Cử tri Hà Nội kiến nghị bỏ dải phân cách

09/07/2012 10:26
Theo VnMedia
Kiến nghị lên HĐND trước kỳ họp thứ 5, cử tri cho rằng, Thành phố cần xây thêm cầu vượt, mở rộng, khai thông một số nút cổ chai và bỏ dải phân cách ở một số đường một chiều...

Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 10/7 tới đây. Trước kỳ họp, nhiều ý kiến của cử tri đã gửi đến HĐND, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết những bất cập về tình trạng giao thông trên địa bàn Thành phố.

Thêm cầu vượt, bớt dải phân cách

Trong khi còn nhiều ý kiến lo lắng về việc Thành phố có thể xây quá nhiều cầu vượt thì cử tri đề nghị Thành phố cho xây dựng thêm các cầu vượt lắp ghép trên đoạn đường vành đai I và cầu vượt tại ngã ba Xuân Diệu - Quảng An để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Lo lắng cho sự an toàn của người qua đường, cử tri cũng đề nghị Thành phố làm cầu vượt cho người đi bộ trên đường Giải phóng, điểm xuất phát từ vị trí đầu ngõ 208 đường Giải Phóng, 1 cầu vượt cho người đi bộ tại điểm giữa đầu phố chợ Khâm Thiên xuống Xã Đàn, 1 cầu vượt dành cho người đi bộ trên phố Thái Hà - Trung Liệt; cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải.

Trong khi đó, cử tri đề nghị Thành phố bỏ giải phân cách ở những tuyến phố một chiều như phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu để tránh gây tai nạn giao thông.

Cử tri cũng đề nghị Thành phố cho dỡ bỏ dải phân cách làn đường Nguyễn Đức Thuận tại khu vực ngã ba Kiên Thành để đảm bảo an toàn giao thông.

Cử tri đề nghị bỏ dải phân cách trên các phố một chiều như Phố Huế

Cử tri đề nghị bỏ dải phân cách trên các phố một chiều như Phố Huế


Cũng lo lắng cho vấn đề an toàn giao thông, cử tri đề nghị Thành phố quan tâm lắp đặt hệ thống các biển báo giao thông để giảm tốc độ xe, trọng lượng xe, xe đỗ không đúng vị trí trên tuyến phố Hoàng Đạo Thành; khôi phục đèn, tín hiệu giao thông tại km số 9 đường Nguyễn Trãi, giải quyết việc rào vỉa hè để xử lý xe vi phạm của đội quản lý trật tự giao thông số 7.

Mong muốn lưu thông thuận tiện hơn, cử tri đề nghị Thành phố cho mở rộng nút ngã tư từ Khâm Thiên ra phố Lê Duẩn và có kế hoạch đầu tư cải tạo hè phố Khâm Thiên do một số công trình ngầm sau khi thi công đã làm hư hỏng vỉa hè.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị Thành phố sớm triển khai thực hiện dự án nút cổ chai đường Lương Đình Của ra đường Trường Chinh; kiểm tra việc thi công cải tạo bờ phía bên phải sông Tô Lịch bởi hiện đường đi nhỏ hơn vỉa hè, trong khi đó các nắp hố ga giữa đường hiện hầu hết bị gãy hoặc vênh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trong khi đó, cử tri quận Tây Hồ cho biết, khu vực cửa khẩu An Dương, phường Yên Phụ, khu vực ngã ba Quảng An, đường Xuân Diệu; đường Thụy Khuê; ngã ba Mai Xuân Thưởng, vườn hoa Lý Tự Trọng… hiện thường xuyên cách tắc giao thông, cần được Thành phố quan tâm, tìm biện pháp giải quyết.

Không chỉ quan tâm đến các vấn đề ách tắc giao thông trong nội đô, cử tri cũng đồng thời đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 6, đường Nguyễn Văn Trỗi để nhân dân đi lại được thuận lợi vì hiện nay đã xuống cấp, thường xuyên xảy ra tai nạn.

Cử tri đề nghị Thành phố có biện pháp giám sát và đôn đốc tiến độ các công trình xây dựng, giao thông, tránh tình trạng kéo dài thời gian, đặc biệt là các công trình đường giao thông làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như đường Quốc lộ 32A đoạn từ Nhổn đến Cầu vượt; đường ven đê Đại Hà từ Cảng Sơn Tây đến Sen Chiểu huyện Phúc Thọ… Theo đó, các công trình này đều chậm tiến độ thời gian từ 2 đến 3 năm.

Dành quỹ đất cho công trình công cộng

Quy hoạch cũng là vấn đề được cử tri các địa phương trên Thành phố đặc biệt quan tâm. Theo cử tri quận Thanh Xuân, Thành phố không nên bố trí xây chung cư, trung tâm thương mại trên đất của các cơ quan, bệnh viện, xí nghiệp khi di chuyển ra khỏi Thành phố, mà nên dành quĩ đất đó xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng, đảm bảo mật độ dân cư, tránh ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, cử tri quận Ba Đình đề nghị Thành phố đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch xây dựng các công trình công cộng. Việc xây dựng nhà chung cư, khu đô thị phải gắn liền với xây dựng cơ sở hạ tầng kèm theo như trường học, bệnh viện, chợ…

Cùng có những lo lắng về vấn đề quy hoạch, cử tri quận Hoàng Mai đề nghị Thành phố kiểm tra, xử lý kiên quyết việc các ô đất trước đây đã quy hoạch để xây trường học, nay lại đổi sang các chức năng khác.

Cử tri cũng cho biết, dự án xây dựng Trung tâm thương mại tại bãi Anten và dự án xây dựng Trường mầm non Hoa Thuỷ Tinh trên địa phường Bồ Đề đã 5 năm không triển khai thực hiện. Cử tri đề nghị thành phố kiểm tra, đôn đốc tiến độ và xem xét việc thu hồi dự án theo quy định pháp luật.

Cử tri đề nghị Thành phố cho thu hồi đất tại 52 Lê Đại Hành của Công ty xây dựng nhà số 7 bỏ hoang hóa đã lâu để xây dựng nhà đỗ xe nhiều tầng cho nhân dân.

Tăng cường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo phản ánh của cử tri, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo Nghị định 61 trên địa bàn Thành phố đến nay vẫn còn chậm, mặc dù các hộ dân hầu hết đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính và nghĩa vụ về tài chính.

Riêng trên địa bàn quận Hoàng Mai, hiện còn rất nhiều hộ gia đình được giao nhà tái định cư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cử tri đề nghị Thành phố có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được giao đất tái định cư theo quy định tại quyết định 117/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội

Trong khi đó, cử tri quận Thanh Xuân cũng đề nghị Thành phố xem xét việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 500 hộ dân thuộc khu vực Cơ khí điện tử; Trung học cảnh sát; Tổng hợp, Ngoại ngữ cũ và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 1.

Theo VnMedia