Clip: 'Đặc sản' nước dừa... tính tiền đứng và phí ghế ngồi ở Sầm Sơn

25/07/2012 07:24
H.Sơn - H.Lực
(GDVN) - Luôn miệng chào mời du khách ngồi ghế nghỉ ngơi ngắm biển, uống nước dừa, nhưng sau khi hưởng dịch vụ, chủ quán lại tính với giá "cắt cổ" và vô lý, còn du khách cảm thấy bực mình, khó chịu vì phải trả thêm khoản tiền phí ghế ngồi...


Những câu chuyện "chặt chém" chèo kéo du khách, tính thêm nhiều loại phí dịch vụ vô lý trong mùa du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa đã trở thành nỗi khiếp sợ với không ít du khách chọn lựa đến đây. Từng là nạn nhân của trăm kiểu "chặt chém" có người đã không ngần ngại tuyên bố "cạch mặt" khu du lịch này. 
Chiêu thức "chặt chém" tiền du khách của các dịch vụ kinh doanh tại đây đều có chung đặc điểm: phát giá dịch vụ khi "chuyện đã rồi". Có nghĩa là sau khi nài mời, chèo kéo du khách sử dụng dịch vụ, chủ các cơ sở kinh doanh này mới đưa ra các mức giá cho từng dịch vụ. Tức là họ nghĩ ra "chiêu thức" chia nhỏ các dịch vụ liên quan để bắt chẹt du khách.

>>>Choáng váng clip uống nước dừa chém tiền giá đứng và ngồi ở Sầm Sơn

Hình ảnh chủ đà điểu dọa nạt du khách vì phản ứng với phí dịch vụ vô lý tại Hòn Trống Mái , Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh cắt từ clip).
Hình ảnh chủ đà điểu dọa nạt du khách vì phản ứng với phí dịch vụ vô lý tại Hòn Trống Mái , Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh cắt từ clip).

Và khi đó dù muốn hay không du khách vẫn phải móc hầu bao trả tiền. Cho dù có bực tức nhưng với lý do "sao không hỏi trước khi ăn, uống, ngồi..." của những chủ kinh doanh, du khách mới tá hỏa mình bị "lừa đẹp".
Trong vai du khách, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có dịp tiếp cận với những dịch vụ theo kiểu chộp giật này. Đang đi dạo dọc bãi tắm A, biển Sầm Sơn trước những lời mời "nhiệt tình" của bà chủ hàng với 2 ghế lưới và gọi 2 quả dừa. Khi gọi thanh toán, chủ quán hét giá: "Tất cả tròn 100.000 đồng, trong đó, 30.000 đồng một quả dừa, và 20.000 đồng tiền ghế ngồi. Thấy vô lý khi uống nước mà phải trả cả tiền ghế ngồi, "chẳng lẽ uống nước đứng sao" - chúng tôi hỏi, thì chủ quán này nói xen: "Đây là quy định chung của thị xã chứ tôi đâu tự thu được. Đây là giá chung rồi. Ở bãi C người ta thu 40.000 đồng/quả, không chỗ nào riêng đâu. Tiền nước là nước, tiền ghế là ghế. Không tin cứ lên gặp ban quản lý ở đây mà hỏi". Chúng tôi mang thắc mắc này đến ban quản lý bãi tắm A hỏi về việc thu phí đó. Một nam nhân viên ban quản lý làm nhiệm vụ ở đây giải thích, việc chủ hộ kinh doanh thu mức phí 30.000 đồng/1 quả dừa và 20.000 đồng cho một lượt ghế lưới ngồi là đúng theo quy định của thị xã. "Tất cả các dịch vụ, hàng hóa tại đây đã được niêm yết công khai theo quy định của UBND thị xã Sầm Sơn. Việc các anh sử dụng dịch vụ phải trả phí là đúng, ngồi ghế lưới các anh phải trả tiền rồi" - nhân viên bảo vệ này cho biết.

Chúng tôi tiếp tục phản ứng về việc "tại sao uống nước mà phải trả cả tiền ghế ngồi?" thì nhân viên bảo vệ này giải thích: "Việc thu phí ghế ngồi là đúng vì họ phải đóng mức phí cao. Không phải cái sai của chủ kinh doanh ở việc thu phí ghế ngồi mà là thiếu sót khi họ không hướng dẫn cho khách các dịch vụ mình sử dụng. Nó có văn bản hết".

Theo cách giải thích của nhân viên bảo vệ này và theo suy luận của chúng tôi về các dịch vụ bị coi là "chặt chém" khiến dư luận phản ứng dữ dội thời gian qua tại Sầm Sơn là có cơ sở. Bởi, nghĩ cho cùng, việc chúng ta sử dụng dịch vụ trả tiền là lẽ đương nhiên, ai ai cũng sẽ đồng ý, chấp thuận.


Mặc dù UBND thị xã Sầm Sơn đưa ra quy định về giá dịch vụ nhưng những chủ kinh doanh thực hiện rất mập mờ và không minh bạch. Thậm chí, việc đẩy giá lên cao hay khách hàng không mặc cả trước rất có thể sẽ bị bắt chẹt bằng những loại hàng hóa khác không có trong danh mục quy định của thị xã(!?).
Mặc dù UBND thị xã Sầm Sơn đưa ra quy định về giá dịch vụ nhưng những chủ kinh doanh thực hiện rất mập mờ và không minh bạch. Thậm chí, việc đẩy giá lên cao hay khách hàng không mặc cả trước rất có thể sẽ bị bắt chẹt bằng những loại hàng hóa khác không có trong danh mục quy định của thị xã(!?).

Nhưng với kiểu kinh doanh chộp giật "chia nhỏ" các dịch vụ của chủ kinh doanh, rồi mục tiêu hướng đến để "chuyện đã rồi" buộc khách hàng trả tiền sẽ làm cho du khách cảm thấy bực mình, ấm ức. Hay nói cách khác ở đây chính là sự mập mờ, không rõ ràng, minh bạch của các chủ kinh doanh trong việc thu phí khiến du khách luôn cảm thấy mình bị lừa mặc dù các chủ kinh doanh thực hiện rất "nghiêm" văn bản quy định về giá của UBND thị xã Sầm Sơn.

Bởi nếu có tranh cãi với khách hàng, họ sẵn sàng trình ra từ "trong tủ" các văn bản quy định của thị xã về giá thì khách hàng có cãi bằng... trời. Hoặc nếu có việc niêm yết công khai bảng giá dịch vụ của thị xã thì các chủ kinh doanh cũng để chúng ở những nơi khách hàng khó quan sát (!?).

Dạo quanh các bãi tắm A, B, C ở đây, các dịch vụ nước dừa... đứng kèm theo tiền ghế ngồi hầu như đều không được công khai treo biển về giá cho 1 quả dừa và cả tiền ghế ngồi...

Mời bạn đọc cùng xem clip dịch vụ uống nước dừa... đứng, còn ngồi xin thêm tiền ghế mà chúng tôi ghi lại được:


Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém khách du lịch trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot

H.Sơn - H.Lực