Biển Đông: Bài học về cách "vượt thoát" Trung Quốc tài tình của Bác Hồ

09/07/2012 06:59
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Sức mạnh của dân tộc và thời đại, cộng thêm sự khôn khéo, biết điều, sáng tạo, dám có đột phá trong đường lối chính sách đối ngoại chính là sự bảo vệ có hiệu quả nhất chủ quyền biển đảo của nước ta lúc này".
Phần 2 của cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đồng thuận với ý kiến cho rằng, tư tưởng dân tộc cực đoan tại Trung Quốc sau một thời gian dài được nuôi dưỡng nay đang "phát tác". Ông Dy nói: "Nhân dân Trung Quốc trong hơn 30 năm qua trong quan hệ với Việt Nam đang bị “nhuộm đen” rằng: Việt Nam là nước vô ơn bạc nghĩa, xâm lược Trung Quốc… nên phải “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tiếp đó là những tuyên truyền chủ quyền thể hiện qua việc tuyên bố chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn của Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc bị nhuộm đen đến mức Trung Quốc cho rằng nếu xảy ra "sự cố bất ngờ" với Việt Nam thì không phải làm công tác tuyên truyền". Phần 3 và cũng là phần cuối cùng cuộc phỏng vấn, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy dành nhiều thời lượng phân tích về phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
- Thưa ông, có một số lo ngại rằng, tư tưởng dân tộc cực đoan đang lên tại Trung Quốc và Việt Nam sẽ là rào cản cho việc gìn giữ, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia?
Đã nói đến dân tộc thì bao giờ cũng cần tỉnh táo. Có một số người Việt Nam cũng như Trung Quốc bị kích động, bị lợi dụng. Do không hiểu biết nên có những hành động bồng bột, quá khích… Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là cái nhất thời. Còn tinh thần dân tộc chân chính của Việt Nam cũng như Trung Quốc sẽ giúp cho 2 bên tìm ra được một giải pháp thỏa đáng. 

"Nơi tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo quên mình" (Thơ Nguyễn Việt Chiến)
"Nơi tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo quên mình" (Thơ Nguyễn Việt Chiến)

Việt Nam là nước đã từng chịu Bắc thuộc 1000 năm, một số người Trung Quốc cho rằng, Việt Nam đã là một phần của Trung Quốc nhưng những người Trung Quốc chân chính vẫn công nhận chúng ta là một quốc gia độc lập. Mối quan hệ có lúc thăng lúc trầm nhưng rồi hai bên vẫn chung sống hòa bình và gắn kết với nhau.
Chỉ có điều, trong tình hình mới này, chúng ta cần có cách cư xử khôn khéo, phù hợp. Chúng ta vẫn giữ thái độ ôn hòa với họ, không phải vì tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay mà chúng ta tỏ ra bất chấp. Chúng ta vẫn hết sức tôn trọng những lợi ích chính đáng của họ. Còn những lợi ích không chính đáng, chúng ta kiên quyết chống tới cùng.

- Trung Quốc đã trở thành một cường quốc, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng trước việc nước này "leo thang" gây căng thẳng tại Biển Đông, dư luận lại đặt dấu hỏi: "điểm yếu” của Trung Quốc hiện nay là gì và liệu rằng, họ có thể "tự tung tự tác" trong thế giới hội nhập một cách sâu rộng hiện nay?

Hiện nay, trong nội bộ Trung Quốc đang diễn ra những cuộc đấu tranh rất gay gắt về nhiều vấn đề. Và cuộc đấu tranh nội bộ này có điểm khác cũ. Dạo trước khi các ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình còn sống thì vẫn có các cuộc đấu tranh nội bộ. Tuy nhiên, do có 2 người này đứng đầu làm lãnh tụ nên có thể dung hòa lợi ích nhóm giữa các bên và các bên vì thế mà không dám đấu tranh quyết liệt như bây giờ. Hiện nay, Trung Quốc không còn nhân vật nào có thể đảm đương được vị trí lãnh đạo cao nhất kia nữa. Chính vì thế trước sự “sống chết”, cuộc đấu tranh nội bộ rất gay gắt và khó lường. 
Thêm nữa, những cuộc đấu tranh nội bộ ở Trung Quốc trong thời gian trước chưa có “màu sắc quân đội” nhưng trong cuộc đấu tranh nội bộ hiện nay, yếu tố quân đội đã xuất hiện. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ việc cải cách mở cửa đòi hỏi hỏi phải cải cách chính trị.

Một người Trung Quốc nói rằng: “Lấy Trường Sa thì dễ nhưng giữ Trường Sa thì khó”. Và điều này, nhiều người dân Trung Quốc biết. Trung Quốc có vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không dám dùng vì bây giờ là thế giới hòa bình nên Trung Quốc không phải muốn sử dụng là được. Và Trung Quốc lại là nước đầu tiên cam kết không sử dụng bom nguyên tử…

- Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang sử dụng luật chơi 2 mặt trong vấn đề Biển Đông? 

Chúng ta không được ảo tưởng về cách đối xử của Trung Quốc với ta hiện nay. Họ luôn nói một đằng, làm một nẻo.

Như trước đây tôi đã nói nhiều lần, Trung Quốc luôn áp dụng chiêu bài “lúc đấm”, “lúc xoa”, có khi “vừa xoa, vừa đấm”. Đó là một thủ đoạn bất biến của Trung Quốc mà chúng ta cần phải cảnh giác. 
Với quyết tâm và mộng bá quyền của Trung Quốc từ trước tới nay, chắc chắn họ sẽ vẫn tiếp tục làm tới cùng. Biển Đông đối với Trung Quốc không chỉ là địa bàn chiến lược mà còn có ý nghĩa sống còn. Đây không chỉ là nơi giàu có về tài nguyên khoáng sản, hải sản mà còn là con bài quan trọng để tác động, gây sức ép đối với Việt Nam, hòng biến Việt Nam thành quốc gia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
- Có quan điểm cho rằng, trong công tác ngoại giao, Việt Nam nên dựa vào một nước lớn để có thể tạo thế đối trọng với Trung Quốc?

Chúng ta không nên dựa vào bất kỳ nước nào để chống lại một nước thứ 3. Chúng ta phát triển toàn diện, hòa bình và mong muốn hợp tác hữu nghị các bên, cùng có lợi với các nước. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước kể cả Pháp và Mỹ là hai quốc gia đã từng xâm lược Việt Nam cho dù những hậu quả của cuộc chiến, đến giờ vẫn còn.

Tôi rất tiếc là sau khi Bác mất, trong một số thời điểm, chúng ta đã không thực hiện được đường lối ngoại giao như thời Bác còn sống. Đó là bài học lớn cho đường lối ngoại giao vào thời điểm này.

Phong cách ngoại giao của Hồ Chủ tịch được gói gọn trong 3 cụm từ: “trí tuệ, bản lĩnh, nghệ thuật”.

Một trong những câu chuyện ngoại giao thể hiện trí tuệ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa bên Trung Quốc, trong một lần gặp mặt, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã trực tiếp mời Hồ Chủ tịch đi xem “báo chữ lớn” ( một cách thể hiện “sức ép” Việt Nam ủng hộ Cách mạng Văn hóa, ủng hộ Trung Quốc). Nghe xong, Hồ Chủ tịch đã nói với ông Mao Trạch Đông: “Chúng tôi cũng nhiều vấn đề lắm (ý là cũng cần phải làm cách mạng văn hóa) nhưng chúng tôi đang phải làm cách mạng “vũ hóa”. Nghe xong câu nói đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông như sực tỉnh ra, nói : “Ừ nhỉ, các đồng chí đang phải chống Mỹ mà”. Sau chuyện đó không còn  sức ép với Việt Nam nữa. Vậy là chúng ta không làm mất lòng Trung Quốc mà vẫn giữ đúng đường lối của mình…

Đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ: Chúng ta không liên kết với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ 3. Thời kỳ Liên Xô và Trung Quốc bất hòa, nước ta còn rất khó khăn, kinh tế hầu như không có gì, lại đang xảy ra chiến tranh một sống một chết, trước mặt là 50 vạn quân viễn chinh Mỹ, chỗ dựa là Xô Trung lại đang bất hoà, xung đột…

Trong tình thế đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và khôn khéo của Bác, chúng ta vẫn không mất nguồn viện trợ quan trọng để có thể kháng chiến thắng lợi. Mọi người còn nhớ tại Đại hội Đảng Cộng sản và Công nhân của 81 nước, đại biểu Liên Xô và một số nước khác công kích Trung Quốc nhưng Việt Nam đã đứng lên bảo vệ những quan điểm đúng của Trung Quốc. Và rồi, giữa thủ đô Bắc Kinh, cụ Hồ đã ca ngợi Liên Xô. Đó là bản lĩnh trong công tác ngoại giao.

Tôi còn nhớ câu chuyện về ngoại giao được nhiều vị chứng kiến kể lại: Sau khi thuyết phục và gây sức ép yêu cầu Đảng ta từ bỏ Liên Xô đi theo Trung Quốc bằng nhiều lời hứa hẹn viện trợ không được, Đặng Tiểu Bình rất bực bội.

Ngày ông ta rời Hà Nội, Hồ Chủ tịch và mấy đồng chí đến tiễn tại nhà khách. Lúc Bác tới ông Đặng đang ngồi trên ghế và khi thấy Bác vào, ông ta cũng không đứng dậy theo phép lịch sự. Mấy đồng chí đi theo Bác rất bất ngờ vì tình huống đó. Thế nhưng, Bác vẫn bình thản bước tới chỗ ông Đặng ngồi, một tay chìa ra bắt tay ông Đặng, một tay vỗ nhẹ mấy cái vào vai ông ta rồi từ từ kéo ông ta đứng đậy. Và thế là Đặng Tiểu Bình đành phải đứng lên theo.

Rất mong các nhà lãnh đạo Việt Nam cố gắng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Đó là một việc rất quan trọng, vừa có ích cho dân tộc, vừa có lợi cho đất nước.

- Vậy đâu là giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược cho Việt Nam trước thái độ ngày càng hung hăng hơn của Trung Quốc?

Thứ nhất, chúng ta phải cương quyết cho Trung Quốc thấy Việt Nam không bao giờ chấp nhận đường ranh giới “lưỡi bò” trên biển mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ. Đồng thời, ta cũng phải để nhà cầm quyền Trung Quốc và đông đảo nhân dân Trung Quốc thấy rằng, đây là những yêu cầu tối thiểu, có lý có tình mà Việt Nam không thể thỏa hiệp, nhượng bộ.

Thứ hai, cần làm cho khối ASEAN nhất là những nước có liên quan trực tiếp tới Biển Đông thấy rõ cùng nhau tránh được âm mưu “chia để trị”, “bẻ gãy từng chiếc đũa” tiến tới thôn tính toàn bộ của Trung Quốc.

Thứ ba, cần phải công khai hóa, quốc tế hóa vấn đề. Mức độ công khai, thời điểm công khai và vấn đề công khai cần được nghiên cứu nghiêm túc đạt được sự nhất trí cao và do một mối quản lý. 

Chúng ta cần quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bằng nhiều con đường, trong đó phải coi trọng diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Đây là một cách “chơi bài” trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu rộng hơn.

Thứ tư, nhanh chóng tăng cường sức mạnh tổng hợp, tăng cường sự đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào nền kinh tế của chúng ta phát triển vững chắc, lớn mạnh, uy tín của Việt Nam tại khu vực và trên trường quốc tế mới ngày một tăng cường. Bên cạnh đó, chúng ta không chạy đua vũ trang song cần trang bị cho quân đội nhiều trang thiết bị hiện đại hơn để đảm bảo an ninh dân tộc.

Ngoài ra, như tôi đã từng nói, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền vào nội bộ Trung Quốc thông qua trang web chuyên về Biển Đông, trang web tiếng Trung Quốc để nói lên tiếng nói chính nghĩa của chúng ta với nhân dân Trung Quốc.

Sức mạnh của dân tộc và thời đại, cộng thêm sự khôn khéo, biết điều, sáng tạo, dám có đột phá trong đường lối chính sách đối ngoại chính là sự bảo vệ có hiệu quả nhất chủ quyền biển đảo của nước ta lúc này.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chính Quang