Tổng thư ký ASEAN: “Rất đáng thất vọng!”, một kết cục “chưa từng có”

15/07/2012 18:36
Hồng Thủy
(GDVN) - “Bất cứ khi nào họ (ASEAN) không làm gì, thì đó đã là một thắng lợi đối với Trung Quốc”
Trung Quốc đang tìm mọi cách khẳng định yêu sách (vô lý, phi pháp – PV) của mình trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông được thể hiện rất rõ thông qua việc phá vỡ các cuộc đàm phán với ASEAN và chia rẽ nội khối ASEAN kết hợp với những động thái leo thang mới trên thực địa.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Mặc dù Philippines, Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng COC, Mỹ gây áp lực song kết quả vẫn là con số 0, một điều đã được dự báo trước về thái độ phản ứng của Trung Quốc
Mặc dù Philippines, Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng COC, Mỹ gây áp lực song kết quả vẫn là con số 0, một điều đã được dự báo trước về thái độ phản ứng của Trung Quốc

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, ASEAN – Trung Quốc và Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF) tại Phnom Penh vừa kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào mang tính ràng buộc về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với Trung Quốc. 

Thậm chí lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị khu vực của ASEAN mà không ra được tuyên bố chung vì những mâu thuẫn trong nội dung tuyên bố giữa Philippines và Campuchia – với vai trò Chủ tịch luân phiên tìm mọi cách né tránh những gì có thể khiến mất lòng Trung Quốc.

Đặc biệt hơn ở chỗ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tham dự các cuộc đàm phán và gây áp lực để các bên thảo luận đa phương về cơ chế giảm bớt căng thẳng trên biển Đông, trong khi Trung Quốc nhất quyết đòi đàm phán tay đôi và không chịu ngồi vào bàn trao đổi về COC.

Tổng thư ký ASEAN phải thốt lên: Rất đáng thất vọng!
Tổng thư ký ASEAN phải thốt lên: Rất đáng thất vọng!

Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Surin Pitsuwan phải thốt lên: “Rất đáng thất vọng!”, một kết cục “chưa từng có” trong 45 năm lịch sử của khu vực.

Ông cho rằng “ASEAN sẽ cần phải tìm hiểu xem làm thế nào để củng cố (quan hệ nội khối) và phối hợp giữa các bên nếu (ASEAN) muốn tham gia vào cộng đồng toàn cầu”.

Giám đốc Sở nghiên cứu châu Á thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, ông Dan Blumenthal đánh giá: “Bất cứ khi nào họ (ASEAN) không làm gì, thì đó đã là một thắng lợi đối với Trung Quốc”.

Mặc dù trước đó ASEAN đã thống nhất những nội dung cơ bản của DOC, nhưng khi đưa ra thì Bắc Kinh nhất quyết từ chối và Campuchia kiên quyết không đưa những vấn đề liên quan đến biển Đông vào thông cáo chung Hội nghị.

Ông Dương Khiết Trì dự các hội nghị tại Phnom Penh vẫn khăng khăng từ chối đàm phán COC
Ông Dương Khiết Trì dự các hội nghị tại Phnom Penh vẫn khăng khăng từ chối đàm phán COC

Kim Lạn Vinh, Phó viện trưởng viện Quan hệ quốc tế đại học Nhân dân Trung Quốc thậm chí còn cho biết, “trên góc độ chiến thuật, Bắc Kinh sẽ chủ động hơn” trong vấn đề biển Đông trong việc tăng cường giao thiệp với Mỹ và mở rộng sự hiện diện của mình trên biển Đông, “xem xét khoan dầu và phái nhiều tàu đến đó”.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Tờ Nhật báo Phố Wall ra ngày 14/7 nhận định, sự thất bại của cuộc đàm phán tại Phnom Penh dưới nhiều góc độ là một trở ngại cho Mỹ vốn đang cố gắng mở rộng sự tham gia của mình vào khu vực và từ lâu Washington đã nỗ lực củng cố ASEAN như một khối thống nhất kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.

Mặc dù một kết cục như vậy có thể đã được dự báo trước bởi những nước cờ lobby hết sức lộ liễu từ phía Bắc Kinh, nhưng với động thái vừa rồi của Ngoại trưởng Hillary Clinton, có thể thấy Mỹ không dễ dàng bỏ cuộc.

Bà Hillary Clinton đã công bố tài trợ 50 triệu USD cho sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông, lần đầu tiên thăm Lào với cương vị của một Ngoại trưởng Mỹ sau 57 năm, gặp Tổng thống Myanmar Thein Sein ....

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Mỹ ủng hộ quan điểm và những nỗ lực của Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Mỹ ủng hộ quan điểm và những nỗ lực của Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông

Và như để trấn an các bên liên quan, tăng tính cam kết về một sự quay lại của Mỹ, bà Clinton nhận định, các cuộc đàm phán đã chứng minh sự tiến bộ vì nó đã cho thấy các quốc gia ASEAN đã sẵn sàng để thảo luận các vấn đề khó khăn, đạt được sự đồng thuận về nội dung chính của COC để đàm phán với Bắc Kinh là một ví dụ.

Với những gì đã và đang diễn ra trên biển Đông và biển Hoa Đông, có thể thấy Trung Quốc sẽ còn tiếp tục lấn lướt và có nhiều động thái nguy hiểm hơn nữa trên các vùng biển tranh chấp. 

Cụ thể, Bắc Kinh hoàn toàn có thể tăng tần suất hoạt động của lực lượng "bán vũ trang" trên biển là tàu Hải giám, Ngư chính hoạt động theo biên đội tại các vùng biển tranh chấp, kéo dàn khoan ra sát biên đường lưỡi bò phi pháp, phi lý do họ tự vẽ ra liếm trọn gần 90% diện tích biển Đông và thậm chí, ăn sâu vào thềm lục địa các nước liên quan để vơ vét tài nguyên.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Trong đó đáng lưu ý hơn cả là vị trí 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam mà vừa qua tập đoàn Dầu khí hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) dám mời thầu quốc tế, một động thái leo thang phi pháp bất chấp công luận và luật pháp quốc tế.

Lực lượng tàu Hải giám 4 chiếc kéo ra hoạt động trái phép tại khu vực Trường Sa quấy rối, ngăn cản hoạt động của lực lượng chức năng Việt Nam ngay trước thềm hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và ARF
Lực lượng tàu Hải giám 4 chiếc kéo ra hoạt động trái phép tại khu vực Trường Sa quấy rối, ngăn cản hoạt động của lực lượng chức năng Việt Nam ngay trước thềm hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và ARF

Ngoài ra khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa đặc biệt là khu vực bãi Tư Chính nơi có nhiều lô dầu khí Việt Nam khai thác, rất có thể Trung Quốc phái tàu ra quấy phá, thậm chí liều lĩnh kéo dàn khoan ra tận khu vực này.

Về mặt ngư nghiệp, Trung Quốc sẽ tiếp tục tổ chức các đội tàu cá lớn đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa với mục đích chính là lấn lướt, gây căng thẳng tình hình nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền (phi lý, phi pháp, vô hiệu) đối với biển Đông kết hợp các hoạt động thu thập tin tức tình báo quân sự.

Dường như Bắc Kinh đang tiếp tục lấn tới xem khả năng chịu đựng của Mỹ, Nhật Bản và các bên liên quan trên biển Đông tới đâu khi bỏ ngoài tai mọi phản ứng gay gắt của các quốc gia này. Khi nào gần đến "giới hạn cuối cùng" của sự chịu đựng, khi ấy Bắc Kinh mới có khả năng chịu ngồi vào bàn đàm phán nhưng lúc này họ đã chiếm thế thượng phong trên thực địa.

Do đó, hơn bao giờ hết các bên liên quan cần đoàn kết chặt chẽ, đặc biệt tranh thủ sự ủng hộ, tham vấn lẫn nhau với các bên thứ 3 có quyền lợi và tuyên bố có quyền lợi trên biển Đông, ủng hộ cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, đa phương, tuân thủ Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 và thông qua trọng tài quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy