Biển Đông: Nghị sĩ Mỹ nã đạn vào "nhu cầu rất cấp bách" của Trung Quốc

21/07/2012 06:57
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Chỉ bằng cách làm việc chung trong bối cảnh đa phương, và tốt hơn hết là dưới sự trung gian hòa giải của bên thứ ba hoặc trọng tài viên, thì những thách thức của Biển Đông mới có thể được giải quyết một cách công bằng và toàn diện".
Trong bài phát biểu và trả lời phỏng vấn tại Hội thảo về Biển Đông tại Washington, Mỹ vào cuối tháng 6 vừa qua, Thượng nghị sĩ Mỹ Joseph Lieberman đã thể hiện quan điểm cá nhân rõ ràng của mình về quan hệ Mỹ - Trung cũng như các lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Yêu sách của Trung Quốc mang tính công kích

Đánh giá về tình hình tại bãi cạn Scarborough, Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman cho rằng: “Sự xuống thang của cuộc xung đột tại bãi cạn Scarborough là rất quan trọng. Và tôi đánh giá cao việc Tổng thống Aquino đã thực sự phản ứng - Tôi nghĩ rằng ông ấy đã xử lý nó một cách rất cân bằng và nhạy cảm”.

Các yêu sách của Trung Quốc đều mang tính công kích (Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông - Tân hoa xã)
Các yêu sách của Trung Quốc đều mang tính công kích (Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông - Tân hoa xã)


Theo ông Joseph Lieberman: "Bộ quy tắc ứng xử cho chúng ta một cơ hội, theo một nghĩa nào đó, lấy sự xuống thang gần đây nhất liên quan đến Bãi cạn Scarborough và cố gắng giữ tinh thần đó – trái lại, đừng lấy các yêu sách mang tính công kích của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam - và đưa tinh thần đó vào bộ quy tắc. Và chúng ta không thể mong đợi quá nhiều vào điều này. Nhưng nếu đó chỉ là lời nói suông thì sẽ rất đáng thất vọng, và nó sẽ là bước lùi.

“Vậy chúng ta đang tìm kiếm cái gì? Tôi nghĩ rằng, đó là các điều khoản chung nhất, cho cái mà tôi gọi là một khuôn khổ dựa trên luật lệ để giải quyết những bất đồng này. 

Thứ hai, chúng tôi muốn nó được quyết định theo luật pháp quốc tế, lý tưởng nhất là trình lên một bên thứ ba để phân xử và quyết định. Và như vậy điều mà tôi hy vọng bộ quy tắc ứng xử tạo ra một lời nói đầu dẫn chúng ta đến điểm đó”, ông Joseph Lieberman nói.

Chúa biết và tôi hiểu nhu cầu rất cấp bách của Trung Quốc…”
Nói về mối quan hệ Trung – Mỹ, Thượng nghị sĩ Mỹ Joseph Lieberman đánh giá: “Vấn đề Biển Đông cơ bản không phải là về quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Đó là về mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Nhưng hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và cũng như với các nước khác trên thế giới. Và về khía cạnh này, những gì xảy ra trong vùng biển Đông đều liên quan đến mọi người”.

"Và thay vì tham gia một cuộc chiến ở đó (Biển Đông), chúng ta nên tìm ra một cách mà tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ nó".
"Và thay vì tham gia một cuộc chiến ở đó (Biển Đông), chúng ta nên tìm ra một cách mà tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ nó".

Trong phần trả lời câu hỏi của một phóng viên đến từ Trung Quốc về việc Mỹ nên nhìn nhận một cách trung thực và thẳng thắn rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh, và sẽ không thể tránh khỏi việc hai nước có một cuộc cạnh tranh chiến lược tại Biển Đông, ông Joseph Lieberman cho rằng: “Mỹ và Trung Quốc có thể tránh chiến tranh năng lượng thông qua hợp tác và đối thoại”.

Theo Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman, quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong thế kỷ này, đó không chỉ là vấn đề thiện chí mà là một vấn đề thực tiễn và thực tế. “Tôi nghĩ rằng cả hai cường quốc này đều có lợi ích quốc gia trong việc duy trì mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và điều đó sẽ xảy ra. Bây giờ, đôi khi những điều khéo léo và hợp lý lại không xảy ra giữa hai nước, và họ kết thúc trong các cuộc xung đột. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ xảy ra với chúng ta.
Tuy nhiên, nếu có những cách rõ ràng mà Trung Quốc và Mỹ sẽ cạnh tranh thì tôi nghĩ rằng đó chắc chắn là một cuộc cạnh tranh hòa bình và tôn trọng lẫn nhau… Hãy nhìn, tôi càng tham gia nhiều vào các vấn đề chính sách đối ngoại, dường như tôi càng tin rằng chúng ta có thể học hỏi từ các mối quan hệ cá nhân làm thế nào để có mối quan hệ tốt giữa các quốc gia”. 

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Thể hiện sự am hiểu về bản chất những vấn đề Trung Quốc đang gặp phải tại Biển Đông, ông Joseph Lieberman nói: “Chúa biết và tôi hiểu nhu cầu rất cấp bách của Trung Quốc đối với năng lượng. Nhưng nếu dự đoán về lượng khí thực tế và dự trữ dầu dưới Biển Đông là chính xác và nếu tôi có thể sử dụng một câu nói thân mật kiểu Mỹ thì có đủ cho mọi người. Ở đó (Biển Đông – PV) có rất nhiều. Và thay vì tham gia một cuộc chiến ở đó, chúng ta nên tìm ra một cách mà tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ nó.
Vì vậy, tôi xin lỗi nếu điều đó là chung chung, nhưng tôi thực sự nghĩ nó theo cách đó. Chúng tôi đã phải tôn trọng những ưu tiên trong nước của nhau, cũng thừa nhận rằng nếu chúng ta tham gia vào một cuộc xung đột thực sự thì điều đó không chỉ bất lợi cho thế giới, mà nó còn bất lợi với mỗi nước”. 

"Cần thiết có bên thứ 3 để giải quyết vấn đề Biển Đông"

Nói về những giải pháp cho các mối quan hệ trong Biển Đông, Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman cho rằng: “Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã có những tiền lệ quan trọng và đầy triển vọng về giải quyết hòa bình các tranh chấp khác nhau theo luật pháp quốc tế. Và ở đây tôi xin trích dẫn việc giải quyết những tranh chấp tương đối gay gắt giữa Malaysia và Singapore, giữa Malaysia và Indonesia. Thay vì trở thành một vùng chiến sự vì sự cạnh tranh giống thế kỷ 19, Biển Đông nên trở thành một mô hình về hợp tác thế kỉ 21 và phát triển chung cùng có lợi nguồn tài nguyên tự nhiên khổng lồ dưới đáy biển theo cách có lợi cho người dân trong khu vực và trên thế giới”.

"Tất cả các bên cần phải thừa nhận rằng bất đồng về Biển Đông chỉ có thể giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế"
"Tất cả các bên cần phải thừa nhận rằng bất đồng về Biển Đông chỉ có thể giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế"

“Tuy nhiên, để làm như vậy, tôi nghĩ tất cả các bên cần phải công nhận một số nguyên tắc. Đầu tiên, do các yêu sách về chủ quyền quốc gia theo nghĩa đen chồng chéo nhau nên các cuộc đàm phán song phương sẽ không giải quyết được tất cả các bất đồng lớn. Chỉ bằng cách làm việc chung trong bối cảnh đa phương, và tốt hơn hết là dưới sự trung gian hòa giải của bên thứ ba hoặc trọng tài viên, thì những thách thức của Biển Đông mới có thể được giải quyết một cách công bằng và toàn diện.
Bước quan trọng đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc cần thực hiện nhanh nhất có thể là thỏa thuận bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Thứ hai, tất cả các bên cần phải thừa nhận rằng bất đồng về Biển Đông chỉ có thể giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ngược lại, cố gắng giải quyết những bất đồng trên cơ sở yêu sách lịch sử, sẽ là một công thức cho những bất đồng bất tận, căng thẳng tiếp diễn và nguy cơ bạo lực thực sự.
Thứ ba, chúng ta biết trong lịch sử các tranh chấp lãnh thổ thường rất nhạy cảm đối với người dân của các nước liên quan. Và chính vì lý do này, các quốc gia được tham gia vào các tranh chấp ngày nay cần phải kiềm chế và tiết chế. Về mặt này, tôi phải nói rằng sự xuống thang gần đây giữa Trung Quốc và Philippin tại bãi cạn Scarborough là một sự tiến triển đầy triển vọng.

"Bước quan trọng đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc cần thực hiện nhanh nhất có thể là thỏa thuận bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông"
"Bước quan trọng đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc cần thực hiện nhanh nhất có thể là thỏa thuận bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông"

Thứ tư, mặc dù tranh chấp trên Biển Đông rõ ràng mang tính quốc tế, nhưng về bản chất, việc giải quyết tranh chấp sẽ yêu cầu phải có sự cải cách trong nước. Ví dụ, tôi rất quan tâm đến báo cáo của Nhóm Khủng Hoảng Quốc tế. Trong đó nói rằng rất nhiều các thực thể trong Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc được trao trách nhiệm đối với Biển Đông. Do đó, rất khó để xác định ai là người chịu trách nhiệm, điều này khiến cho việc quản lý các tranh chấp và quá trình xuống thang xung đột trở nên khó khăn hơn”, Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman nói.
Sự quan tâm đặc biệt đi kèm với việc tăng cường nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh chóng sự ảnh hưởng trở lại của Mỹ tại Biển Đông khiến Trung Quốc thực sự e ngại. Trong phần sau chúng tôi xin gửi tới bạn đọc những kiến giải vì sao Biển Đông lại trở thành vấn đề ưu tiên trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. 
(Còn nữa)
Hồng Chính Quang