'Tôi không tin Hà Nội xưa không nhếch nhác, bụi bặm, trộm cắp'

11/07/2012 07:20
Quốc Khánh
(GDVN) - Tất nhiên những gì còn lại trong kí ức luôn đẹp, vì thế nhiều người luôn đặt câu hỏi: Tại sao ngày xưa như thế mà bây giờ lại ra nông nỗi này. Tôi thì nghĩ rằng chúng ta nên có thái độ sống tích cực hơn. Hà Nội là thủ đô, càng cần gìn giữ nếp sống hào hoa thanh lịch, bài bác các tệ nạn và tiêu cực. Xác định thái độ sống như thế sẽ giúp cho xã hội phát triển, hơn là chỉ bi quan và tiếc thương quá vãng" - nhà văn trẻ Phong Điệp bày tỏ quan điểm về chuyện bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội
- Chị sống ở Hà Nội lâu chưa?

Tôi sống ở Hà Nội từ năm 1994, đến nay đã được gần 20 năm.

- Sau nhiều năm sống ở Hà Nội, chị có thấy mình đã thành...người Hà Nội?

Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ mình là người Hà Nội. Đơn giản vì tôi sinh ra ở Nam Định, và trong huyết mạch của mình, tôi vẫn là người Nam Định, dù thời gian sống ở Hà Nội của tôi cho đến giờ còn nhiều hơn những năm tháng tôi ở Nam Định. Quê hương vẫn mãi là quê hương. Nó góp phần hình thành nên tính cách một con người.

 - Trong ngần ấy năm, Hà Nội đã lấy của chị những gì và cho chị những gì?

20 năm sống ở Hà Nội, tôi được nhiều thứ. Tôi không nghĩ mình bị mất gì hết, vì ngay cả khi thất bại, mất mát, lúc hoang mang tuyệt vọng, tôi vẫn luôn nghĩ là mình được nhiều hơn mất.

Nhà văn Phong Điệp trong chuyến công tác tại Hà Giang
Nhà văn Phong Điệp trong chuyến công tác tại Hà Giang

- Nhiều người cảm thấy hãnh diện khi trở thành Người Hà Nội. Chị có cảm giác ấy?

Tôi tự hào là người Nam Định.
 
- Dường như, văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay không còn vẻ thanh lịch, hào hoa nữa. Chị có cho đó là một nhận định bi quan?

Mỗi giai đoạn sống có một giá trị riêng. Tôi không tin Hà Nội xưa không nhếch nhác, bụi bặm, trộm cắp. Hà Nội xưa là dân Kẻ Chợ, cũng quần tụ nhiều tầng lớp, nho nhã thanh lịch có mà phức tạp cũng có. Tất nhiên những gì còn lại trong kí ức luôn đẹp, vì thế nhiều người luôn đặt câu hỏi: tại sao ngày xưa như thế mà bây giờ lại ra nông nỗi này. Tôi thì nghĩ rằng chúng ta nên có thái độ sống tích cực hơn. Hà Nội là Thủ đô, càng cần gìn giữ nếp sống hào hoa thanh lịch, bài bác các tệ nạn và tiêu cực. Xác định thái độ sống như thế sẽ giúp cho xã hội phát triển, hơn là chỉ bi quan và tiếc thương quá vãng.

- Chị đã bao giờ gặp trường hợp kiểu “bún mắng cháo chửi” ở Hà Nội?

Cái này thì tôi có gặp. Nếu nghe chửi mà vẫn cảm thấy thoải mái (theo kiểu chửi yêu) thì lần sau quay lại, còn không thì xin chào tạm biệt luôn cho mình khỏi … mệt đầu.

- Phải chăng, chuyện bún mắng cháo chửi đang ngày càng trở nên phổ biến ở Thủ đô ngàn năm văn hiến này là do người ngoại tỉnh mang về Hà Nội?

Tôi không nghĩ là nó ngày càng phổ biến, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng; nếu người bán hàng không biết giữ chân khách hàng thì họ sẽ phải đối mặt với chuyện làm ăn thất bát. Thái độ của họ, chất lượng phục vụ của họ sẽ quyết định sự tồn tại của cửa hàng. Tôi càng không nghĩ nó là “sản phẩm của ngoại tỉnh”. Rất nhiều hàng ăn trong phố cổ, chủ quán là người Hà Nội gốc, chửi ngoa hơn bất cứ ai.


- Việc phân biệt người Hà Nội gốc và người tỉnh lẻ có cần thiết không và theo chị, tại sao lại có sự phân biệt như vậy?

Tôi nghĩ là không cần thiết, vì thời buổi hiện nay là sự dịch chuyển của lực lượng lao động. Hôm nay bạn ở Hà Nội, mai có thể bạn đã vào TP Hồ Chí Minh. Nơi nào làm ăn thuận tiện hơn thì người ta tìm đến. Nếu thống kê người Hà Nội gốc còn sống ở Hà Nội hiện nay, tôi tin không còn nhiều. Và tại sao lại cần có sự phân biệt Hà Nội gốc và tỉnh lẻ như một thứ “phân chia đẳng cấp” vẫn còn tồn tại trong cách nghĩ của nhiều người? Tại sao không nghĩ rằng Hà Nội hôm nay đang có sự đóng góp của nhiều tri thức ưu tú xuất thân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước? Họ đang cống hiến tài năng, tâm sức của mình để xây dựng, phát triển Hà Nội đấy chứ.

Nếu được nói một lời phàn nàn về Hà Nội hôm nay, chị sẽ nói điều gì?

Hà Nội ngày càng chật chội quá.

Quốc Khánh