Lời tâm sự của một chú voọc gửi đến loài người

25/07/2012 07:47
Tâm An
(GDVN) - "Những hành động tàn nhẫn, ghê rợn của con người đối với loài voọc và các loài động vật khác đã và đang đẩy chúng tôi đến gần hơn với cuốn 'sách đỏ', phải rời xa người mẹ thiên nhiên bao la..."
Thân gửi loài người! 
Tôi xin được tự giới thiệu, tôi là một chú voọc. Tôi chắc nhiều người đang thắc mắc, sao voọc lại có thể viết được lá thư này? Đó là nhờ một người bạn tốt bụng đã nghe được những lời than thở đến cùng cực nên đã viết và gửi đi giúp cho chúng tôi. Còn nhớ những năm tháng xa xưa, khi đó còn người còn sống chan hòa với người mẹ tự nhiên. Họ chỉ săn bắt những động vật to lớn còn chúng tôi được "tha" cho phép sống đến thời điểm này.
Hình ảnh thân thương của khỉ mẹ và khỉ con (Ảnh : Internet)
Hình ảnh thân thương của khỉ mẹ và khỉ con (Ảnh : Internet)
Nhưng rồi trí óc, sự tiến hóa của con người ngày càng đi xa hơn thì những sự tham lam, thèm khát "chinh phục, tàn phá người mẹ thiên nhiên" lại càng được bộc lộ rõ ràng hơn. Những con thú lớn dần dần cạn kiệt đi theo năm tháng thì họ chuyển sang săn bắt cả chúng tôi, các con thú nhỏ hơn.
Dù rằng, chúng tôi có được cái danh là có họ gần với loài người thì cũng không thoát được cái nòng súng, miệng lưới và những loại bẫy ghê rợn khác... Nhắc đến đây, trong tâm tôi lại ùa ra những hình ảnh đáng "hận" hơn đáng nhớ về hình ảnh của người mẹ quá cố đã phải lìa đời cũng chính vì lòng tham của con người. Từng chi tiết của cái ngày u ám hôm đó vẫn đọng nguyên trong tâm trí của tôi. Như một thông lệ, buổi chiều đẹp trời hôm đó, tôi được mẹ bồng ra phiến đá phía bìa rừng cho bú sữa. Những giọt sữa trắng ngần, thấm đượm tình thương vô vàn của mẹ đã nuôi sống biết bao nhiêu các anh em của tôi và giờ đây là tôi. Tôi thầm cảm ơn mẹ, một người mẹ vĩ đại, đã không quản nắng, mưa, gió, bão để đi kiếm từng thứ quả ngon về để nuôi tôi. Được sống bên mẹ, bên những anh em, cô bác khác thật là hạnh phúc biết bao. Tôi cũng biết, tôi sẽ lớn, sẽ phải rời xa mẹ, rời xa mái ấm thân thương này, nhưng quả thật, tôi đã không thể nào ngờ, sự rời xa đó, lại nhanh đến như vậy. Cái chết đã đến với mẹ ngay trên bàn tay của tôi. Mẹ rú lên một tiếng vang vọng cả núi rừng, rồi ngã gục với đôi mắt chăm chăm nhìn tôi.  Trên cái lưng đầy máu me bê bết, tôi vẫn nhìn thấy rõ những viên đạn găm thật sâu. Những giọt máu từ cơ thể mẹ vẫn rỉ ra và thấm đẫm sang cả tôi. Sức yếu, non nớt, tôi chỉ còn biết nghiến răng ken két khi những kẻ thợ săn máu lạnh, chẳng mảy may có chút lòng thương cảm với súng ống lăm le kéo đến thu lượm xác của mẹ tôi và bắt tôi cùng không ít đồng loại khác đi. Trong chiếc cũi sắt lạnh lẽo, cùng chiếc thòng lọng trên cổ, tôi đã bị "ép" phải chứng kiến những hình ảnh kinh hãi mà chỉ khi nào chết đi mới có thể quên được. 
Hình ảnh con voọc quý hiếm bị giết và hành hạ dã man.
Hình ảnh con voọc quý hiếm bị giết và hành hạ dã man.

Thực sự, có còn đau đớn nào hơn, khi phải thấy cái cảnh mẹ mình, đồng loại mình bị giết, bị làm thịt. Sau những nhát gõ thật mạnh, những tiếng kêu thất thanh đến tuyệt vọng, là dòng máu đỏ tuôn trào, một cuộc đời voọc vô tội lại ra đi... Những tiếng kêu rú của mẹ, của những đồng loại khác trước khi ngã ngục xuống vẫn cứ vang vọng, chẳng khác nào một hình thức tra tấn dã man, tàn bạo dành cho một chú voọc con như tôi. Không những thể, một vài kẻ còn sung sướng giơ những bộ xác vô hồn đó lên cười sung sướng, tung tẩy, cùng chụp ảnh, cùng khoe như thể đây là một chiến tích của sự dũng cảm đến ghê rợn. Trên cái đĩa bốc hương nghi ngút kia có phải chăng là thịt của các anh chị và cha mẹ, dòng tộc của tôi kia? Nhìn họ ăn đồng loại của tôi một cách ngon lành, mà thấy thật kinh tởm, “rợn tóc gáy”. Đằng sau đó, những đống xương tuỷ của chúng tôi lại tiếp tục được giao đi để làm cao. May mắn cho tôi, sau đó đã được những con người còn lương tri giải cứu và trả về tự nhiên. Thế nhưng, rừng ngày nay hoàn toàn khác xa rừng ngày xưa... Ngày đêm tiếng máy cưa, tiếng máy móc làm việc không ngừng. Những chiếc xe tải đi trên đường, bụi bay mịt mù, bám vào lá cây, bọn voọc chúng tôi ở trên cây dơ dáy, bê bối trông đến tội nghiệp. Rừng bị chặt phá vô tội vạ. Rừng khi xưa bạt ngàn giờ đây là một bãi đất trống huơ trống hoác. Chẳng còn cây mà đu mà sống, chẳng còn hoa quả để ăn, thật chẳng còn gì khổ hơn cho chúng tôi. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành di chuyển đến khu vực mới hơn để sinh sống. Nhưng di chuyển mãi thì cuối cũng vẫn bị biến "làm mồi" để cho con người tha hồ hành hạ. Có ai thấu hiểu được nỗi lòng của chúng tôi đây? Sự tận diệt của con người đã khiến cho môi trường sinh sống của chúng tôi trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Một thực tế phũ phàng từ những hành động dã man, tàn nhẫn, ghê rợn của con người đã khiến cho số lượng của loài chúng tôi và không ít loài khác đang có nguy cơ "được" ghi danh vào "sách đỏ". Thử ngẫm nghĩ thì những thiên tai xuất phát nhiều trong thời gian qua tựu chung lại đều xuất phát từ những hành động vô ý thức của con người các bạn: săn bắn, khai thác bừa bãi động vật quý hiếm và tài nguyên thiên nhiên, xả rác và khí thải ô nhiễm ra môi trường... Những điều đó, đã làm mất đi sự cân bằng sinh thái có được từ hàng triệu năm qua. Dù rằng tôi rất căm phẫn những gì loài người đã gây ra cho giống, loài của chúng tôi nhưng tôi biết, trong số các bạn vẫn có những con người còn lương tri, còn có tâm với việc bảo vệ các loài, bảo vệ người mẹ tự nhiên bao la của chúng ta. Tôi biết, rất có thể, sau này tôi cũng sẽ rơi vào bẫy, lưới, thậm chí "ăn" đạn của những người đi săn máu lạnh, những kẻ sống tất cả vì tiền... Nên qua những lời ở đây, tôi thực sự rất mong muốn gửi tới các bạn, những người còn lương tri hãy cùng đồng lòng, góp sức, bằng hành động thực tế chống lại những hành động tận diệt, tàn ác của một số người đối với chúng tôi và muôn loài khác. Chúng tôi không muốn vào "sách đỏ", không muốn phải dời xa người mẹ thiên nhiên bao la....
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về lên án nạn săn bắt và giết hại động vật hoang dã theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Tâm An