Nghe cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt trong kinh doanh

22/07/2012 07:41
T.H
(GDVN) - Thạch Lam trong Hà Nội băm sáu phố phường đã từng “vạch mặt” thói hư, tật xấu của người Việt trong kinh doanh khi “làm tồi bán rẻ rồi đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng”.
LTS: “Bún mắng, cháo chửi” đang trở thành một “hiện tượng ẩm thực lạ” giữa lòng thủ đô Hà Nội, nhiều người còn cho rằng: đây là một “đặc sản” không đáng có, chỉ xuất hiện duy nhất tại mảnh đất kinh kỳ này. Tuy nhiên trên thực tế, tại nhiều tỉnh thành khác như Thanh Hóa, Quảng Ninh,… - ở những khu du lịch đông đúc, những cảnh tượng chặt chém, lừa đảo, giằng co, mắng chửi khách vẫn hàng ngày diễn ra. Văn hóa kinh doanh của người Việt đang dần đi xuống hay nó có cốt lõi thâm căn cố đế từ ngàn đời xưa?Để trả lời câu hỏi này, báo Giáo Dục Việt Nam xin trích nguyên văn những lời nhận xét, dăn dạy của người xưa về lối làm ăn, buôn bán của người Việt từ chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007. Để thấy rằng: Lối kinh doanh chộp giật, hạn hẹp, nhất thời đã có từ ngàn đời xưa và tới giờ vẫn chưa được thay đổi…Không lo xa, dễ thoả mãn Tôi luận rằng người nước Nam ta khi túng thiếu thì lo lắng thở than, trong lúc đói lo một hồi mà thôi, chớ no không lo nữa.
Tác giả Lương Dũ Thúc trong "Nông cổ mín đàm" (1902) cho rằng: Giới buôn bán Việt không biết lo xa, dễ thỏa mãn.
Tác giả Lương Dũ Thúc trong "Nông cổ mín đàm" (1902) cho rằng: Giới buôn bán Việt không biết lo xa, dễ thỏa mãn.
Người nước của chúng ta, bởi không từng trải ít thấy rộng ít nghe xa (...) hễ vừa mới động nở nòi ra một thí (khá giả một tí – pv)  là đổi tính đổi nết, làm bề làm thế (làm le, làm dáng, khoe mẽ - pv), muốn nghỉ mà ăn chơi. Bởi làm sao vậy? Bởi trong trăm người mới có một thì là trong một xóm ở chừng một trăm, người ấy đã đặng trên mấy bợm khác. Có bạc chục bạc trăm, cho vô cho ra, đã có người thiếu nợ mình rồi; cho nên hết muốn ráng sức nữa.
Vì vậy nhiều khi nghèo nàn khổ sở trở lại. Đến lúc nghèo rồi lại than thở trách trời, sanh mình sao mà vận xấu, mới cho khá rồi lại làm cho nghèo, tại trời không thương.
 Lương Dũ Thúc,
Nông cổ mín đàm, 1902

Ăn xổi ở thì, chưa lo làm đã lo phá
Nước nào cũng có gian giảo, Tây, Nam (tức người phương Tây và người Việt - pv), Chệt (người Tàu – pv), Chà (người Mã Lai hoặc Ấn Độ - pv) đều có kẻ tốt người xấu. Song nước ngoài người ta gian khéo xảo lớn, còn nước mình gian vụn xảo vặt. Nói giác thể (ví dụ - pv) như một người Chệt kia lãnh của người ta đi buôn, lãnh rồi thì lo làm ra té lời cho nhiều, có gian lận thì lấy trong cái tiền lời ấy, chớ không khi nào đụng tới vốn bao giờ. Họ tính như 1đ00 mà làm lợi ra 0đ30, dầu có gian, chủ có hay, cũng dám nhắm mà cho gian. Còn người nước Nam không phải vậy, cứ gốc đẽo hoài. Chủ ra vốn cho 10đ đã phá tán cho lỗ lã, rồi cứ cái vốn lấy hoài, cứ cái mạch châm hoài. Đụng 0đ50 cũng gian, 0đ30 cũng gian, làm sao mà không háp tiệm (sập tiệm - pv). Chuyện gì hồi lãnh coi công việc thì bần hàn ăn mắm muối, vợ rách con đói; chừng lãnh việc rồi, vợ đeo vòng con đeo vàng, chồng giày vợ dép lên xe xuống ngựa, vợ lấy bạc góp chồng lấy bạc góp, chồng trai gái đào đĩ, sắm giường sắm mùng riêng, vợ tùng điệp (liên tục, dồn dập - pv) đem cả kiếng họ (Chi họ, dòng họ - pv) đến tiệm mà ăn phá. Ôi tính hay ăn xổi, xài gấp giật gấp, nước mình nay ra đi buôn thì không khác gì mấy đứa con nít tập đi tập chạy.
Trần Chánh Chiếu
 Lục tỉnh tân văn, 190
Đồng tiền không dùng để sinh lợi Tiền của tức là máu mỡ của dân. Tôi không nói là không nên yêu tiếc. Nhưng yêu tiếc thì phải bảo vệ nó làm cho nó sinh sôi nẩy nở. Muốn vậy phải có cách để biến nó thành một món to, không phải chỉ một món nhỏ. Như thế mới gọi là yêu tiếc.
Chỉ dùng đồng tiền để phục vụ cho bản thân, không vì những cái chumg, "không biết đến có việc gì khác" - Đó là nhận xét của Phan Bội Châu về lối sống, kinh doanh của cư dân Việt.
Chỉ dùng đồng tiền để phục vụ cho bản thân, không vì những cái chumg, "không biết đến có việc gì khác" - Đó là nhận xét của Phan Bội Châu về lối sống, kinh doanh của cư dân Việt.
Thế nhưng người nước ta yêu tiếc tiền của riêng thì lại chỉ để tiền của cung phụng cho cái mồm cái bụng riêng của mình, chứ không biết đến có việc gì khác, đó là một. Có kẻ lại bới đất đào lỗ để chôn giấu của cải, chỉ sợ người khác biết, chôn lâu đến hỏng nát, đó là hai. Cả hai hạng người này một bên thì xa xỉ, một bên thì keo kiệt, tuy không giống nhau, nhưng đều ngu như nhau.
 Phan Bội Châu
 Việt Nam quốc sử khảo, 1908
Những cái gia truyền dần dần mất đi Xét những thức quà của ta, thật có nhiều thứ ngon, mùi vị rất dồi dào. Là sản phẩm của  đồng ruộng của núi sông, những thứ quà ấy là dấu hiệu sự thưởng thức của người mình, vừa tao nhã lại vừa chân thật. Đó là những vật quý mà sự mát đi, nếu xảy đến, sẽ khiến người sành ăn phải ngậm ngùi. Nhưng người mình tham thanh chuộng lạ đã bắt đầu khinh rẻ những thứ đáng yêu ấy, có cái ngon mà họ đã gần quên mất mùi vị. Một đằng khác, không ai chịu để ý và hết sức làm cho mỗi ngày một hoàn hảo hơn lên, cải cách cho hợp với thời mới. Những cái gia truyền dần dần mất đi, những cái khéo léo không còn giữ được …
                                                                                                     Thạch Lam  
                                                                                  Hà Nội băm sáu phố phường, 1940
 

Nhà văn Thạch Lam cho rằng: "Cái chí của người Việt Nam ta cũng khác: món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến"
Nhà văn Thạch Lam cho rằng: "Cái chí của người Việt Nam ta cũng khác: món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến"
Đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng Cái chí của người Việt Nam ta cũng khác: món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến. Bát mằn thắn của người mình có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt. Mằn thắn làm rất to bột, nặn xuề xoà để trông càng to hơn, nhưng nhân thì hết sức kín đáo và nhỏ bé vì được một tí thịt chỗ bàng nhạc (chỉ chỗ thịt dai không có nạc - pv) mua rẻ của các hàng thịt lậu ôi ở ngoại ô, lúc trút hàng bán rẻ. Nước cũng rất nhiều nữa, dềnh lên như ao sau trận mưa, nhưng nhạt ví như nước bèo. Tất cả chỉ bán có năm xu. Tưởng đắt hàng là phải. Thế mà không. Khó mà lấy nhiều hoa mắt người ta được. Miễn là thức hàng bán xứng với đồng tiền, đừng lừa dối người mua, của ngon thì người ta ăn đắt rẻ không kỳ quản. Đó là một sự thực giản dị trong nghề buôn bán mà tiếc thay nhiều nhà buôn người mình không biết đến, làm tồi bán rẻ rồi đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng.
 Thạch Lam  
 Hà Nội băm sáu phố phường, 1940

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn "chặt chém" trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY


T.H