Không nên xỉ vả, lăng nhục con trẻ khi chúng cuồng thần tượng

18/07/2012 11:01
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - "Ngay trong mỗi gia đình đâu ít những ông bố bà mẹ cả đời hi sinh vì con cái, rất đáng để thần tượng đó chứ. Chúng ta cần phải đẩy mạnh, kích hoạt nhiều hơn nữa những mảng sáng của cuộc sống" - TS Trịnh Hòa Bình mổ xẻ bệnh cuồng thần tượng của giới trẻ.
Giới trẻ ngày càng có nhiều biểu hiện cuồng thần tượng gây nguy hại cho chính bản thân và gia đình của họ. Làm thế nào để giáo dục con trẻ đi đúng hướng, TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình đã có cuộc chia sẻ về vấn đề này với Báo Giáo dục Việt Nam.


TS. XHH Trịnh Hòa Bình
TS. XHH Trịnh Hòa Bình


Cuồng thần tượng là biểu hiện lệch lạc giá trị sống
Thưa ông, ông có nhìn nhận như thế nào về hiện tượng cuồng thần tượng của giới trẻ hiện nay? TS. Trịnh Hòa Bình: Theo tôi thì việc giới trẻ chọn thần tượng, say mê thần tượng không có gì là sai cả. Nhưng xét đến cùng chúng ta sẽ thấy rằng đó là hành vi lệch chuẩn, vì đã biến niềm say mê thành tuyệt đích, thành cứu cánh, chiếm hết thời gian để học hành, nghiên cứu, sinh hoạt cần thiết của giới trẻ.
Chọn những hình ảnh nào, cách thức si mê như thế nào mới là vấn đề. Chúng ta có thể nhận thấy hình mẫu mà giới trẻ lựa chọn làm thần tượng hiện nay chủ yếu là nhân vật của làng giải trí ca hát, người mẫu… điều này không phải là tội lỗi.

Giới trẻ có rất nhiều cách thức cuồng thần tượng, chúng có thể làm bất cứ việc gì để bảo vệ cho thần tượng của chúng. Chúng không chỉ bỏ tâm huyết mà có thể cãi nhau, hỗn láo với bố mẹ vì ngăn cản niềm say mê, đánh giá thấp nhân vật mà giới trẻ thờ phụng. Giới trẻ sẵn sàng đối đầu với gia đình, có thể li khai khỏi gia đình, thậm chí kết liễu sự sống. Tất cả điều đó là thái quá, là sự lệch lạc trong ý nghĩa, giá trị sống mà chúng theo đuổi.

Là một nhà xã hội học, ông có thể chỉ ra căn nguyên từ đâu tác động vào giới trẻ để giới trẻ tìm đến việc cuồng thần tượng?

Hoa khôi ĐH Chu Văn An từng cuồng thần tượng đến mất ăn, mất ngủ

Hoa khôi ĐH Chu Văn An từng cuồng thần tượng đến mất ăn, mất ngủ

Có con là “Fan cuồng” thà đẻ ra “cái trứng để ăn” còn đáng hơn

Có con là “Fan cuồng” thà đẻ ra “cái trứng để ăn” còn đáng hơn

Câu chuyện xúc động về 'thần tượng' trong bài thi văn khối D

Câu chuyện xúc động về 'thần tượng' trong bài thi văn khối D

TS. Trịnh Hòa Bình:
Đó là vấn đề liên quan đến cả người lớn và đời sống xã hội. Đời sống có rất nhiều thách thức muôn hình vạn trạng, chúng ta không chỉ bị khủng hoảng mà còn bị khủng hoảng một cách sâu đậm về hình mẫu con người lí tưởng, cơ bản, đúng đắn để cộng đồng theo đuổi. 

Trong thế giới mở, các nhân vật của làng giải trí thế giới ùa vào đất nước ta rất nhiều, còn những hình ảnh, gương mặt của chúng ta nhàm chán đơn điệu, có quá nhiều scandal, nên những nhân vật trong nước thường ít được giới trẻ si mê. Giới trẻ tự tìm đến những hình mẫu ở ngoài nước, lại như là một sự đối đầu, sự tự phê phán. Nhưng dường như sự tự chê bai dân tộc mình, nền văn hóa của mình, gia đình mình… đang theo xu hướng phủ định hoàn toàn, là sự sao chép lại. Nói chung là xã hội thế nào thì con trẻ như thế.

Thưa ông, việc cuồng thần tượng có tác hại như thế nào đối với giới trẻ và sự phát triển của đất nước?

TS. Trịnh Hòa Bình: Sự si mê thần tượng đặc biệt là thần tượng ngoại lai đến quên ăn, quên ngủ, ốm đau, gầy mòn đối lập với đời thực hiện nay làm cho giới trẻ không còn tập trung vào công việc chính. Chúng không chịu học hành, bị tiêm nhiễm những cách suy nghĩ lệch lạc vào người. 

Không ít giới trẻ nhận thức rằng gia đình là nơi để hầu hạ, phụng sự chúng, chúng thường rất ít nói lời cảm ơn đối với người thân. Giới trẻ ngày nay nghĩ rằng quyền lợi của chúng được hưởng đó là bổn phận, là trách nhiệm đương nhiên, giới trẻ chỉ ý thức được quyền lợi chứ chưa nhìn thấy trách nhiệm, bổn phận của bản thân.

Giới trẻ không tích cực góp phần vào công việc chung của xã hội và gia đình. Nó dần dần tạo ra một lớp thế hệ mới quá hướng ngoại, phủ định giá trị tích cực, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa, đạo đức của người Việt Nam. Theo đó những thói xấu, giả dối, ích kỉ đang ngày càng mọc lên như sung, cản ngăn sự phát triển của xã hội. 

Còn nhiều ông bố bà mẹ vĩ đại đáng được thần tượng

Vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường đến đâu trong việc giúp giới trẻ tìm được đúng hướng đi của mình, thưa ông?

Chính sự giáo dục trong gia đình tác động rất nhiều đến fan cuồng
Chính sự giáo dục trong gia đình tác động rất nhiều đến fan cuồng

TS. Trịnh Hòa Bình: Gia đình chính là nơi đầu tiên giáo dục giới trẻ. Nhưng chính gia đình đang bị suy giảm các chức năng. Các ông bố bà mẹ chỉ mải mê kiếm tìm những giá trị vật chất cụ thể, mà không chăm lo cho đời sống tinh thần, cách ứng xử với xã hội.

Ở phương diện cộng đồng xã hội, nhà trường lại không dạy dỗ trẻ cách ứng phó đạo đức với các trường hợp cụ thể. 

Chúng ta không quá chủ quan để nói rằng không can thiệp gì cả tự giới trẻ sẽ quay lại quỹ đạo của chúng, sẽ không có chuyện đó nếu như không có hành động. Các thể chế chính trị cần phải quan tâm đến việc định hướng đi đúng đắn cho giới trẻ.

Trong xã hội hiện nay không phải là không có những hình tượng mẫu mực để chúng ta thần tượng, nhưng do các giới chức có trách nhiệm không đủ quan tâm, khai mở nó. Ví dụ tấm gương lao động quên mình, những hiệp sĩ đường phố…

Ngay trong mỗi gia đình đâu ít những ông bố bà mẹ cả đời hi sinh vì con cái, rất đáng để thần tượng đó chứ. Nhưng có lẽ khâu tuyên truyền vận động xã hội để làm sáng những phẩm chất tốt đẹp của xã hội đang ngủ yên ở đâu đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh, kích hoạt thêm nữa nhiều hơn nữa những mảng sáng của cuộc sống.

Nếu như con ông là một fan cuồng thần tượng thì ông sẽ làm như thế nào?

TS. Trịnh Hòa Bình: Thực ra, những hình tượng đó chúng ta có thể gỡ bỏ khéo léo bằng nhiều cách, không phải bằng cách lăng nhục thần tượng của con, cũng không phải là xỉ vả, chửi mắng con. Chúng ta không nên đối đầu, phủ định một cách sạch trơn những gì mà con đang theo đuổi. Chúng ta nên tìm hiểu nhân vật để chỉ ra cho con rằng ai cũng có khuyết tật, không có gì là toàn đích cả. Và cho con trẻ thấy rằng trong xã hội này có rất nhiều tấm gương sáng để cho chúng ta học hỏi và cần học hỏi ở nhiều người khác nhau. Điều này cần có thời gian chứ không thể một sớm, một chiều được.

Cảm ơn ông đã dành thời gian cho Báo Giáo dục Việt Nam!
Bích Thảo (Thực hiện)