Quảng Bình: Kiện Chủ tịch tỉnh vì… con ba ba

12/07/2012 11:48
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định giữ phương tiện, tịch thu hơn 600 con ba ba và xử phạt doanh nghiệp 500 triệu đồng. Chủ hàng không phục nên đã kiện ra tòa.

Lô hàng mất trắng

Ngày 14/9/2011, Công ty TNHH Tiền Hậu (chuyên nuôi và buôn bán ba ba trơn, trụ sở tại Hóc Môn, TP.HCM) vận chuyển lô ba ba 608 con từ TP.HCM ra Hà Nội. Qua Quảng Bình, lô hàng bị Đội Kiểm lâm cơ động của tỉnh này kiểm tra, tạm giữ.

Sau 10 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với Công ty Tiền Hậu. Theo đó, lái xe và Giám đốc Công ty Tiền Hậu, mỗi người bị phạt 250 triệu đồng. Lô hàng bị tịch thu và tạm giữ phương tiện.

Quảng Bình: Kiện Chủ tịch tỉnh vì… con ba ba, Tin tức trong ngày,

Ông Trần Đình Quyết tại trang trại nuôi ba ba của công ty

Không chấp nhận quyết định xử phạt, Công ty TNHH Tiền Hậu gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu xem xét, hủy bỏ quyết định xử phạt. Sau khi xem xét, UBND tỉnh Quảng Bình vẫn không thay đổi quyết định. Ông Trần Đình Quyết - Giám đốc Công ty Tiền Hậu đã kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ra Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình. Vụ kiện đang chuẩn bị được đưa ra xét xử.

Ba ba nuôi cần quản lý như lâm sản?

Điểm mấu chốt trong vụ việc này là ba ba cần được xem là vật nuôi thông thường hay lâm sản? Ông Trần Đình Quyết cho biết, lô hàng bị bắt được công ty ông mua tại trang trại của ông Nguyễn Đình Toàn ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có hợp đồng mua bán và chứng nhận kiểm dịch. Vì ba ba là vật nuôi thông thường nên không phải chịu sự kiểm soát của kiểm lâm.

Tuy nhiên, Kiểm lâm Quảng Bình - đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt lại cho rằng ba ba là động vật hoang dã có nguồn gốc từ rừng nên phải được quản lý theo các quy định về khai thác, gây nuôi và vận chuyển kinh doanh lâm sản, trong đó thủ tục cần có là giấy xác nhận nguồn gốc của Kiểm lâm Đồng Tháp. Trao đổi với PV, ông Lê Thuận Thanh - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình sẵn sàng có đại diện ra tranh luận tại tòa.

Công ty Tiền Hậu vốn là một trang trại nuôi ba ba, sau mở rộng thêm mảng kinh doanh, chế biến ba ba hơn 10 năm nay. Sản phẩm ba ba Tiền Hậu có mặt tại nhiều siêu thị lớn trên toàn quốc; công ty này cũng đã vận chuyển hàng nghìn chuyến hàng mà chưa lần nào phải có giấy chứng nhận của kiểm lâm và cũng chưa lần nào bị xử phạt như ở Quảng Bình.

Ba ba không nằm trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Ba ba trơn được ngành nông nghiệp khuyến khích nuôi trồng 25 năm nay, hiện không ít nông dân trên toàn quốc gây nuôi, nhiều nông dân được tuyên dương vì đã làm giàu từ việc nuôi ba ba thương phẩm. Nói về tầm quan trọng của vụ việc, ông Quyết nói: "Nếu không làm rõ vụ việc này, hàng nghìn, hàng vạn trại nuôi ba ba trên cả nước cũng có thể sẽ gặp trở ngại trong nuôi và buôn bán ba ba".

Ba ba được khuyến khích nuôi

Hiện có rất nhiều văn bản chứng tỏ ba ba là loài thủy sản được chăn nuôi thông thường, như Quyết định 337/QĐ-BKH ngày 10.4.2007 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư quy định nuôi ba ba thuộc nhóm ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Ba ba cũng nằm trong "Danh sách các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản áp dụng cho các mô hình khuyến ngư" của Bộ Thủy sản ban hành năm 2005. Năm 2008, Bộ NNPTNT xác định con ba ba là loài thủy đặc sản và đưa ra định mức kỹ thuật nuôi trồng khuyến khích áp dụng trong cả nước…

Luật sư Phạm Thành Long
Trưởng Văn phòng luật sư Luật gia Phạm (Hà Nội)

Không nên kiểm soát như lâm sản

Ba ba là động vật lưỡng cư, sống ở cả dưới nước và trên cạn. Tuy nhiên, ba ba được bà con nông dân gây nuôi và phát triển trong nhiều năm nay, thành thực phẩm phổ biến. Nếu quản lý ba ba như lâm sản sẽ gây khăn cho rất nhiều hộ chăn nuôi.

TS Võ Văn Sự - Nguyên Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học, Viện Chăn nuôi quốc gia



Sỹ Lực/Dân Việt