Luật sư lên tiếng về sự đúng sai của ông Tây phân làn đường

12/07/2012 12:35
Tuệ Minh
(GDVN) - “Chúng ta không nên coi hành vi ngăn chặn, nhắc nhở những người đang vi phạm luật giao thông là vi phạm pháp luật”.
Những ngày gần đây, câu chuyện về văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông liên tục được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong nhiều trường hợp xảy ra ùn tắc, vi phạm luật giao thông mà không có mặt các lực lượng chức năng, một số người dân đã “tự phát” đứng ra “điều khiển giao thông” để lập lại trật tự. Gần đây nhất là vụ việc ông Tây đứng ra ngăn chặn, nhắc nhở những người tham gia giao thông cố ý đi vào đường ngược chiều.
Bên cạnh rất nhiều lời khen, ủng hộ ông Tây, đã xuất hiện những ý kiến bày tỏ sự không đồng tình và cho rằng những hành động chặn xe, phân làn giao thông như vậy là vi phạm pháp luật. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư (LS) Chu Mạnh Cường – Trưởng văn phòng luật sư Danh Chính  (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

LS. Chu Mạnh Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
LS. Chu Mạnh Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

LS. Chu Mạnh Cường phân tích: “Theo Điều 3 khoản 3 Luật Giao thông đường bộ: “Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt”. Căn cứ theo quy định của điều luật thì “người điều khiển giao thông” phải là những người có thẩm quyền, được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại Điều 4 khoản 4 Luật Giao thông đường bộ về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ có quy định: “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. 
Theo quy định của điều luật, trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ của các cơ quan, tổ chức mà từng cá nhân cũng có trách nhiệm. Căn cứ các quy định của pháp luật, xét về tư cách pháp lý thì những người dân không có chức năng, nhiệm vụ “điều khiển giao thông”. 
Nhưng theo LS. Cường, “chúng ta cũng không nên coi những hành vi này là “vi phạm pháp luật” bởi vì Luật Giao thông đường bộ cũng không có quy định nào nghiêm cấm các trường hợp cá nhân “tự phát” tham gia điều khiển giao thông trong những tình huống, trường hợp đặc biệt với mục đích làm cho tình hình giao thông tốt hơn và việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng là trách nhiệm của các cá nhân.
Cụ thể trong trường hợp “ông Tây” đã chủ động ngăn chặn, nhắc nhở những người điều khiển phương tiện rõ ràng đang có hành vi vi phạm luật giao thông thì chúng ta càng không nên coi là vi phạm pháp luật. Nếu như, mỗi người dân, bên cạnh ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông mà còn luôn có ý thức nhắc nhở người khác chấp hành pháp luật thì sẽ làm cho tình hình giao thông ngày càng được cải thiện”. 

LS. Cường: "Không nên coi hành vi của ông Tây phân làn đường là vi phạm pháp luật"
LS. Cường: "Không nên coi hành vi của ông Tây phân làn đường là vi phạm pháp luật"

Trước ý kiến cho rằng chế tài xử lý những người vi phạm luật giao thông còn thấp nên dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay, LS. Cường nói: “Về cơ bản, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có những quy định tương đối đầy đủ, cụ thể về các chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Hà Tĩnh: Một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi

Hà Tĩnh: Một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi

Chủ tịch nước:

Chủ tịch nước: "Không phụ xương máu những người đã ngã xuống"

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, nhà nước đã liên tục điều chỉnh theo hướng tăng nặng chế tài đối với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, một thực tế chúng ta đều nhìn thấy là mặc dù các chế tài tăng nặng hơn, nhưng tình trạng vi phạm không giảm.
Nguyên nhân của tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông tăng lên không chỉ vì chế tài chưa đủ nặng mà còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như ý thức tôn trọng pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng xử lý vi phạm còn những vấn đề tiêu cực …”
Cụ thể, LS. Cường cho rằng: “Trong hai yếu tố văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật của người tham gia giao thông và yếu tố chế tài xử lý vi phạm, thì yếu tố thứ nhất đóng vai trò quan trọng hơn. Chúng ta có thể hình dung, nếu như đa số những người tham gia giao thông đều có ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tôn trọng người khác, xử sự có văn hóa khi tham gia giao thông thì không cần chế tài phải nặng, tình hình giao thông chắc chắn sẽ được cải thiện hơn”.
LS. Cường nói tiếp: “Đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế vi phạm giao thông là vấn đề của toàn xã hội, đã được rất nhiều nhà khoa học, cơ quan ban ngành đóng góp ý kiến. Về cơ bản, có thể thấy các giải pháp như giáo dục người dân, học sinh, sinh viên ý thức tôn trọng pháp luật khi tham gia giao thông, nâng cao nhận thức của nhân dân về luật giao thông, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm, hạn chế, xử lý nghiêm các tiêu cực trong lực lượng chức năng để tạo lòng tin trong nhân dân, kết hợp các chế tài để đảm bảo tính nghiêm khắc trong xử lý như phạt tiền kết hợp với thu, giữ phương tiện…

Ngoài ra chúng ta có thể nghiên cứu học hỏi một số nước khác. VD: ở nhiều nước, hành vi say rượu khi lái xe có thể bị phạt giam một số ngày. Bên cạnh các chế tài đang áp dụng như cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu, tạm giữ phương tiên, có thể xem xét đưa thêm các chế tài khác như bắt buộc phải tham gia lao động công ích …”
Tuệ Minh