Hồi kết cho câu chuyện "Tài năng và đắc dụng" đạo văn

13/07/2011 23:58
(GDVN)-"Công văn 1917/ĐH QGHN-VP do GS.TSKH Vũ Minh Giang ký ngày 01/7/2011 thể hiện một cách từ trối trách nhiệm..."_TS Nguyễn Xuân Diện khẳng định.

(GDVN) - Sau những lùm xùm về chuyện các tác giả cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” xếp Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh các vĩ nhân, bạn đọc lại được một phen sửng sốt khi phát hiện sự thật: Cuốn sách được coi là đề tài nhánh của công trình khoa học cấp Nhà nước này đã đạo văn hàng chục trang. Có quá nhiều “vết thương” với đứa con tinh thần của các tác giả cuốn sách. Nhưng xem ra đứa con tinh thần này đã bị cha mẹ của chúng ruồng bỏ một cách không thương tiếc….

Đứa con bị bỏ rơi

Trở lại câu chuyện cuốn sách "Tài năng và đắc dụng”, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008, do nhóm tác giả GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương (phó hiệu trưởng trường ĐHKH Tự Nhiên) và PGS.TS Phạm Hồng Tung (Phó ban Công nghệ - ĐHQGHN) làm chủ biên vốn đã có quá nhiều những chuyện lình xình. 

TS Nguyễn Xuân Diện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
TS Nguyễn Xuân Diện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có công văn số 09/CV-GDVN, ngày 15/6/2011, đề nghị ĐHQG Hà Nội trả lời về thông tin báo đã nêu xung quanh việc “đạo văn” trong cuốn “Tài năng và đắc dụng”, trường ĐHQG Hà Nội đã có công văn số 1917/ĐH QGHN-VP ngày 01/7/2011 phúc đáp sau đó.
Xung quanh nội dung trong công văn trả lời này, ngày 11/7, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) xung quanh đoạn kết của sự việc này. 

Trong nội dung công văn của ĐHQGHN có nêu: “Cuốn Tài năng và đắc dụng (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008, do GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS Phạm Hồng Tung đồng chủ biên) là công bố của nhóm tác giả (chứ không phải nhân danh ĐHQG Hà Nội). Các tác giả cùng với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình và việc xuất bản cuốn sách.

ĐHQG Hà Nội được biết Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phối hợp với nhóm tác giả đã trả lời báo chí và cơ quan có trách nhiệm bằng văn bản về một số vấn đề mà báo chí đã nêu. Tuy nhiên ĐHQG Hà Nội cũng đã đề nghị nhóm tác giả báo cáo về các vấn đề mà trong công văn báo điện tử Giáo dục có đề cập”.

Với nội dung phúc đáp trên, TS Nguyễn Xuân Diện đánh giá: “Với tư cách đây là một đề tài nhánh trong công trình nghiên cứu của ĐHQG mà Ban tổ chức Trung ương giao cho ĐH Quốc gia thực hiện thì ĐHQG phải chịu trách nhiệm. Công văn 1917/ĐH QGHN-VP do GS.TSKH Vũ Minh Giang ký ngày 01/7/2011 thể hiện một cách từ trối trách nhiệm.

Công trình này là một đề tài cấp nhà nước thuộc về ĐHQG quản lý, thì tất nhiên ĐHQG phải chịu trách nhiệm hoàn toàn tất cả những khâu liên quan đến đề tài, kể cả việc công bố nó. 

Bây giờ không thể nói công trình này là công bố riêng của nhóm tác giả được, bởi vì công trình này là công trình thuộc về đề tài nhánh của ĐHQG. Khi mà một công trình nghiên cứu được thực hiện, ở đâu cấp kinh phí thực hiện thì đơn vị quản lý nó phải chịu trách nhiệm quản lý là đương nhiên.

Báo cáo giải trình nhận lỗi của hai tác giả không thỏa đáng

Về phần báo cáo trình bày của hai đồng tác giả gửi Ban giám đốc ĐHQGHN, TS Diện cho rằng là không thỏa đáng. Đã là một công trình khoa học thì đương nhiên phải có nguyên tắc, chứ không thể tùy tiện được. Từ việc trích dẫn chân trang, dẫn nguồn tham khảo, ý kiến… đâu là tư liệu, nhận định, kết quả của những người trước đã nghiên cứu… đều phải rõ ràng. Và khi mọi người tiếp cận tác phẩm thì ai cũng có thể đọc và hiểu được chứ không phải nhập nhèm như nội dung trong cuốn sách. 

bản báo cáo của hai đồng tác giả Nguyễn Hoàng Lương và Phạm Hồng Tung
Bản báo cáo của hai đồng tác giả
Nguyễn Hoàng Lương và Phạm Hồng Tung
Việc trả lời như của các tác giả như thế này thể hiện: Các tác giả này không phải là những nhà khoa học thực sự, bởi vì nếu là một nhà khoa học thực sự thì người ta phải biết rằng cách ghi tài liệu tham khảo như thế nào, trích dẫn ra làm sao... chứ không thể mập mờ đánh lận con đen.   

Trong báo cáo của nhóm đồng chủ biên có ghi: “Về ý kiến của báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng nhóm tác giả cuốn sách đã “sao chép hàng chục trang trong một số cuốn sách khác”, chúng tôi có ý kiến như sau: “Khi viết về các trường hợp người nước ngoài, nhóm tác giả phải tham khảo không ít tài liệu trong và ngoài nước.

Chúng tôi đã đưa tên và xuất xứ đầy đủ của tất cả các công trình mà chúng tôi đã tham khảo vào mục tài liệu tham khảo được in ở cuối cuốn sách. Chúng tôi thấy rằng nếu chúng tôi chú dẫn nguồn thông tin đã tham khảo ở chân trang hoặc cuối mỗi bài viết thì sẽ làm cho người đọc dễ theo dõi hơn.

Đặc biệt việc báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng chúng tôi đã sử dụng tài liệu của các tác giảo Dạ Trạch thì thực ra Dạ Trạch chính là bút danh của một trong số các tác giả của cuốn sách”.  

TS Diện đánh giá: Nếu ghi như thế này thì cũng không thể chấp nhận được. Bởi vì, đã sử dụng nhiều tài liệu, nhiều trang dịch của tác giả Dạ Trạch thì ít nhất trong cuốn sách cũng phải chú thích Dạ Trạch là tác giả nào và nói rõ việc này. Chứ không thế để một cách mập mờ như thế này, Dạ Trạch là tác giả nào thì cần nói rõ, vì đây là một công trình nghiên cứu khoa học, có gì đâu mà phải giấu diếm. 

Như vậy, qua việc này cho thấy hai đồng tác giả là GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS Phạm Hồng Tung chưa thành khẩn nhận thấy đầy đủ trách nhiệm và khuyết điểm của mình trên tư cách những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Ở đây hai tác giả mới chỉ thừa nhận những sai phạm “mang tính chất kỹ thuật”, tôi cho rằng như thế chưa thỏa đáng.

“Về thái độ của các tác giả và những người có liên quan là chưa tương xứng với học hàm học vị cũng như trọng trách của mình trước đất nước và giới khoa học”.TS Diện nói. 

"Giám đốc ĐHQGHN trả lời thiếu trách nhiệm"

Đánh giá về việc GS.TSKH Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN trả lời báo chí về việc: ĐHQG chỉ chịu trách nhiệm với những cuốn sách được in ở NXB ĐHQG và do ĐHQG xuất bản, TS Diện đánh giá: Đây là một câu trả lời thiếu trách nhiệm. "Cần phải khẳng định rằng công trình này là một đề tài nhánh của một đề tài khoa học cấp nhà nước do ĐHQG chủ trì, vậy sản phẩm khoa học ấy thuộc về ĐHQG, nếu như GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS Phạm Hồng Tung, trước khi xuất bản cuốn sách mà có một văn bản xin phép ĐHQG thì lúc đó mới xem xét đến việc có cho phép hay không?. Còn trường hợp ở đây, hai tác giả này đã tự ý đi xuất bản mà không hề có văn bản xin phép là trái với thông lệ khoa học. Bên cạnh đó thì Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cũng phải chịu trách nhiệm.

Mọi người thừa biết là cuốn sách này không in ở NXB ĐHQG, trên tiêu đề của cuốn sách cũng không có ghi là ĐHQG, nhưng điều này cũng không thể bào chữa được cho việc: đây là một công trình khoa học, một đề tài nhánh của đề tài nghiên cứu của ĐHQG. Bởi vậy, những người đứng đầu ĐHQG Hà Nội, làm chủ nhiệm đề tài cũng không thể từ trối trách nhiệm của mình trong việc quản lý đề tài, quản lý sản phẩm, đặc biệt là những người giữ những cương vị quản lý ở trong ĐHQG", TS Diện nói.

TS Diện đưa ra dẫn chứng: "Khi tôi làm những đề tài nghiên cứu khoa học, nếu như tôi ký một công trình nào đó với nhà xuất bản thì tính từ lúc viết đến khi nộp bản thảo thì tác phẩm đó là thuộc bản quyền của mình và cả của người trả tiền cho mình. Và khi tôi muốn công bố ở đâu thì tôi phải viết giấy xin phép sẽ công bố ở đâu, bao nhiêu phần, bao nhiêu trang và ở nhà xuất bản nào.

Bản quyền là của ĐHQG, nếu hai tác giả muốn in và xuất bản thì phải xin phép, nếu không xin phép thì không được in, thông lệ khoa học là vậy". 

{iarelatednews articleid='3634,2170,4326,4240,4051,3998,3619,3625,3589,3590'}

Tư Bùi