Nếu bị chặt chém hoặc ăn chửi tôi thề sẽ không quay lại đó lần thứ hai

08/07/2012 07:05
H.P (Tổng hợp)
(GDVN) - “Đã đi du lịch chắc chắn phải tiêu pha tốn kém, nhưng cái giá cũng nên vừa phải. Những người làm dịch vụ phải có thêm cái Tâm trong lòng thì sẽ hay hơn rất nhiều”, độc giả Nguyễn Bình Nguyên chia sẻ.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ, mới đây là hai bài viết "Tôi thề sẽ không bao giờ bước chân đến Sầm Sơn, Thanh Hóa lần nữa" và bài viết của độc giả Phạm Văn Tính: "Nhiều người Hà Nội có biết câu: Miếng ăn là miếng nhục không?", Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả. 
“Nếu phải ăn chửi hoặc bị chặt chém giá cả, không bao giờ tôi quay lại nơi đó lần thứ hai”
Độc giả Đức Triệu bày tỏ sự thông cảm với những bức xúc của độc giả Phạm Văn Tính qua bài viết "Nhiều người Hà Nội có biết câu: Miếng ăn là miếng nhục không?". Độc  giả này cũng khẳng định “tôi đã nghe nhiều thông tin về tình trạng bún mắng cháo chửi và bản thân tôi cũng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tới ăn ở những hàng quán thiếu văn hóa như vậy”.
Một độc giả khác cũng khẳng định “Tôi không bao giờ vào những hàng quán như thế này dù có ngon đến đâu”.

Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.
Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.

Độc giả có địa chỉ email sonthanhm@...kể lại nỗi bức xúc của mình khi lần đầu tiên ra Hà Nội công tác “thực sự, tôi rất khó chịu khi đi ăn phở ở thủ đô. Lần đó, tôi vào một quán phở và tìm cho mình một chỗ ngồi để ăn. Nhưng tôi đợi hoài mà không thấy người phục vụ đến hỏi khách hàng muốn ăn phở như thế nào? Đợi lâu quá nên tôi mới hỏi người quản lý “sao tôi vào lâu mà chưa được phục vụ?”, ai dè bà này quát ầm lên "không có mắt hay sao mà không thấy, muốn ăn phở thì phải ra xếp hàng và tự bưng phở, không ai hầu đâu".
Thật sự tôi rất sốc và trong lòng cảm thấy bực tức. Ở miền Nam chúng tôi khi vừa bước vào cửa tiệm là nhân viên nở nụ cười tươi tiếp đón, lo lắng cho khách hàng đến khi khách hàng rời cửa tiệm và luôn nở nụ cười thân thiện và tạm biệt khách hàng "Hy vọng sẽ phục vụ quý khách thêm lần nữa".
Trong khi đó, khi nhớ lại lần du lịch ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, độc giả Văn Đức vẫn không khỏi bức xúc: “Mình và gia đình có lần vào Sầm Sơn và ghé qua hòn Trống Mái vãn cảnh, tại đó có để sẵn các hình Tôn Ngộ Không và các con vật khác. Trẻ em thấy thế vào chụp ảnh, khi chụp xong một số người ra bắt thanh toán tiền 30.000- 40.000/kiểu ảnh, thái độ rất hung hăng và côn đồ. Cả gia đình cảm giác như bị cướp tiền, tuy rằng số tiền ấy không nhiều nhưng nó đã làm hỏng cả chuyến du lịch của gia đình”.

Còn độc giả Nam Anh thì nhớ mãi chuyến du lịch cùng bạn bè trong hai kì nghỉ năm 2010 và 2012. Độc giả này kể lại “năm 2010, đoàn du lịch của chúng tôi có 3 gia đình gồm nhiều cháu nhỏ, đến thuê 1 khách sạn. Khi chúng tôi thuê đã hỏi rất rõ ràng về giá cả nhưng đến ngày hôm sau khách sạn lên thông báo ngày cuối tuần giá tăng lên gấp rưỡi. Họ nói rằng, nếu không đồng ý sẽ cắt điện của chúng tôi”.

Cần có những biện pháp lâu dài 

Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng chặt chém ở Sầm Sơn, độc giả Nguyễn Thanh Hoa cho rằng “cũng do thiên tai hàng năm nên người dân mới làm vậy, và đó chỉ là một bộ phận nhỏ ở đó thôi còn tôi cũng thấy nhiều người ở đó kinh doanh cũng đàng hoàng lắm chứ...”, trong khi một độc giả khác khẳng định chắc chắn “chỉ một bộ phận mới như vậy, tôi nghĩ tình trạng này ở đâu cũng có, chứ không riêng gì ở Sầm Sơn”.

Theo quan điểm của độc giả Nguyễn Bình Nguyên “vấn đề không phải chuyện du lịch là chuyện giữa người bán người mua mà là trình độ quản lý của các cơ quan chức năng. Đã đi du lịch chắc chắn phải tiêu pha tốn kém, nhưng cái giá cũng nên vừa phải. Những người làm dịch vụ phải có thêm cái Tâm trong lòng thì sẽ hay hơn rất nhiều. Nếu cơ quan chức năng ra tay triệt để, không dung túng những hành vi như vậy thì sẽ chẳng có những hệ lụy ấy”.

Bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt người. Ảnh: Internet.
Bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt người. Ảnh: Internet.

Độc giả Nguyễn Văn Sơn cho rằng “chúng ta đừng vì tiền mà làm mất thanh danh, tôi thiết nghĩ ngành du lịch Thanh Hóa nên ghi nhận sự đóng góp để thay đổi, đừng đánh mất lòng tin của du khách”.

Độc giả Lê Tính góp ý “những người làm Du lịch ở Thanh Hóa cần phải nhìn nhận vào thực tế. Sầm Sơn là một bãi biển đẹp nhất nhì miền Bắc, nếu cung cách quản lý của các cơ quan chức năng, sự làm ăn của các doanh nghiệp và người dân hiền lành chân thật thì hay biết bao. 

Là người quê Thanh Hóa khi nghe, đọc được những tin như vậy, tôi thật là xấu hổ với bạn bè và với chính bản thân. Thanh Hóa cần phải có một cuộc cải cách chiến lược, phân tích những yếu kém cũng như những thế mạnh của tỉnh để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước....”.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

H.P (Tổng hợp)