Vào Đà Nẵng, Sài Gòn 1 tuần là người làm du lịch ở Sầm Sơn sẽ thay đổi

22/07/2012 07:14
Độc giả Phạm Thu Hằng
(GDVN) - "Việc chặt chém ở Sầm Sơn có thể là do ý thức, do sự quản lý chưa sâu sát, chưa có chế tài mạnh của chính quyền... nên theo tôi, cứ cho những người quản lý, làm du lịch ở Sầm Sơn vào Đà Nẵng, Sài Gòn 1 tuần là họ sẽ thay đổi cung cách phục vụ ngay...", độc giả Phạm Thu Hằng bày tỏ.
Có lẽ chưa khi nào cái tên Sầm Sơn lại được nhắc đến nhiều như lúc này. Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các ý kiến xung quanh câu chuyện "chặt chém" dịch vụ cũng như cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. 

Đã có rất nhiều độc giả gửi đến tòa soạn những ý kiến, suy nghĩ của mình về thực trạng này. Phần lớn bạn đọc đều không mấy thiện cảm với khu du lịch nổi tiếng mà giờ đây đã không còn được yêu thích như xưa. Một trong số ý kiến đó là của độc giả Phạm Thu Hằng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến này. Mời bạn đọc cùng theo dõi: 
"Chặt chém" đã ăn vào ý thức của nhiều người làm du lịch ở Sầm Sơn
Câu chuyện xung quanh vấn nạn "chặt chém" dịch vụ cũng như cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa thực sự đã làm dấy lên những nỗi bức xúc của dư luận xã hội. Điều đó được thể hiện rõ qua rất nhiều những ý kiến, phản hồi bạn đọc.
Chặt chém ở Sầm Sơn (Ảnh cắt từ clip).
Chặt chém ở Sầm Sơn (Ảnh cắt từ clip).

Cá nhân tôi là một khách du lịch đã đi nhiều nơi và chỉ sau một lần đặt chân lên mảnh đất Sầm Sơn, Thanh Hóa vào năm 2010, thực sự, tôi chỉ còn biết nói câu "xin chào và không hẹn ngày trở lại". Bởi lẽ, chỉ trong 3 ngày 2 đêm ở đây, tôi đã được "nếm đủ vị" của phong cách phục vụ "chặt chém đến hoảng hồn" của những người làm du lịch nơi đây.
Ngay từ khách sạn nơi tôi chọn dừng chân, dù rằng, chỉ là hạng trung nhưng giá luôn theo kiểu "ai khôn mặc cả thì được giá vừa, ai dại thì "chém" giá thật cao". Các nhà hàng ăn uống hay sử dụng các dịch vụ như xích lô, xe ôm, chụp ảnh... cũng vậy, cái câu "nhìn mặt để bán hàng" dường như tôi thấy,  những chủ hàng ở đây đã vận dụng rất "thành công". Tôi cũng thực sự chẳng biết nên "mếu hay khóc" khi mua hai quả dừa bị tính tới giá 130.000 đồng, với lý lẽ của chủ hàng đưa ra hết sức kỳ quặc: "... quả đầu mặc cả rồi thì 30.000 đồng còn quả sau chưa mặc cả thì bán giá đúng 100.000 đồng...", đó là chưa kể đến cái cảnh, ngồi ghế cũng phải trả tiền và ngồi lâu quá thì bị đuổi như "đuổi người bệnh".... Tôi cũng đã phải chịu cái cảnh không khác mấy với những người trong đoạn clip mới đây ghi lại hình ảnh "chặt chém" ở Hòn Trống Mái, nhưng chỉ có điều khác là tôi chụp ảnh với ngựa. Cũng thật nực cười và phải nói thực sự rằng, dù đi du lịch nhiều nhưng chưa bao giờ tôi gặp phải cảnh như vậy, khi mà chỉ ra đứng cạnh mấy hình nộm chụp ảnh bằng máy của mình thôi cũng "xin 10.000 đồng/ kiểu"... Câu chuyện "chặt chém" ở Sầm Sơn nếu để tôi kể ra chắc chắn sẽ còn rất dài với không ít điều tôi dám chắc chắn, ai chưa đến đây thì chắc không thể hình dung ra được. Ở đây, cá nhân tôi, muốn nhìn nhận một chút về nguyên nhân tại sao lại xuất hiện thực trạng xấu xí này trong du lịch Sầm Sơn. Từ những gì được chứng kiến, cộng thêm với kinh nghiệm bản thân, tôi mạo muội được nhận định rằng, xét đầu tiên phải thấy được đó chính là từ ý thức của chính những người tham gia làm du lịch.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn "chặt chém" trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY. Tòa soạn sẽ đăng tải ý kiến của bạn và hồi âm bạn nhanh nhất.

Cái kiểu làm ăn manh mún, chộp giật mà dân gian hay gọi với cái câu "thấy tiền là hoa mắt" đã dẫn đến những cách hành xử với khách hàng hết sức thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng, thậm chí là mắng chửi thậm tệ khách. Việc này cũng minh chứng cho thực tế, khách đến đây đa phần là khách nội địa, hạng trung và thấp còn những khách hạng sang và nước ngoài rất ít khi xuất hiện.
Quản lý lỏng lẻo?
Điều này, nếu xét đến cùng thì cũng là một thực tế như một nhà nghiên cứu đã nhận định, đó là mặt trái của căn tính nông dân vẫn tồn tại trong những người làm du lịch ở đây. Thứ nữa, từ tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi cũng thấy, dường như ở đây có một nguyên nhân khác, xuất phát từ việc, có phải chăng do họ phải nộp các khoản tiền thu quá cao dẫn đến việc làm liều để vừa đủ tiền nộp, vừa đảm bảo "kinh doanh có lãi".
Biển Sầm Sơn (Ảnh: Internet).
Biển Sầm Sơn (Ảnh: Internet).

Một điều cũng cần phải được nhấn mạnh ở đây, đó là vai trò của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương ở đây. Dường như vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý ở đây là mờ nhạt, chưa thực sự sát sao. Việc lỏng lẻo cộng thêm không có các chế tài đủ mạnh để xử phạt, răn đe đã khiến cho các chủ hàng "ra sức" thực hiện công cuộc "chặt chém" khách du lịch. Là một người dân, thực sự, tôi mong muốn các cơ quan nhà nước ở Sầm Sơn, Thanh Hóa cần nhìn nhận sâu sắc, sát thực hơn vấn đề này. Bởi thực tế, không chỉ có gần đây, mà trước đó, người dân, khách du lịch khi đến đây đã có rất nhiều nơi ca thán, phản ánh. Nhưng động thái tích cực thì vẫn chưa thấy xuất hiện nhiều. Tôi chưa ra nước ngoài nhiều nhưng ngay trong nước, nhìn từ Sầm Sơn vào Đà Nẵng hay Sài Gòn lại cho thấy một sự khác biệt hoàn toàn. Tại hai thành phố lớn, mặc dù lượng khách du lịch từ các nơi đến rất đông đúc, tôi dám khẳng định là hơn nhiều so với Sầm Sơn. Và không chỉ có khách trong nước mà rất đông khách nước ngoài cũng thường lưu tới. Nhưng thực tế, những vấn nạn "chặt chém" lại dường như không hề xuất hiện. Cung cách, thái độ phục vụ của người bán hàng, nhân viên, chủ nhà hàng cũng hết sức chuyên nghiệp. Có được như vậy là xuất phát từ chính ý thức của người làm du lịch, của các cơ quan quản lý trong việc phát triển một nền du lịch bền vững, lâu dài. Sự nghiêm túc, chuyên nghiệp cộng thêm quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, rồi việc xử lý nghiêm, mang tính răn đe cao các trường hợp vi phạm... cũng góp phần rất quan trọng trong đó. Tôi sẽ không quay lại đi du lịch ở Sầm Sơn lần thứ hai, đó là điều chắc chắn. Nhưng như những gì đã nêu ở trên, cá nhân tôi thấy rằng, nếu muốn cho du lịch Sầm Sơn thực sự có được sự thay đổi thì tốt nhất cứ để cho những người làm du lịch, những nhà quản lý ở đây vào Đà Nẵng, Sài Gòn một tuần là chắc chắn họ sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn... * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn "chặt chém" trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Phạm Thu Hằng