Đồng tiền làm nảy sinh “văn hóa mắng chửi”?

07/07/2012 15:11
Độc giả Hoàng Nam
(GDVN) - Khi người ta làm ra đồng tiền rất khó khăn thì trong ăn uống sinh hoạt, họ thường rất tính toán và tiết kiệm trong chi tiêu, thói quen chắt bóp, dành dụm tiền để "phòng thân" và dùng tiền theo mục đích chứ không phải phương tiện. 
Xung quanh câu chuyện về văn hóa phục vụ của không ít nhân viên, chủ nhà hàng, cửa hàng dành cho khách hàng trên mảnh đất Hà Nội đã lưu danh thành tiếng xấu như: "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Một trong ý kiến đó là của độc giả Hoàng Nam. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Nhu cầu vật chất

Các cụ có câu: "Người có thân (thế) lấy thân che của, kẻ có của (tiền bạc) lấy của che thân", quan niệm này đã ăn sâu trong tiềm thức của cả người xưa và lan tỏa cho đến những thế hệ sau này. Do đó, khi xác định nhu cầu của việc ăn hàng quán, điều quan trọng nhất là phải "Rẻ và Ngon", còn các yếu tố khác không quan trọng. 
Trong một nhà hàng hay một quán ăn, có thể họ phục vụ thêm trà đá, khăn lạnh hay trái cây và quan trọng nhất là thái độ phục vụ, nhưng trên thực tế phần đông họ không cần các dịch vụ gia tăng như thế, đơn giản là vì tất cả những thứ ấy đã làm giá cả tăng thêm trong món hàng mà họ phải mua. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trên thực tế họ chỉ có nhu cầu "rẻ và ngon" thì thử hỏi các dịch vụ gia tăng khác hay những vấn đề liên quan đến thái độ bán hàng, thái độ phục vụ có còn quan trọng không? - Vì ngon mới đông khách - Vì đông khách nên chủ quán bất cần phong cách phục vụ. Chủ quán nhà hàng lúc này cũng giống như một cô gái đẹp sẽ có quyền kiêu sa khi tiếp xúc với các chàng trai đến với mình. 
Xã hội ngày càng phân hóa giàu nghèo, do vậy với quan niệm: “Giàu thì người ta ghét, nghèo thì người ta khinh”, nên trong cuộc sống, đồng tiền quyết định vị trí của họ trong xã hội, có tiền tức là họ tự coi vị thế của mình trên những người khác, từ đó nảy sinh mâu thuẫn sâu sắc trong các mối quan hệ giữa con người với nhau. 
Đó cũng là nguyên nhân tạo ra các ngôn từ để phân biệt, thậm chí là miệt thị như “nhà quê, ngoại tỉnh, tỉnh lẻ, Hà Nội 2 - 3, Hà Nội mới” với “Hà Nội gốc” mà thực chất họ chỉ khác nhau ở chỗ “ma cũ ăn hiếp ma mới” mà thôi. 
Người có tiền có quyền dè bỉu, chê bai món hàng mình mua - kể cả khi đã ưng món hàng đó, người cần bán phải bảo vệ thứ mình đang có không để người khác nhục mạ mình.

Văn hóa “mặc cả” trong mua bán còn mang cả hàm ý “ăn thua nhau” chứ không chỉ còn là một việc trao đổi hàng hóa, từ đó sinh ra văn hóa “nói thách”.

Dễ dãi trong việc mua hàng thì hay bị người bán chê “dở hơi” còn có người bảo là “hoang phí, mua hớ”. Người bán không chửi, không mắng thì khác nào tự mình chê món hàng mình vô giá trị!
Sống theo hình thức 
Họ có thể mua một món hàng xa xỉ rất đắt tiền, hoặc một chiếc ô tô để lòe loẹt với thiên hạ nhằm thể hiện cho mọi người biết mình thì ai thì được xã hội hoan nghênh, xuýt xoa mà học hỏi, nhưng mấy ai biết được bữa cơm của họ phải rau, cháo bao ngày?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Mục đích để làm gì? Che đậy sự “nhà quê” của mình, che đậy sự nghèo hèn của mình để người khác không khinh rẻ. Có mấy ai dùng tiền để nâng cấp nhu cầu cuộc sống hàng ngày, hoặc dành vài đồng lẻ để khuyến khích tinh thần những người phục vụ? Cũng giống như, họ sẵn bỏ một số tiền rất lớn để thuê một phòng cao cấp nhất của một khách sạn 5 sao để thể hiện mình là “đại gia và thượng đế”, nhưng vài đồng lẻ dành cho nhân viên phục vụ phòng hay nhân viên khuân vác hành lý thì chẳng bao giờ có. Bởi lẽ, họ phải dành dụm những đồng lẻ đấy dành cho những bữa ăn rau, cháo hàng ngày. Vậy thì đòi hỏi gì ở thái độ phục vụ khi những “thượng đế” không cần đến nó, vì “thượng đế” chỉ cần “rẻ, ngon” là được. Vì họ vẫn đến, vẫn mua, vẫn ăn nhưng vẫn chê bai, khích bác ở cửa miệng? Tiền nhiều không mua được văn hóa, văn hóa chỉ thể hiện qua cách sử dụng đồng tiền mà thôi. 
Độc giả Hoàng Nam