xưa, mà ở rất nhiều thành phố, quốc gia khác. Đồng thời, độc giả này lý giải nguyên nhân của sự kém ý thức khi tham gia giao thông của những người Hà Nội trong clip nói trên. Cụ thể, “giao thông Hà Nội hay đâu cũng vậy thôi, khi mà pháp luật ở dưới chân thì chỗ nào chẳng lộn xộn. Mấy bác nghiên cứu cứ đi tìm văn hóa người Hà Nội gốc rồi đổ lỗi cho người nhập cư.

Ở Sài Gòn ngày xưa xem phim thấy người dân cũng hiền lành và dễ thương lắm chứ. Chẳng lẽ trên đất Việt Nam này chỉ mình người Hà Nội gốc mới có văn hóa đi lại? Mọi người sang Lào xem người dân họ đi đứng thế nào?

Hình ảnh cắt trong clip ông Tây chặn xe, yêu cầu đi đúng làn đường.
Hình ảnh cắt trong clip ông Tây chặn xe, yêu cầu đi đúng làn đường.

Muốn giao thông Hà Nội hay ở Việt Nam tốt thì phải đặt pháp luật lên trên đầu, không chỉ có giao thông mà tất cả các lĩnh vực để người dân làm gì cũng phải theo luật.

Các lãnh đạo các cấp không can thiệp vào anh CSGT khi người quen mình phạm lỗi..... Loại hết CSGT, TTGT ăn tiền”.

Cũng bàn về việc chấp hành luật pháp của người Việt Nam, độc giả Đức Huệ chỉ rõ: “Vấn đề lớn nhất nằm ở việc giáo dục, văn hóa cũng như độ nghiêm của pháp luật Việt Nam. Có bao nhiêu người có bằng lái xe, nhưng có mấy ai trong số họ biết về luật và những biển báo trên đường? Vậy bằng lái xe đó là lấy như thế nào? Khi họ vi phạm luật giao thông, bị công an bắt thì mức xử phạt theo tôi là quá nhẹ, không đủ răn đe, hoặc thậm chí họ không bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, độc giả Long Trần đưa ra một lý giải hoàn toàn khác dẫn đến ý thức kém của người Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa. Độc giả này cho rằng: “Ông cha ta có câu phép vua thua lệ làng là thể hiện rõ nhất vấn đề này.

Không có văn hoá đọc, kể cả đọc các bảng hướng dẫn, sách hướng dẫn sử dụng, tài liệu, sách báo.... Nguyên nhân vì trước đây không lâu khi chữ quốc ngữ chưa được phổ cập, thì 99% dân số là không biết chữ cho nên không có văn hoá đọc, việc này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt.

Để chúng ta thay đổi được văn hoá lạc hậu này, giáo dục tại nhà trường, sự gương mẫu và tuân thủ luật pháp của chính các nhà quản lý là những yếu tố quan trọng nhất cần làm ngay”.

Thảo Lăng