Hà Nội chỉ đẹp những lúc vừa trở về và khi chuẩn bị rời xa

11/07/2012 14:04
Nguyễn Lệ Chi
(GDVN) - Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội suốt 28 năm, và giờ đây sau 8 năm sinh sống ở Sài thành, những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội chỉ còn đọng lại trong những ký ức xa xôi của tôi.
Xung quanh thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng lớn, cửa hàng đối với khách hàng trong thời gian qua nói riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử phục vụ, văn hóa nơi cộng cộng nói chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ: sinh ra và lớn lên ở Hà Nội suốt 28 năm, và giờ đây sau 8 năm sinh sống ở Sài thành, những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội chỉ còn đọng lại trong những ký ức xa xôi của tôi. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:


Trong những tháng ngày học tập ở nước ngoài 4 năm (2000 - 2004), tôi không nhớ gia đình nhiều, cũng không nhớ người yêu nhiều bằng nỗi nhớ... Hà Nội. Nhiều đêm trước khi ngủ, nhắm mắt lại, từng hàng cây, từng góc phố Hà Nội, từng quán cà phê nhỏ xinh thơm lừng và đầy ắp kỷ niệm, từng món ăn quen thuộc như bún đậu mắm tôm, bún thang, bún ốc, bún chả... lại dần hiện ra, rõ rệt tới từng đường nét.

Nỗi nhớ Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet.
Nỗi nhớ Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet.

Nhớ quay quắt từng hình ảnh, từng hương vị quen thuộc đó nhiều lúc muốn ứa nước mắt, chỉ muốn mua một vé máy bay về ngay. Cứ nhấm nháp quá khứ như vậy mà cũng hết 4 năm du học. Nhớ lại trong những lá thư gửi về cho người yêu ở Hà Nội, tôi từng viết: “Có lẽ không bao giờ em có thể sống xa Hà Nội được. Càng đi xa mới càng nhận thấy mình quyến luyến mảnh đất này tới mức nào. Đó như một phần cuộc sống, máu thịt và hơi thở của em vậy”.
Thế nhưng háo hức trở về để rồi hụt hẫng, bởi văn hóa ứng xử ở đất Hà thành nay đã quá khác xưa. Vẫn con đường đó, vẫn những hàng quán đó, những món ăn quen thuộc, những kỷ niệm đẹp từng nuôi sống tôi qua những ngày du học thiếu thốn và giá rét, nhưng giờ sao xa lạ quá. 
Người Hà Nội với thói hững hờ vô tình nửa như bất cần nửa như khinh khi, rất dễ khiến du khách chạnh lòng nếu như không quen và hiểu rõ tính nết đặc trưng nơi đây. Bước vào bất cứ một tiệm ăn nào ở Hà Nội, dù sang trọng hay vỉa hè, đặc trưng nhất vẫn là chờ đợi và xin xỏ. Chờ đợi để được phục vụ và xin xỏ để được phục vụ. 

Nhiều lúc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ không rõ do thói quen cố hữu hay tính kiên nhẫn chịu đựng được rèn luyện qua năm tháng mà tôi, gia đình tôi, bạn bè người thân quen của tôi ở Hà Nội lại có thể sống qua những ngày tháng mà “khách hàng không được coi trọng như thượng đế” như vậy. 
Trước đây, mỗi lần bước vào hàng quán ở Hà Nội, tôi đã quá quen với hình ảnh ngồi chờ mỏi mòn hồi lâu, người phục vụ mới chạy ra, sẵng giọng hỏi: “Ăn gì?”.

Để rồi sau khi tôi thẽ thọt trình bày, họ không nói không rằng quay ngoắt đi mất và hồi lâu sau cũng không nói không rằng bưng ngay bát đồ ăn đặt phịch xuống trước mặt tôi và quầy quả bỏ đi.

Muốn dùng thêm bất cứ gia vị gì, dù chanh, ớt, tỏi, mắm thì bạn phải hỏi xin ít nhất vài lần và kiên nhẫn chờ đợi, bởi không ai rảnh mà chăm sóc bạn, cũng không ai quan tâm xem những thứ đó đã xuất hiện trên bàn ăn hay chưa. 
Nhớ lần công tác ra Hà Nội cùng một đồng nghiệp gốc Bắc nhưng sinh sống ở Sài thành đã nhiều năm, chúng tôi bước vào một tiệm phở nom khá sạch sẽ và đông khách. Sau khi xin miếng chanh nhiều lần nhưng vô vọng bởi không có hồi đáp, người đồng nghiệp của tôi rất tức giận và quyết định bỏ về vì mất hứng ăn uống. Nhưng bỏ về đâu có dễ dàng bởi phải chờ... tính tiền. 
Ở phần lớn các quán ăn tại Hà Nội, tôi nhận thấy tính tiền cũng lâu như lúc gọi món vậy, dù thực khách trong quán chỉ lèo tèo dăm bàn. Trước đây tôi không hiểu rõ tại sao họ làm ăn chậm chạp tới vậy, cũng không thắc mắc tại sao thái độ phục vụ khách khứa lại tệ như thế, bởi vì tôi đã quá quen với những hình ảnh này. Thế mới biết hành vi được lặp lại nhiều lần sẽ tạo nên thói quen cố hữu, lâu dần sẽ khiến người ta thấy quen thuộc và thích ứng, không chút phản kháng. 
Trước đây chưa bao giờ tôi thắc mắc tại sao nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, tiệm ăn ở Hà Nội không có thái độ vồn vã với khách, bởi chỉ riêng việc gọi và chờ đợi đồ ăn, hoặc đơn giản chỉ là gọi thêm đồ uống, khăn lạnh... đã đủ khiến thực khách có cảm giác mình đang làm phiền nhà hàng vậy. 
Lần ra Hà Nội gần đây nhất của tôi là vào cuối năm 2010 khi chuẩn bị đi đón ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Lục Tiểu Linh Đồng (người đóng vai Tôn Ngộ Không trong phim truyền hình dài tập Tây du ký), tôi được một giám đốc nhà xuất bản mời đi ăn tối tại một nhà hàng khá sang trọng trên một con phố đông đúc ở khu vực trung tâm. 
Tiệm khá vắng nhưng người phục vụ dường như cực kỳ bận rộn vì... không hề có mặt. Kêu gọi hồi lâu mãi mới gọi được món ăn, chúng tôi đành bấm bụng ngồi chờ từng món được bưng ra với thời gian cách nhau hàng nửa tiếng. Quá chán nản vì thấy mình bị bỏ rơi vô thời hạn và mỗi lần xin thêm đá hoặc đồ uống phải chờ đợi mỏi mòn tưởng chừng vô tận, chúng tôi cũng không tài nào xin hủy được các món đã đặt. 
Tới khi được phục vụ, hai người chúng tôi hầu như đành bỏ dở hết những đĩa thức ăn to đùng có khả năng cung cấp đủ cho cả 5 - 6 người, và dĩ nhiên số tiền chi trả cho bữa tối đó cũng không hề rẻ. Nếu bạn xin hộp mang đồ ăn thừa về thì luôn bị lườm nguýt bởi lẽ, tưởng sang trọng lắm mà bần tiện.

Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.
Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.

Một lần khác ra Hà Nội, khi vừa yên vị trong một tiệm cà phê sang trọng ở trung tâm, tôi giật mình khi nghe thấy hàng loạt từ ngữ chửi thề nghiêm trọng ngay ở bàn kế bên với những từ ngữ mà tôi tưởng như đã quên lãng vì không có cơ hội được nghe lại ở bất kỳ mảnh đất nào, trừ Hà Nội. Cứ ngỡ có xô xát đánh lộn tới nơi, quay sang khẽ khàng quan sát, tôi ngỡ ngàng nhận thấy những ngôn từ khủng khiếp đó chỉ vừa phát ra từ miệng những nam thanh nữ tú xinh đẹp, trẻ trung, ăn mặc cực kỳ hiện đại, đang cười nói oang oang như chốn không cười. 
Những câu chửi thề của họ dường như những từ đệm để ngôn từ Hà Nội thêm sống động và hay ho, được sử dụng như điều tất yếu của cuộc sống. “Đ... sao đi như con rùa vậy? Tụi tao tới nơi lâu rồi. Khôn hồn tới mau lên không cho mày lên thớt nghe con. Vãi K.L...”. “Ăn..., đi đứng thế à? Mù à mà đâm vào người ta?”...

Tôi thường nói đùa với bạn bè rằng mỗi lần ra Hà Nội, vốn từ vựng tiếng Việt của tôi như sống động hẳn bởi có cơ hội được cập nhật rất nhiều ngôn từ mà đã rất lâu khi sinh sống ở Sài thành, tôi không bao giờ có cơ hội được nghe thấy. 
Càng có dịp đi xa, càng có dịp so sánh, càng có dịp hoảng hốt nhận thấy tại sao văn hóa ứng xử ở Hà thành lại ngày càng tệ hại như vậy. Mỗi lần có dịp ra Hà Nội là mỗi lần tôi náo nức trước khi đi, chán ngán và buồn phiền trong thời gian lưu lại Hà Nội, chỉ muốn mau chóng xong việc để đổi vé bay về ngay vì... thất vọng, để rồi lại lưu luyến trước khi rời xa bởi tiếc nuối những kỷ niệm đẹp xưa cũ. “Hà Nội chỉ đẹp lúc vừa về và lúc chuẩn bị rời xa”- không biết có bao nhiêu người con Hà Nội sống thân cư di như tôi cùng chung cảm nhận này?

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Nguyễn Lệ Chi