Lương Kim Định: Thể hiện niềm tự hào dân tộc từ cổ văn

16/07/2012 06:02
Quốc Khánh
(GDVN) - Sáng 14/7, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, nhân 15 năm ngày mất của triết gia Lương Kim Định, Trung tâm Minh triết phối hợp với Trung tâm Lý Học Đông Phương đã tổ chức buổi tọa đàm tưởng niệm về ông. Đây là lần đầu tiên, một buổi tọa đàm có quy mô lớn về triết gia Lương Kim Định được tổ chức tại Việt Nam
Triết gia Lương Kim Định là một gương mặt văn hóa lớn của đất nước, đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ hơn 40 đầu sách về những lĩnh vực triết học, văn hóa, cổ sử Việt Nam… Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam và là người đề xướng thuyết Việt triết (Việt Nho) với những trụ cột triết lý: an vi, nhân bản, thái hòa, bình sản.

Nhiều học giả trong nước tiếp nhận hướng nghiên cứu và phương pháp luận của ông đã có những công trình học thuật có giá trị. Môn đệ của ông ở nước ngoài trong làng An Việt đang tiếp tục công cuộc nghiên cứu của ông và theo đuổi một lối sống minh triết đáng quý.

Buổi tọa đàm đã thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, những người yêu sử Việt, và một lượng lớn học sinh sinh viên từ các trường đóng trên địa bàn Hà Nội.

Buổi tọa đàm về cố triết gia Lương Kim Định.
Buổi tọa đàm về cố triết gia Lương Kim Định.

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Bùi Ngọc Thêm cho rằng, những công trình nghiên cứu Việt triết của Lương Kim Định là những phát kiến “động trời”. 32 đầu sách đã xuất bản thể hiện những quyết tâm tót vời, sự hết lòng vì nền minh triết của nước nhà của Lương Kim Định. Tuy nhiên, Theo giáo sự Bùi Ngọc Thêm, những kiến giải của ông có phần cực đoan và lãng mạn.

Lương Kim Định đã có những dự đoán tài tình, ngày càng được các ngành khoa học liên quan như khảo cổ, cổ thư, nhân chủng học xác minh những luận điểm ông đưa ra hoàn toàn có cơ sở.


Buổi tọa đàm là dịp để hiểu hơn về lịch sử triết học nước nhà và những cố gắng không mệt mỏi của Lương Kim Định. Như GS.TSKH Trần Ngọc Thêm  trích dẫn một nhận định khác rất đáng suy nghĩ của GS Trần ở Đài Loan: “Kim Ðịnh vượt xa Trần Ðức Thảo trong lãnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc, cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ”
Quốc Khánh