Nữ sinh tài năng ĐH Ngoại thương bật mí bí quyết giành 26,5 điểm

08/07/2012 11:30
Kim Ngân
(GDVN) - Với số điểm 26,5 khối D năm 2010, Dương Thị Thanh xếp thứ 3 khối D vào Đại học Ngoại thương HCM. Vậy, bí quyết để đạt điểm 8,5 môn Văn, điểm 9 môn Toán và Anh là gì?
Dương Thị Thanh giành tổng điểm 26.5 điểm đầu vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II HCM, trong đó Toán 9, Văn 8.5, Anh 9. Hiện nay, Thanh là một trong những ứng viên xuất sắc được đi học nước ngoài từ học bổng 322 của Bộ GD & ĐT. Tháng 8 tới, Thanh sẽ lên đường du học tại Trường ĐH Paris 10 (Pháp). 

Dương Thị Thanh (SV ĐH Ngoại thương HCM)- là ứng viên học bổng 322.
Dương Thị Thanh (SV ĐH Ngoại thương HCM)- là ứng viên học bổng 322.

Thanh chia sẻ, đối với môn Văn, cái quan trọng nhất khi làm bài thi là tâm lý. Tâm lý thoải mái trước khi làm bài, đừng đặt nặng mà cứ cố gắng đáp ứng được yêu cầu của đề bài và thể hiện được ý của mình. Những câu trong đề thi Văn đều nằm trong chương trình ôn thi của Bộ GD nên mình không cần viết quá văn vẻ hay quá xa vời mà chỉ cần viết ý chính, cơ bản thì sẽ được điểm cao. Ví dụ như câu 1, câu 2 cần làm rõ ý muốn nói, cô đọng trong bài viết, trình bày rõ ràng. Để bài nghị luận ở câu 2 đạt điểm cao thì bài viết phải thể hiện rõ cái tôi của các bạn, liên hệ ngoài bài viết, độc đáo.

Tuy nhiên, cũng không ép buộc, cố gắng nghĩ đến cái độc đáo ấy, mà phải làm tốt cái cơ bản đã. Và quan trọng và cần thiết là sự phân bổ thời gian hợp lý giữa 3 câu để tránh câu 3 nhiều nhất lại bị mất điểm vì thiếu thời gian.

Chùm ảnh: Sĩ tử ùn ùn đổ về Hà Nội chuẩn bị thi ĐH đợt hai

Chùm ảnh: Sĩ tử ùn ùn đổ về Hà Nội chuẩn bị thi ĐH đợt hai

Thủ khoa khối C bật mí cách làm thi đạt hiệu quả cao

Thủ khoa khối C bật mí cách làm thi đạt hiệu quả cao

Mình nghĩ nên căn thời gian hợp lý. Kinh nghiệm của mình là câu 1: 20 – 25 phút; câu 2: 40 – 45 phút, còn lại là thời gian làm câu 3. Và có một điều rất cần thiết là dành ra 5 phút để đọc kỹ đầu bài để định hướng được bài làm của mình.

Bản thân mình thích học Văn, nên không thích học thuộc Văn. Trước khi đi thi, mình tự viết 7 – 8 bài theo chủ đề mà mình chọn, điều đó khiến mình tự tin hơn.

Còn đối với môn Toán khối D không quá khó và đòi hỏi tư duy như Toán khối A. Vì vậy, bạn chỉ cần nắm thật chắc kiến thức, làm cẩn thận để không bị mất điểm oan uổng. Làm đến đâu phải chắc đến đấy vì đó đều là những dạng rất quen thuộc mà các bạn hay làm.

Làm những câu biết chắc hướng đi trước, đôi khi phải hy sinh bỏ qua câu khó. Kinh nghiệm xương máu của mình là đã không cẩn thận, nhầm dấu cộng thành dấu trừ nên đã mất điểm, không thì mình đã được 10 điểm.

Cũng như môn Văn thì Toán dành 5 – 7 phút để xem lại bài làm của mình thật kỹ để nếu có nhầm thì sửa.

Và môn tiếng Anh, sức ép thời gian đòi hỏi bạn phải thật bình tĩnh. Tiếng Anh phải học từ đầu, quá trình dài chứ không theo dạng, khung như môn Văn, Toán. Trước tiên, phải đọc kỹ đề, nhất là ở phần bài đọc đề ra hay lừa thí sinh. Phải biết chú ý đến thời gian, kinh nghiệm của mình là làm hết 1 lượt, câu nào không biết làm thì bỏ qua luôn để làm câu khác. Đừng để mất điểm trong những câu trong vùng kiến thức của mình. Sau đó, lật lại 1 lần nữa để rà soát, làm những câu chưa làm được.

Điều cuối cùng và quyết định vẫn là tâm lý. Kỳ thi đại học là quan trọng nên tâm trạng lo lắng, hồi hộp là không thể tránh khỏi. Lúc vào phòng thi, bản thân mình rất hồi hộp, tim đập thình thịch. Tuy nhiên, để thoải mái hơn bạn hãy coi đây là cơ hội để thử sức, kết bạn, gặp gỡ. Bạn hãy nói chuyện với những người bạn xung quanh sẽ giúp tâm lý bạn rất nhiều.

Kim Ngân