Đi 3km vào nội thành, rau xanh đội giá gấp chục lần

09/07/2012 06:45
Theo VEF
Mặc dù giá rau xanh tại các huyện ngoại thành Hà Nội đang rẻ như bèo, nhưng trong nội thành, người tiêu dùng đang phải mua với giá "chat" - đắt gấp 2-3 lần giá ban đầu, thậm chí gấp cả chục lần giá thu mua tại ruộng.
Mua giá bèo, bán giá "chát"

Từ nơi trồng đến điểm bán rau trong thành phố đôi khi chỉ vài ba kilomet, xa cũng chỉ khoảng 20km, nhưng giá rau xanh từ ruộng đến bàn ăn đã được thương lái trung gian thổi lên gấp nhiều lần để thu lợi. Mua rau giá bèo, người tiêu dùng phải ăn rau với giá "chát".

Có mặt tại cánh đồng rau xanh tương đối lớn của xã Vân Nội, Đông Anh (Hà Nội) vào chiều 4/7, chúng tôi chứng kiến nhiều thương lái đánh hẳn xe tải loại nhỏ về đây để thu mua. Lạ là, giá thu mua của các thương lái tại các ruộng rau này cách xa nhiều lần so với mức giá mà người tiêu dùng phải trả.

Anh Trần Văn Thảo, xóm 3, xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), cho biết vừa bán 2 tạ rau dền cho một thương lái tại nội thành, thu mua ngay tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg. Nhiều loại rau khác cũng được người dân ở đây bán với giá tương tự.

Theo anh Thảo, hầu hết số rau này đều được thương lái thu gom, chuyển về các chợ đầu mối tại Hà Nội vào ngay đêm đó. Tuy nhiên, qua mỗi công đoạn chuyển tay nhau giữa thương lái và tiểu thương, giá lại bị đội lên một mức khác. Biết bị thương lái mua với giá bèo, nhưng anh cũng không thể tự đem hết số rau nhà trồng được đi bán lẻ tại chợ.

Người nông dân vất vả, rủi ro rình rập nhưng giá bán rau luôn ở mức rẻ bèo.
Người nông dân vất vả, rủi ro rình rập nhưng giá bán rau luôn ở mức rẻ bèo.


Chị Trang, một thương lái ở Từ Liêm - chuyên thu mua rau tại Đông Anh chuyển về các chợ đầu mối Hà Nội - nói rằng: "Rau thu mua tại ruộng thường theo cân, nhưng khi ra đến chợ đầu mối, rau lại được chuyển thành mớ rồi mới bán cho các tiểu thương ở chợ".

Chị Trang tính, rau dền được mua tại ruộng giá 5.000 đồng/kg về xẻ ra bó lại được khoảng 12-15 mớ, nếu khéo làm. "Làm xong tới đêm chuyển qua chợ đầu mối bán giá 1.000 đồng cũng ăn lãi gấp ba lần rồi", chị Trang khẳng định.

Theo lời thương lái này, rau từ ruộng tới tay người tiêu dùng phải trải qua 4-5 nấc trung gian. Lẽ ra, mức giá chênh nhau chỉ vài trăm đồng là nhiều để bù vào chi phí cũng như tiền công. Nhưng hiện tại, chẳng thương lái nào chịu làm vậy. Qua mỗi nấc, giá thường được đẩy lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.
Còn thương lái mất công thu mua đã lãi gấp 3.

Tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi thu mua rau với giá 1.000 đồng/mớ, tiểu thương ở chợ này lại tiếp tục tăng giá gấp đôi khi bán cho các chợ lẻ, chợ cóc trên khắp địa bàn Hà Nội.

Về đến chợ lẻ, chợ cóc giá hầu  hết các loại rau xanh tiếp tục bị tiểu thương đẩy lên và đứng ở mức cao chót vót.

Một tiểu thương chuyên bán rau tại chợ Thành Công (Hà Nội) cho hay: "Rau bán ở chợ giá thường dao động quanh mức 4.000 - 5.000 đồng/mớ, có loại giá còn cao hơn chút do trái vụ. Mặc dù rau muống đang đứng vụ, nguồn cung dồi dào nhưng giá bán tại đây vẫn 6.000 đồng/mớ; rau dền, mùng, đay giá 4.000 đồng/mớ; rau cải, rau bí 5.000 đồng/mớ; cà chua 20.000 đồng/kg; khoai tây 25.000 đồng/kg; dưa chuột 10.000 đồng/kg... Chanh, mướp thường được bán theo quả chứ không bán theo cân.

Nông dân, bà nội trợ đều bị móc túi


Qua mỗi nấc trung gian, thương lái đều thổi giá rau lên gấp 2-3 lần. Cộng lại, so với giá rau mua theo cân tại ruộng, rau đã được đẩy lên cao gấp 5-7 lần giá mua ban đầu. Cả nông dân và người tiêu dùng hiện đều bị móc túi một cách trắng trợn mà không biết than ai.

Về đến tay người tiêu dùng, giá rau đắt lên 6-7 lần so với giá mua tại chợ.
Về đến tay người tiêu dùng, giá rau đắt lên 6-7 lần so với giá mua tại chợ.


Bác Lê Thị Hà ở xã Vân Nội chia sẻ: "Một sào ruộng trồng rau, tiền chi phí đầu tư bỏ ra ban đầu mất khoảng 1,5-2 triệu đồng. Nhưng, khi bán ra cho thương lái tại ruộng, người nông dân thường cắn răng chịu lỗ, may ra thì hòa vốn. Vào thời điểm hàng hàng khan thì mới hy vọng lãi được chút ít, chứ mơ cũng chẳng đạt mức lợi nhuận khủng như các thương lái, tiểu thương".

Đồng ý với quan điểm trên, anh Trần Văn Thảo cho rằng thương lái đang ngồi hưởng lợi mà chẳng phải chịu bất cứ rủi ro nào. Trong khi đó, nông dân trồng rau phải đầu tư một khoản không hề nhỏ, cộng với công chăm sóc mà lúc nào cũng lo gặp rủi ro từ thời tiết, sâu bệnh và rớt giá khi thu hoạch...

"Nhớ vụ xu hào vừa rồi, mặc dù được mùa nhưng giá bán quá bèo nên nhà tôi cùng nhiều gia đình khác phải chịu lỗ nặng. Có nhiều người do giá bán quá rẻ còn không thèm thu hoạch", anh Thảo than thở.

Người trồng rau than vì bị thương lái thao túng mua rau với giá bèo. Trong khi đó, người tiêu dùng lại tỏ ra ngán ngẩm hết sức khi luôn phải bỏ tiền ra mua với giá cao ngất.

Chị Tú Anh, ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội), bức xúc: "Nghe thông tin ra rả giá nông sản đang giảm mạnh, nhưng mỗi khi đi chợ tôi chẳng thấy giá rau quả, thịt cá giảm chút nào. Giá giảm ở đâu chứ tại chợ lúc nào cũng cao ngất. Người tiêu dùng vẫn phải mua, chẳng biết kêu ai".
Theo VEF