Lá thư thống thiết của một du khách phản ánh nạn chặt chém ở Sầm Sơn

24/07/2012 14:00
Độc giả Trung Kiên
(GDVN) -Tôi không biết phải nói sao cho hết những phẫn nộ và thất vọng khi bị ăn quỵt, chặt chém ở biển Sầm Sơn. Chỉ những ai gặp trường hợp tương tự như chúng tôi mới thấu hiểu được cảm giác này. Chia sẻ của độc giả Trung Kiên.

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ, mới đây là hai bài viết "Tôi thề sẽ không bao giờ bước chân đến Sầm Sơn, Thanh Hóa lần nữa", Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả. Trong số đó có bức thư của độc giả Trung Kiên (Hà Nội) gửi về phản ánh những sự việc mà độc giả này đã phải trải qua khi đi du lịch ở biển Sầm Sơn. Chúng tôi xin trích đăng toàn bộ nội dung này để độc giả theo dõi....



Kính gửi ban biên tập cùng toàn thể những người đã và đang muốn đi du lịch trong nước. Tôi xin được góp ý qua diễn đàn vài lời mà từ chính bản thân tôi đã phải chịu nạn chặt chém tại biển Sầm Sơn. 

Ảnh minh họa: nguồn internet)
Ảnh minh họa: nguồn internet)

Ngày 4 tháng 7 vừa qua, tôi cùng đoàn cán bộ tại công ty nơi tôi công tác có tổ chức cho anh em đi nghỉ và công ty tôi đã chọn một công ty lữ hành khoán gọn nơi ăn ở và chọn địa điểm nghỉ là Sầm Sơn. Những háo hức được nghỉ ngơi sau thời gian làm việc căng thẳng là ra biển cùng môi trường trong lành thì cảm giác đó đã tan biến ngay từ ngày đầu tiên chúng tôi tới Sầm Sơn. 
Ngay buổi chiều hôm đầu sau khi nhận phòng và ăn trưa tại nhà nghỉ, chúng tôi đi dạo ra biển thì nhận được sự chào đón của đội ngũ xích lô. Chúng tôi cũng đã từng biết và cảnh báo nhau trước về những vấn đề tiêu cực liên quan đến giá cả và các tệ nạn ở Sầm Sơn trước đây. Nhưng với ý nghĩ qua những gì báo chí và người dân phản ánh thì du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung đã có những cải cách thay đổi theo chiều hướng tích cực. 
Chúng tôi đồng ý đi dạo một vòng bãi biển bằng xích lô và đã mặc cả trước với họ là 20.000 đồng/ vòng và họ đồng ý với mức giá như vậy. Nhưng khi đi được khoảng 50m, người lái xe bắt đầu đếm 1,2,3,4,…

Chúng tôi hỏi anh đếm gì vậy. Người lái xe trả lời tôi đếm xem bao nhiêu vòng của ngã rẽ trên đường… Chúng tôi bắt đầu cảm thấy có dấu hiệu bất thường liền bảo nhau xuống xe không đi nữa.

Nhưng người đạp xích lô còn đạp nhanh hơn làm chúng tôi không thể xuống ngay được. Cuối cùng chúng tôi cương quyết đòi xuống thì người xích lô mới để chúng tôi xuống.

Tôi rút tiền và trả 20.000 đồng như đã thỏa thuận. Mặc dù mới đi được 120m, người xích lô kêu chúng tôi trả vậy là thiếu tiền. Anh ta nói, từ lúc khởi hành đến giờ anh ta đếm được 6 vòng tức là chúng tôi phải trả 120.000 đồng cho mỗi người trên xe, mà trên xe chúng tôi là 3 người tổng cộng là 360.000 đồng.

Chúng tôi phản ứng lại thì không biết từ đâu rất nhiều các lái xe xích lô khác và cả những người lái xe điện cũng xông đến bủa vây chúng tôi và gây căng thẳng đòi chúng tôi phải trả đủ 360.000 đồng bằng không họ sẵn sàng hành hung chúng tôi. 

Bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Nguồn internet)
Bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Nguồn internet)

Trước thái độ cướp ngày trắng trợn và có tổ chức của những kẻ lưu manh như vậy chúng tôi rất mong có thể gặp hoặc liên lạc với ban an ninh khu vực tại đó nhưng điều như vậy đã không xảy ra. Thật khủng khiếp và đáng khinh bỉ cho những hành động thu tiền, chặt chém trắng trợn, kẻ vừa chửi vừa dọa đánh…

Và điều chúng tôi cảm thấy thất vọng nhất đó là mọi ánh mắt của những người dân bản địa. Dường như đối với họ, đó là chuyện hết sức bình thường không những không quan tâm đúng sai mà còn sẵn sàng vào hùa với những người đó. 

Tôi không biết phải nói sao cho hết những phẫn nộ và thất vọng của những người đã gặp phải trường hợp tương tự như chúng tôi. Chỉ những người đã từng bị ăn quỵt, đã từng bị chặt chém ở biển Sầm Sơn mới thấu hiểu được cảm giác này.

Tất nhiên, tôi không có ý nói tất cả mọi người làm du lịch ở đây đều như thế, nhưng phải thừa nhận là rất nhiều những trường hợp tương tự và chặt chém khách du lịch, những câu chuyện như tôi gặp phải nó diễn ra hàng ngày ở đây.

Qua đây, tôi cũng chỉ muốn nói lên chút cảm nhận của mình khi nhắc đến những nỗi lòng và sự bức xúc của du khách đối với nạn chặt chém ở Sầm Sơn mang lại. Ngay sau sự việc đó, đi được nửa đoàn chúng tôi quyết định đổi chuyến du lịch vào Cửa Lò, còn một nửa ở lại. Nhưng chỉ qua đêm đầu tiên vào Cửa Lò thì nửa đoàn ở lại Sầm Sơn đã phải chịu thêm bao nhiêu điều phiền toái ở đó. Ngay sáng sớm của ngày tiếp theo họ cũng bỏ Sầm Sơn không chút tiếc nuối.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Độc giả Trung Kiên