Nạn chặt chém ở Sầm Sơn: "Các cơ quan quản lý du lịch đang có vấn đề?"

25/07/2012 07:37
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -“Biển Sầm Sơn - Thanh hóa là địa phương mạnh về tài nguyên du lịch mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng Sầm Sơn lại trở thành nơi “một đi không trở lại” của khách du lịch vì vấn nạn chặt chém. Nếu cứ đà quản lý và chỉ nghĩ về hôm nay thu được gì thì trước sau du lịch Sầm Sơn cũng chỉ tồn tại chứ không thể phát triển được...”. Chia sẻ của độc giả Hoài Đức.
Báo Giáo dục Việt Nam vừa đăng tải loạt bài phản ánh về tình hình phục vụ cũng như nạn chặt chém khách tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa thì cũng đồng thời nhận được hàng loạt ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Như một số bài viết đã đăng tải, ở bài viết này tòa soạn cũng xin trích dẫn những chia sẻ của độc giả về khu du lịch mà cứ mỗi lần nhắc đến người ta lại lên án gay gắt và ngao ngán lòng...

“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”

Đó có lẽ là phương châm trong hoạt động làm du lịch của một bộ phận người tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa theo lời nhận xét của phần lớn độc giả. Sau khi câu chuyện của chị Thu - một khách du lịch bị chặt chém khi nghỉ mát ở khu du lịch này được đăng tải trên mặt báo thì hàng ngày tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả.

Nạn chặt chém ở đây đã ngang nhiên xảy ra cả chục năm trời mà dường như cơ quan chức năng tại đây vẫn chưa bắt tay vào cuộc mạnh tay.

Nạn "chặt chém" khách du lịch vẫn ngang nhiên tung hoành tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Nạn "chặt chém" khách du lịch vẫn ngang nhiên tung hoành tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.

“Tôi là khách du lịch cũng từng rơi vào hoàn cảnh giống như đoàn của chị Thu, và rất nhiều người từng bị như vậy. Sau bao nhiêu kiến nghị, phản ánh nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và kéo dài trong nhiều năm.

Cách phản ứng của tôi là không bao giờ đi nghỉ mát ở biển Sầm Sơn, kêu gọi mọi người tẩy chay không đi nghỉ ở biển Sầm Sơn nữa để những người làm du lịch ở biển Sầm Sơn phải nhìn lại cách làm của mình. Như vậy là cách tốt nhất để phản ứng lại những địa điểm du lịch làm ăn theo kiểu chụp giật”- độc giả Trần Mạnh Hùng chia sẻ. 

Độc giả ở địa chỉ email mantl@... cho biết: “Thành nhà Hồ vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới và Thanh Hóa đang ra sức quảng bá để thu hút khách du lịch. Nhưng thử hỏi với những gì đã và đang diễn ra ở Sầm Sơn thì liệu có ai còn dám đến Sầm Sơn - Thanh Hóa du lịch nữa hay không?”. Sầm Sơn là một bãi biển đẹp của Thanh Hóa với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thành nhà Hồ, hòn Trống Mái, đền Đồng Cước,… Tuy nhiên giờ đây, thay vì những cái tên địa danh đẹp ấy người ta lại biết đến Sầm Sơn nhiều hơn với kiểu làm du lịch chặt chém “có một không hai”. Là một khách du lịch đã từng nếm dịch vụ chặt chém ở Sầm Sơn, độc giả ở địa chỉ email ndhaohn@... chia sẻ: “Biển Sầm Sơn là một bãi tắm đẹp ở miền Bắc là một địa điểm có khoảng cách vừa phải và hợp lý để đi bằng đường bộ đến với biển cho những người ở thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, nói đến phong cách phục vụ của những người làm du lịch ở đó thì quả thật tôi không biết dùng từ gì để mô tả về họ vì đó toàn là những dịch vụ chặt chém rất kinh khủng.
Tôi tin rằng cảm nhận này không chỉ riêng tôi mà là của rất nhiều người từng đến đó và một thực tế là nhiều người có ấn tượng rất không tốt với kiểu làm dịch vụ du lịch thế này.

Vẫn biết rằng không phải ai ở Sầm Sơn cũng vậy nhưng chỉ một bộ phận nhỏ đó thôi đã làm mất mặt cả một khu du lịch nổi tiếng. Câu hỏi đặt ra là những người Sầm Sơn phải làm gì để bỏ được tiếng xấu này, lãnh đạo các ngành, các cấp ở Thanh Hoá phải làm gì để thu hút mọi người đến với Thanh Hoá đó là nguồn thu không nhỏ của họ (không như một bộ phận chủ kinh doanh ở Sầm Sơn nói "Tao cũng chỉ cần chém mày một lần thôi").

Từ lâu rồi và sẽ còn rất lâu nữa tôi mới cân nhắc xem có nên đi tắm biển ở Sầm Sơn hay không. Tốt nhất là cứ đến Cửa Lò, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, những nơi đó con người thật dễ chịu, thân thiện và hiếu khách, đi nghỉ chẳng phải lo đối phó với con người”.
“Cơ quan chủ quản Thanh Hóa ở đâu?”

Bị chặt chém vô tội vạ mà không biết kêu ai. “Cơ quan chủ quản Thanh Hóa ở đâu?” là câu hỏi chung của không ít độc giả giống như suy nghĩ của độc giả Nguyễn Như Lan: “Mình chưa đi Sầm Sơn, Thanh Hóa bao giờ nhưng search mạng xem thông tin toàn là thấy chặt chém, lừa đảo rồi mắng chửi.

Thế này ai mời đi cũng "cạch". Các cơ quan quản lý đang ở đâu?, họ có biết những thông tin này không nhỉ. Mình đồ rằng là biết vì thời buổi này, thông tin báo chí, internet cập nhật đến tận giường ngủ cơ mà. Nếu biết mà vẫn không hành động quyết liệt thì thật không hiểu được họ đang nghĩ gì?”. 
Độc giả Thành Vinh tại Nghệ An bày tỏ: “Tôi không phải là người Thanh Hóa, cũng không nghĩ 100% người phục vụ ở Sầm Sơn đều "chặt chém". Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng đồng loã hoặc buông xuôi mà không quản lý nổi thì sẽ vắng bóng dần khách du lịch. Nhiều nơi ngoài việc làm công tác phục vụ du lịch tốt, người ta còn tuyên truyền quảng bá rầm rộ. Đằng này... Nên nhớ, khi mất khách khó lấy lại lắm, Sầm Sơn ơi!”.

Thành nhà Hồ - di tích lịch sử nổi tiếng của Thanh Hóa. (Ảnh: Nguồn internet)
Thành nhà Hồ - di tích lịch sử nổi tiếng của Thanh Hóa. (Ảnh: Nguồn internet)

Du lịch Sầm Sơn giờ đây đã biến từ nổi tiếng thành tai tiếng. Lãnh đạo khu du lịch biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa liệu có xót xa khi nghĩ đến việc này, có nóng mắt khi đọc những dòng ý kiến đầy bức xúc như dưới đây của độc giả: 
“Tôi nghĩ những người quản lý trực tiếp ở bãi biển này đang có vấn đề trong quản lý, nếu không thì đã không "cố giải thích" cách thu như vậy là đúng với quy định của UBND tỉnh. Hoặc giả, chính từ UBND tỉnh đã ban hành quy định như vậy, nên du khách bức xúc là phải rồi”. 
“Trước đây khi đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, tôi đã chứng kiến những cảnh như thế này và từ đó đến nay tôi đã thề rằng không bao giờ đến biển Sầm Sơn nữa. Qua những thông tin trên, các bạn hãy cẩn thận khi lựa chọn Sầm Sơn làm nơi nghỉ mát, du lịch… Chia sẻ của độc giả Trần Quang Ngọc và độc giả Trần Nam gửi về tòa soạn. Và còn rất nhiều những ý kiến phản hồi tương tự.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY


Hương Trà (tổng hợp)