Trung Quốc đang đẩy căng thẳng biển Đông đến bờ vực xung đột

25/07/2012 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - “Nếu không có một sự đồng thuận về một cơ chế giải quyết, căng thẳng trên biển Đông rất dễ leo thang trở thành một cuộc xung đột vũ trang”
Căng thẳng biển Đông có thể leo thang thành một xung đột với những động thái leo thang bất chấp công luận, phá vỡ hệ thống nguyên tắc luật pháp và thông lệ quốc tế sau những gì Trung Quốc đã và đang gây ra thời gian qua.

Trung Quốc tổ chức cái gọi là ra mắt lãnh đạo "thành phố Tam Sa" hay còn gọi là "bộ máy cai trị biển Đông" một cách trắng trợn, bất chấp mọi nguyên tắc luật pháp quốc tế
Trung Quốc tổ chức cái gọi là ra mắt lãnh đạo "thành phố Tam Sa" hay còn gọi là "bộ máy cai trị biển Đông" một cách trắng trợn, bất chấp mọi nguyên tắc luật pháp quốc tế

Triển vọng giải quyết tranh chấp lãnh hải trên biển Đông dường như bị “thu nhỏ lại” sau thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN về việc đưa ra bản Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) có tính ràng buộc, chi phối hoạt động của các bên liên quan.

Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) vừa đưa ra những nhận định trên sau động thái thành lập hệ thống chính quyền và chính thức ra mắt cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà phía Trung Quốc dàn dựng và biểu diễn.

Nếu không có một sự đồng thuận về một cơ chế giải quyết, căng thẳng trên biển Đông rất dễ leo thang trở thành một cuộc xung đột vũ trang”, Giám đốc chương trình ICG châu Á, ông Paul Quinn Judge cho hay.

Chuyên gia Paul Quinn Judge, Giám đốc chương trình ICG châu Á
Chuyên gia Paul Quinn Judge, Giám đốc chương trình ICG châu Á

Theo chuyên gia này, chính vì ASEAN không tạo thành được một bản quy chế có tính ràng buộc, gắn kết các chính sách, các khiếu nại tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Đông sẽ không thể được thi hành trong khi Bắc Kinh (ngông cuồng) đòi hỏi 90% diện tích biển Đông là của mình.

Trong lịch sử, khu vực biển Đông đã không ít lần dậy sóng bởi những hành động leo thang từ phía Trung Quốc. Căng thẳng bắt đầu quay trở lại từ hồi giữa năm ngoái khi Philippines và Việt Nam lên án Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong các tuyên bố về biển Đông.

Ngày 10/4 vừa qua là một mốc thời gian quan trọng đánh dấu bước leo tháng mới của Trung Quốc với cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh trên bãi cạn Scarborough trong hơn 2 tháng ròng rã liên tục.

Và Trung Quốc trong tuần này đã gây ra sự tức giận hơn nữa đối với khắp các bên trong khu vực biển Đông khi thông báo nước này đã lập kế hoạch để xây dựng một đơn vị quân sự cấp sư đoàn đồn trú (trái phép, vô hiệu) trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

4 tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là tuần tra, diễn tập trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia
4 tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là tuần tra, diễn tập trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia 

Nhiều nhà ngoại giao, giới học giả, phân tích quốc tế đều quy trách nhiệm về sự đổ vỡ vừa rồi của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cho nước chủ nhà Campuchia với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN. Chỉ vì tìm cách bảo vệ lợi ích (phi pháp, phi lý) của Trung Quốc mà đã gây ra sự rạn nứt trong quan hệ nội khối lần đầu tiên trong lịch sử khu vực.

ICG đã đưa ra một bản báo cáo đánh giá vào hôm qua, thứ Ba ngày 24/7 cho rằng Trung Quốc đã “tìm mọi cách khai thác” những chia rẽ trong ASEAN bằng cách cung cấp ưu đãi cho các thành viên của khối, đổi lại các thành viên này  sẽ hỗ trợ những đòi hỏi của Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông.

“Chính sự thiếu thống nhất giữa các bên tranh chấp - đối thủ của Trung Quốc cùng với sự yếu kém của các khuôn khổ đa phương trong khu vực đã cản trở việc tìm kiếm một giải pháp cho biển Đông”, báo cáo ICG cho hay.

Cũng trong bản  báo cáo này, ICG nhận định rằng Trung Quốc và các bên tranh chấp đã tiếp tục mở rộng sức mạnh hải quân để bảo vệ bờ biển một phần là do áp lực chính trị trong nước, nhất là yếu tố chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng, điều đó có thể dẫn tới một sự cố leo thang mới.

ICG cũng đưa ra một giải pháp nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng trên biển Đông, đó là các bên cùng hợp tác khai thác tài nguyên, chủ yếu là dầu khí.

Trung Quốc đã chuẩn bị dàn khoan lớn, tàu lọc dầu lớn chưa từng có, tàu cá "khủng" đưa ra biển Đông là một chủ định tính toán từ trước nhằm tranh thủ vơ vét tài nguyên giữa lúc tranh tối tranh sáng
Trung Quốc đã chuẩn bị dàn khoan lớn, tàu lọc dầu lớn chưa từng có, tàu cá "khủng" đưa ra biển Đông là một chủ định tính toán từ trước nhằm tranh thủ vơ vét tài nguyên giữa lúc tranh tối tranh sáng

Nhưng gần như ngay lập tức, ICG cũng khẳng định khả năng này là rất mong manh sau những động thái vừa rồi của Trung Quốc. Chính sự thất bại của hiệp định hợp tác thăm dò địa chấn ba bên trên biển Đông gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam bị phá vỡ trong năm 2008 là một minh chứng.

Trước tình hình đó, không chỉ Việt Nam mà ngay cả Philippines cũng vô cùng phẫn nộ trước những động thái leo thang của Trung Quốc. Manila đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đến để phản đối.

Đồng thời, trong bài phát biểu về tình hình phát triển đất nước trước Quốc hội Philippines ngày 23/7, Tổng thống Aquino một lần nữa khẳng định, Philippines sẽ đấu tranh đến cùng trước âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Mặc dù nhấn mạnh một giải pháp ngoại giao, nhưng Tổng thống Philippines cũng cho biết trọng tâm của chính phủ thời gian tới là nâng cao năng lực quốc phòng, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ và chung sức với chính phủ trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc như thời gian vừa qua.

Tổng thống Philippines Aquino phát biểu trước Quốc hội hôm 23/7
Tổng thống Philippines Aquino phát biểu trước Quốc hội hôm 23/7

Nhà kinh tế học, Nghị sĩ, Tiến sĩ Walden Bello đảng Akbayan và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Philippines cho rằng, để giải quyết vấn đề biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn không hề dễ, Philippines sẽ không chỉ nắm lấy một cơ hội mà sẽ kết hợp giữa ngoại giao và khả năng quân sự, nhưng nhấn mạnh về các giải pháp ngoại giao.

Đánh giá vai trò của Mỹ trong chiến lược củng cố  năng lực quốc phòng của Philippines và những nỗ lực đấu tranh với âm mưu Bắc Kinh muốn độc chiếm biển Đông, Tiến sĩ Walden Bello cho rằng Mỹ đóng vai trò quan trọng trong chính sách phòng thủ của Manila, nhưng không phải vị trí thống lĩnh, ít nhất trong thời gian này.

Nội các Philippines thống nhất quan điểm không lấy Mỹ làm đối trọng để đối đầu với Trung Quốc bởi một khi làm như vậy thì những vụ tranh chấp lãnh thổ trong khu vực trở thành một cuộc xung đột giữa các siêu cường.

Lãnh đạo Philippines trước hết nhấn mạnh vào năng lực tự thân, tự lực cánh sinh, thứ hai là đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ với các nước láng giềng trong việc đối phó với âm mưu của Trung Quốc.

Tiến sỹ Walden Bello
Tiến sỹ Walden Bello

Về những thất bại vừa rồi của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN khi Campuchia tìm mọi cách cản trở đưa vấn đề nội dung vào Tuyên bố chung của hội nghị, rất nhiều người cảm thấy thất vọng, Tiến sĩ Walden Bello cho biết, ông cũng thất vọng, nhưng Philippines không từ bỏ hy vọng.

Để đối phó với âm mưu của Trung Quốc muốn biến biển Đông thành ao nhà, hơn lúc nào hết, các bên liên quan cần đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trong ngôi nhà chung ASEAN, chí ít là thống nhất được quan điểm về nguyên tắc xử lý vấn đề tranh chấp biển Đông thông qua đối thoại, không sử dụng vũ lực.

Rõ ràng là những phát ngôn mang tính chất kích động, hiếu chiến của một nhóm học giả diều hâu Trung Quốc và những động thái lấn lướt leo thang đang diễn ra trên thực địa khiến các bên lo ngại.

Tuy nhiên, thời điểm này cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc vào cuối năm nay, và các phe phái trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc bằng cách này hay cách khác có gắng tỏ ra cứng rắn trong phát ngôn và hành động để tranh thủ phiếu bầu cũng là điều dễ hiểu.

Những viên tướng hiếu chiến, học giả "diều hâu" như La Viện tự nhận (giữa), Kiều Lương (trái) và Kim Nhất Nam (phải) liên tục tung bài cổ súy chiến tranh phải chăng là một ngón "đòn gió" trong các phe phái lãnh đạo ở Trung Quốc tung ra thời gian qua với không dưới 1 mục đích?
Những viên tướng hiếu chiến, học giả "diều hâu" như La Viện tự nhận (giữa), Kiều Lương (trái) và Kim Nhất Nam (phải) liên tục tung bài cổ súy chiến tranh phải chăng là một ngón "đòn gió" trong các phe phái lãnh đạo ở Trung Quốc tung ra thời gian qua với không dưới 1 mục đích?

Sau khi chuyển đổi xong thế hệ lãnh đạo, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với vấn đề biển Đông. Giới lãnh đạo Trung Quốc xưa nay vẫn rất rất khôn khéo và nguy hiểm trong việc sử dụng truyền thông, dư luận để tạo làn sóng tâm lý áp đảo đối phương.
Việc họ tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đi theo đó là 1 bộ máy hành chính, tất nhiên các bên liên quan cần phản đối mạnh mẽ thông qua đường ngoại giao, nhưng phải nỗ lực hết sức kiểm soát tình hình, không để bùng lên một cuộc đối đầu quân sự trên biển Đông.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm đặc biệt đến biển Đông và Trung Quốc là 1 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 1 nước thành viên phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 và luôn tuyên bố chiến lược phát triển “trỗi dậy hòa bình”, việc Bắc Kinh hùng hổ chủ động gây chiến với các bên liên quan sẽ khó xảy ra.

Tuy nhiên, cũng phải luôn đề cao cảnh giác, có biện pháp đối phó kiên quyết, mềm dẻo, hiệu quả đối với những sự vụ nhỏ lẻ mà Bắc Kinh cố tình gây ra trên biển Đông như căng thẳng trên bãi cạn Scarborough, đưa 30 tàu cá ra Trường Sa đánh bắt trái phép, tuyên bố mời thầu phi pháp 9 lô trong thềm lục địa Việt Nam hay những tuyên bố về hoạt động của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Cần phải lên tiếng rộng rãi, mạnh mẽ, kiên quyết, đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất, đoàn kết nội khối giữa các bên tranh chấp và ASEAN, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các bên thứ 3 trong vấn đề biển Đông. 

Thông thường, trước thềm mỗi hội nghị, diễn dàn quan trọng có thể đề cập tới biển Đông, Trung Quốc đều leo thang trên thực địa. Các bên cần hết sức lưu ý, đồng thời tố cáo mạnh mẽ và vạch trần những ngón đòn thâm hiểm đó của Bắc Kinh và âm mưu lâu dài, xuyên suốt muốn độc chiếm biển Đông thành ao nhà.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!


Hồng Thủy