Từ vụ "tra tấn" học trò ở Thái Nguyên: Con giun xéo lắm cũng oằn

25/07/2012 11:00
Độc giả Trần Hoài Minh
(GDVN) - Có lần, tôi đánh rất đau mà cháu không khóc lóc gì, có khi đánh gẫy cả roi mà cháu cứ... trơ ra. Mọi chuyện lên tới đỉnh điểm khi cháu đe dọa bỏ nhà ra đi, tôi tỏ thái độ mặc kệ và quả thực cháu đã đi thật.
LTS: Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải những thông tin thầy giáo "tra tấn" học trò tại trung tâm dạy thêm kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn thuộc TP. Thái Nguyên. Rất nhiều độc giả đã gửi thư về, chia sẻ những câu chuyện, những băn khoăn cũng như phương pháp trong cách dạy con của mình. Sau đây là những chia sẻ của độc giả Trần Hoài Minh.

Tôi là giáo viên dạy trung học phổ thông. Hàng ngày, tôi lên lớp giảng bài cho rất nhiều học sinh nhưng chính tôi lại không dạy được con trai mình, hiện đang học lớp 6. Cháu rất lì lợm, thích làm mọi chuyện theo ý của mình, ai nói gì cũng không nghe. Tôi hoang mang không hiểu tại sao con mình lại như thế, hay bởi tôi vẫn thường xuyên đánh cháu khi cháu mắc lỗi? Phải chăng bị đòn roi nhiều lần làm cháu “chai sạn” cảm xúc, không biết sợ, dần dẫn tới tình trạng “lì” như vậy.

Vì hoàn cảnh gia đình, chồng tôi đi xuất khẩu lao động, nên từ nhỏ cháu lớn lên thiếu sự quan tâm của bố, chỉ có mình tôi chăm lo cho cháu. Không có người đàn ông trong nhà, cháu đâm ra coi mình là “ông trời”. Mặc nhiên đòi hỏi, làm trái ý của mẹ và lì lợm khi được mẹ dạy đỗ. Công việc của tôi khá bận rộn, ban ngày tôi gặp con trên lớp học, nhưng đó là hai vị trí khác nhau, con sẽ phải gọi tôi bằng “cô”. Con vẫn phải lên bục giảng kiểm tra bài cũ, bị ăn điểm kém, bị quật vào tay, bị "bêu xấu" trước lớp là chuyện bình thường. Vì thế, tôi không có thời gian để cùng chơi và trò chuyện với con. Càng lớn, cháu càng lầm lì, ít nói và khó thích nghi với môi trường xung quanh.>>BẤM ĐÂY XEM CLIP "NỮ SINH" TƯỜNG TRÌNH VIỆC BỊ GIÁO VIÊN "TRA TẤN" TRONG LỚP HỌC
Roi vọt rất có thể sẽ khiến cho con trẻ trở nên lì lợm, đó là điều vô cùng nguy hiểm.
Roi vọt rất có thể sẽ khiến cho con trẻ trở nên lì lợm, đó là điều vô cùng nguy hiểm.
Trong cách dạy con, tôi tuân theo hình thức thưởng - phạt. Nếu ngoan, tôi sẽ thưởng cho cháu những món đồ yêu thích, nếu hư tôi sẽ luôn dùng phương pháp đòn roi. Thậm chí có lần, tôi đánh rất đau mà cháu không khóc lóc gì, có khi đánh gẫy cả roi mà cháu cứ... trơ ra. Mọi chuyện lên tới đỉnh điểm khi cháu đe dọa bỏ nhà ra đi, tôi tỏ thái độ mặc kệ và quả thực cháu đã đi thật. Lúc đó, tôi thực sự hoang mang và hoảng sợ. Thật may mắn khi con chỉ đến nhà một người bạn ở nhờ qua ngày mà thôi. Nhưng mỗi lần con bỏ đi như vậy, tôi cảm thấy bất lực. Tôi đã khóc. Khóc rất nhiều mà không hiểu vì sao con lại hành xử như vậy. Tôi luôn tự hỏi: Mình đã làm tất cả những gì tốt đẹp nhất có thể cho con, nhưng vì sao con không nhận ra điều ấy?

Con hư dẫn đến gia đình tôi trở nên lục đục. Những trận khẩu chiến diễn ra mỗi khi vợ chồng tôi liên lạc qua điện thoại. Vừa tủi thân, vừa giận dữ khiến tôi trở nên chán nản. Đến khi chồng tôi nói, hãy xem lại cách dạy con của tôi, bởi chính cách đó góp phần khiến cháu lì lợm như ngày hôm nay thì tôi đã suy ngẫm lại. Tôi giật mình nhận ra rằng, mình đã áp đặt con nhiều quá.

Tôi bàng hoàng vì tuổi thơ của mình cũng đã trải qua những ngày tháng giống con bây giờ. Bố tôi gia trưởng và luôn muốn chúng tôi phải tuân lời ông. Điều ông nói luôn phải được hiểu là đúng, và dần dần chúng tôi giống như những cái máy chỉ biết nghe lời. Đôi khi, tôi thấy rằng những điều bố nói chẳng đúng, và có phần cực đoan, hoặc đúng nhưng không còn phù hợp với lứa tuổi của tôi, nhưng tính khí gia trưởng của ông khiến tôi không thể nói ra quan điểm của mình. Và rồi, tôi trở nên u uất, khó tính... cho đến khi tôi gặp được anh - người đã yêu thương và gắn kết cuộc đời với tôi.

Tôi đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với cháu về những mâu thuẫn của hai mẹ con, chia sẻ và góp ý để tìm ra hướng giải quyết. Thế nhưng, cháu vẫn giữ khoảng cách với tôi. Những ngày sau tôi cố gắng bình tĩnh để không nổi nóng với cháu. Bất cứ cháu làm chuyện gì, tôi đều phân tích đúng sai cho cháu hiểu, khuyên răn cháu phải làm như thế nào? Tôi bắt đầu làm quen với facebook và các trang mạng xã hội để đọc thông tin hàng ngày, những chia sẻ, trò chuyện của cháu cùng bạn bè hàng ngày, sẽ biết được phần nào những gì cháu nghĩ. Quá trình này mất khá nhiều thời gian nhưng bù lại, con tôi đã không còn lì lợm, ngang bướng như xưa. Điều đó làm tôi thật hạnh phúc. Thì ra dạy con không phải bằng đòn roi mà còn cả một nghệ thuật.

Qủa thực đúng như thế, đứa trẻ càng bị đánh nhiều thì càng hung tợn, lì lợm, càng hay nói dối, phản bội và càng khinh miệt người yếu hơn mình. Đứa trẻ luôn làm những điều ngược lại điều đã được dạy dỗ ngay sau khi bị đòn roi. Tuy mẹ là giáo viên, nhưng ở trường cháu vẫn thường xuyên nói chuyện riêng trong lớp, bắt nạt bạn gái và về nhà thì chống đối mẹ. Những lần bị đánh quá nhiều sẽ sinh ra sự lỳ lợm, nhân cách bị lệch lạc dẫn đến việc cháu sẽ khó lòng phân biệt được đúng sai.

Hơn nữa, những hành động tôi “bêu xấu” cháu trước mặt học sinh, hàng xóm khiến cho con cảm thấy bị xúc phạm, lòng tự trọng bị tổn thương. Trong lúc đó con có thể sợ hãi, nhưng ngay sau đó lại ngấm ngầm chống đối tôi. Cháu dần dần không muốn cố gắng trong học tập. Vì thế, trong thời gian đó con tôi trở thành một trong những học sinh yếu kém trong cả lớp. Tôi thấm thía câu nói "con giun xéo lắm cũng oằn".

Đến bây giờ thì tôi đã hiểu, cần giáo dục con bằng tình yêu thương, phân tích giảng giải cho con hiểu những lỗi lầm của mình chứ không phải bằng “sự yêu thương” của đòn roi.>>BẤM ĐÂY XEM CLIP "NỮ SINH" TƯỜNG TRÌNH VIỆC BỊ GIÁO VIÊN "TRA TẤN" TRONG LỚP HỌC
Độc giả Trần Hoài Minh