Kì thi Đại học: Cần những thay đổi

11/07/2012 18:37
Nguyễn Quốc Vỹ
(GDVN) - Nhiều nước tiên tiến trên thế giới không có kì thi đại học, thay vào đó là xét tuyển. Việt Nam cũng cần những thay đổi mang tính vĩ mô.

Mặc dù Bộ giáo dục đã từng tính đến “phương án” bỏ kỳ thi vào Đại học và cùng với đó là sự “lên tiếng” của các nhà giáo dục, của người dân nhưng đến nay kỳ thi này vẫn được diễn ra hàng năm. Hiện nay, vẫn chưa có những giải pháp cụ thể để thay thế kỳ thi này trong tương lai gần. Và như vậy, không chỉ thí sinh mà người nhà thí sinh, những gia đình có con cháu tham gia kỳ thi Đại học – Cao đẳng đều phải trải qua khoảng thời gian vất vả, căng thẳng, nhiều áp lực.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới thì sau 12 hoặc 13 năm học tập, học sinh sẽ thi tốt nghiệp nghiêm túc và đây là kỳ thi đánh giá toàn diện học sinh. Những học sinh đạt điểm cao thì tất nhiên sẽ có nhiều cơ hội được học ở các trường Đại học danh tiếng. Việc xét tuyển vào Đại học cũng diễn ra hết sức nhẹ nhàng và phần nhiều do học sinh tự tìm hiểu thông tin, tự thực hiện việc đăng ký ngành, trường. Hàng năm các trường Đại học đều có những “ngày mở” để học sinh khắp nơi đến tìm hiểu thông tin ngành nghề và đăng ký sau này.

Ở nước ta, trước khi thi Đại học, thí sinh phải trải qua kỳ thi Tú tài. Nhưng yêu cầu của kỳ thi này với những kiến thức hết sức cơ bản cộng với suy nghĩ của nhiều thầy cô rằng dù sao các em cũng đã tốn công sức trong 12 năm đèn sách nên có những dễ dãi, thoải mái trong coi thi, chấm thi để các em được nhận bằng và sau này “tính tiếp”. Chính điều này đã mang đến cho những học sinh những sự ỷ lại, mang tâm lý “cứ như kỳ thi Tú tài vừa qua” vào phòng thi Đại học và việc có rất nhiều học sinh không làm được gì hoặc chưa đến 50% yêu cầu của đề thi cũng là điều dễ hiểu.

Không những thế, đó còn là những buổi luyện thi cấp tốc dưới trời nóng bức với hy vọng sẽ “trúng tủ” mà hiệu quả của những buổi học này rất khó để có thể kiểm chứng. Cũng vì đề thi vào Đại học và đề thi Tú tài luôn có những khoảng cách nhất định về độ khó nên học sinh phải dựa vào các lớp luyện thi này. Nhưng, một điều cơ bản mà ít người chú ý đến đó là việc học chính là cả một quá trình chứ không thể “ép” trong thời gian ngắn. Điều này đôi khi sẽ phản tác dụng.

Đi kèm với việc ôn luyện cấp tốc là những khoản tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống “bụi bặm” mà với nhiều gia đình ở nông thôn hiện nay là một khoản chi không hề nhỏ. Đến lúc này, áp lực thi đậu vào Đại học không chỉ đè nặng lên thí sinh mà còn là nỗi lo, là “gánh nặng” về kinh tế khi phải chuẩn bị đủ đầy cho con em mình của nhiều gia đình.

Và đến ngày thi lại tiếp tục là những chuỗi ngày lo lắng, vất vả với hành trình vượt hàng trăm cây số, phải chuẩn bị cả “cơm nắm, muối vừng” của phụ huynh cũng như thí sinh. Nhiều rủi ro trên đường, nhiều khó khăn trước mắt không phải ai cũng có thể tính đến mà phòng ngừa. Những tai nạn trên đường đi thi, những căng thẳng quá mức đến việc phải cấp cứu,... đã “đóng sập” giấc mơ vào Đại học của nhiều thí sinh và gia đình mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.

Phải “cõng” lên mình giấc mơ của gia đình, của cha mẹ hay làm những việc quá sức thì chắc chắn luôn có nhiều áp lực. Việc đánh giá một người qua bằng cấp cũng có nhiều điều đáng để bàn nhưng trước hết là nó làm cho việc chạy theo bằng cấp không thể dừng lại. Việc giảng dạy cũng như thi cử ở phổ thông cũng không thể hời hợt, chạy theo thành tích nếu không muốn gia đình và phụ huynh đang ảo tưởng về sức học của con em mình để rồi kết quả sau mỗi kỳ thi Đại học là một thất vọng, không lối thoát.

Vào Đại học luôn là mơ ước của bao người từ bao đời nay và đó cũng là một ước mơ chính đáng. Nhưng, mỗi thí sinh cần nhìn lại mình đang ở đâu, mỗi gia đình cần bớt những đòi hỏi khi lên con em mình. Và như thế, kỳ thi sẽ bớt ít nhiều áp lực trước khi có những thay đổi mang tính vĩ mô từ phía nhà nước.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (1-10/7): Thi Đại học

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Tác giả có bài viết được đọc nhiều nhất xin mời đến toà soạn để nhận học bổng tiếng Anh. Tác giả có bài viết được chuyên mục bình chọn và bài viết được đăng liên hệ số điện thoại: 01252582843 để nhận thưởng

Nguyễn Quốc Vỹ