Một ngày đến thăm Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trên gường bệnh

10/07/2012 09:00
Hồng Hạc
(GDVN) - Trưa 9/7, chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại bệnh viện Thống Nhất, TP. HCM – thấy ông không được khỏe lắm, lộ vẻ gầy ốm hơn nhiều so với lần chúng tôi gặp ông vài tháng trước đây ở nhà riêng của ông trong cư xá Bắc Hải…
Thấy chúng tôi, các bác sĩ y tá dặn nhỏ từ ngoài cửa là hãy nói chuyện với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ít thôi để ông nghỉ dưỡng, tránh suy nghĩ nhiều, vì ông đang cần yên tĩnh để hồi sức sau khi lấy một hạch nhỏ ở cổ vào sáng nay. Bước đến phòng, ông vẫn còn ngủ thiếp sau mũi thuốc kháng sinh mới tiêm, nằm nghiêng và quay vào tường nên không thăm hỏi gì được. Cũng may lúc ấy chúng tôi gặp chị Phạm Thị Vân - người bạn đời chung thủy của ông (hai người làm đám cưới kháng chiến cách đây 63 năm) - đang chăm sóc ông và cho biết khá rõ về bệnh trạng của ông những ngày qua.

Vợ chồng Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Vợ chồng Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

“Các anh biết không, anh Phan Huỳnh Điểu thường ngày vui vẻ đi lại họp mặt chỗ này chỗ nọ không mỏi mệt chi. Thế mà chừng hơn nửa tháng rồi, anh ít nói và ít nhận lời đi đây đó như năm ngoái. Đầu năm nay anh còn khỏe lắm cân được 50 ký, đến giữa tháng 6 thấy người anh xanh và ốm hơn trước, ăn uống ít lại, đi cân thử thấy chỉ còn 42 ký. Khoảng hai tuần qua, anh bỗng nổi ho kéo dài nhiều ngày và ngày nào cũng sốt không bớt nên gia đình bàn nhau đưa anh vào bệnh viện Thống Nhất ngày 30/6 để chữa. Tới nay đã hơn một tuần nằm viện rồi mà anh vẫn còn sốt, theo lời của bác sĩ thì anh vẫn phải được tiếp tục xét nghiệm chẩn đoán thêm nhằm điều trị tốt hơn. Sáng nay lúc 10 giờ, ông vẫn còn sốt khá cao 38-39 độ C”, vợ nhạc sỹ bộc bạch.

Chị Vân nói thêm: “Anh ấy không muốn ăn gì hết, ép lắm mỗi bữa ăn chừng nửa chén cháo thôi, thể trạng hiện đang nhờ vào việc chuyền mấy bình nước biển, uống mấy lon nước yến và chút sữa phụ vào”.

Ngồi bên giường bệnh, chị Vân (vẫn như những lần gặp trước) ôn lại từng đoạn trong “cuốn phim đời”  của hai vợ chồng và nhất là sự nghiệp của ông, với vài nét đáng nhớ.

Dành cho mẹ món tiền nhuận bút đầu tiên

Khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lãnh được món tiền nhuận bút đầu tiên trong đời mình là 800 đồng từ nhạc phẩm nổi tiếng của ông: Giải phóng quân, ông hết sức bất ngờ và có phần choáng ngợp vì số tiền đó quá lớn. Thời ấy ăn cơm bình dân mỗi tháng chỉ có 12 đồng. Nhận tiền xong ông dành ra 100 đồng để chi tiêu vào những việc cần thiết của mình và để mua quà, còn 700 đồng ông đem về đưa hết cho mẹ. Ông nói rõ đó là món tiền mà ông Tăng Duyệt ngoài Huế đã mua bài hát Giải phóng quân của ông.

Mẹ ông cũng ngạc nhiên không kém hỏi lại ông là “có đúng người ta đã mua bài hát của con hay là con phỉnh má”. Ông cam đoan một hồi mẹ mới thôi hỏi. Đó là lúc ông khoảng 20-21 tuổi, vào năm 1945. Đến gần 40 năm sau, khi đầu chớm bạc, ông hồi tưởng lại chuyện đó và bảo rằng khi gặp lại mẹ mình vào năm 1975, mẹ nói với ông mẹ rất mừng vì “con vẫn còn làm nghề nhạc sĩ”. Mẹ ông mất khuya 24/5/1982 thượng thọ 95 tuổi và ông đã rất xúc động nhớ ơn “giọng hát ru con ngọt ngào” của bà, ông nói ông đã nghe và đã thấm vào tâm hồn mình từ thuở mới lên 6-7 tuổi. Giọng hát ấy bây giờ đã vào cõi hư vô nhưng với riêng ông vẫn còn mãi trong tâm hồn nghệ sĩ của mình. Ông gọi mẹ là “người nghệ sĩ nhân dân vô danh”.

Văn nghệ sỹ nói gì về Phan Huỳnh Điểu?

Chị Vân  đã đưa tặng chúng tôi cuốn sách hơn 680 trang: Phan Huỳnh Điểu – Thuyền và biển”, trong đó có trích giới thiệu 100 ca khúc chọn lọc của ông và rất nhiều những bài viết liên quan đến ông mà chúng tôi không thể giới thiệu hết được ở đây, chỉ tóm tắt một số tiêu biểu.

Như giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần: “Có thể nói nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bắt đầu cuộc đời âm nhạc từ những năm 1940 của thế kỷ 20 vừa qua. Anh là một (trong những) tác giả tân nhạc đầu tiên của chúng ta, là một nhạc sĩ đàn anh, đã có những đóng góp xứng đáng vào nền âm nhạc hiện đại… Sau tác phẩm Trầu cau Phan Huỳnh Điểu đã để lại dấu ấn, đó là bài Đoàn giải phóng quân. Trong kháng chiến chống Pháp, ta nhớ  mãi bài hát Mùa đông binh sĩ và Bài ca thanh niên…”

Phần lớn những bài viết hoặc những ý kiến phát biểu trong các cuộc họp mặt của văn nghệ sĩ, những cuộc biểu diễn chuyên đề tác giả, đều có nhắc tới giai điệu mượt mà, trữ tình của ông qua các nhạc phẩm: Tình trong lá thiếp, Bóng cây Kơnia, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Thuyền và biển….

Có những nhà văn cũng đồng cảm và nhấn mạnh đến những sáng tác để đời cũng như âm hưởng trong ký ức của  người yêu âm nhạc nhiều thế hệ, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Tôi biết ông Phan Huỳnh Điểu từ lúc còn nhỏ, là biết bài hát thôi chứ mình chưa có dịp gặp. Nhưng bài hát đó cho tới giờ còn rung động: Bài Giải phóng quân. Tôi cứ suy nghĩ mãi câu hát đi mà hổng có về (Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi. Là có sá chi đâu ngày trở về), hổng về là chết , còn gì nữa. Nhưng mà người ta không sợ chết hay cái chỗ là người không sợ chết, mà anh Phan Huỳnh Điểu nói đúng tâm trạng lúc bấy giờ, cái thời trai trẻ bắt đầu kháng chiến, là tất cả thanh niên đều muốn hy sinh cho tổ quốc. Hy sinh cho tổ quốc là niềm hạnh phúc lớn của  nguời công dân Việt Nam. Phan Huỳnh Điểu đã làm đúng điều đó”.

Phan Huỳnh Điểu  đã phổ hơn 20 bài thơ của Hoài Vũ, trong đó rất nhiều bài được lưu lại trong lòng người thưởng ngoạn, như bài được nhắc đến nhiều nhất là Anh ở đầu sông em cuối  sông. Nhà thơ Hoài Vũ viết vào năm 1997 rằng: “Nửa thế kỷ qua, đã có nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu về sự nghiệp âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu, nhưng chưa đủ và chưa thể nói đã kết thúc, bởi vì nhạc sĩ đang sáng tác rất khỏe, và dường như càng sáng tác, ông càng có nhiều bài hay, với những giai điệu mượt mà, sâu lắng luôn làm thao thức trái tim của mỗi chúng ta”.

Đã 15 năm sau lời nhận xét ấy, nay chúng tôi đứng bên giường bệnh của ông ở khu A6 (khu mới xây) lầu 3, P.405 -  BV Thống Nhất, nhắc lại với chị Vân và hai cô con dâu của ông bà đang túc trực bên giường bệnh câu ấy của Hoài Vũ, kèm theo câu nói chân tình của chúng tôi chúc ông vượt qua cơn bệnh để tiếp tục vươn đôi cánh lãng mạn vốn có bay vào bầu trời của nhạc và thơ không bao giờ có tuổi.

Đến gần 14 giờ, quá thời hạn thăm bệnh đã lâu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn nằm im trong bộ quần áo màu xanh may sẵn, chúng tôi ra về - trời bỗng chuyển mưa to ngoài sân bệnh viện…


Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11.11.1924 (Giáp tý) trong một gia đình tiểu thương ở Đà Nẵng. học trường Ecole des Garcon (1934-1941). Sáng tác các bài: Trầu cau, Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong (1945). Sáng tác Mùa đông binh sĩ – tham gia toàn quốc kháng chiến (1946). Công tác ở Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh khu 5 (1950). Tập kết ra Bắc (1955). Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957), Phó chủ nhiệm NXB Âm Nhạc (1961). Vào chiến trường miền Nam (1964), Chi hội phó Chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung – Trung bộ (1967). Ra Hà Nội (1970), Ủy viên TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1971). Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1983), Huân chương Độc lập hạng 3 (1988), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật (2000)…


 

Hồng Hạc