Quan chức Quốc hội phản đối cách dạy "tra tấn" học sinh

27/07/2012 06:55
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Dù có chuyện phụ huynh học sinh đồng tình nhưng quan niệm ấy là không đúng và trái với phương pháp sư phạm, phản giáo dục”.
>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn

Những ngày vừa qua, sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải clip thầy giáo dùng roi mây đánh học trò tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn ở TP. Thái Nguyên, đã có nhiều ý kiến về phương pháp dạy học này.

Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ thì có không ít người cho rằng, cách dạy đó là không thể chấp nhận. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS, TS. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

GS. Đào Trọng Thi: Phương pháp dạy học ấy là phản giáo dục
GS. Đào Trọng Thi: Phương pháp dạy học ấy là phản giáo dục

Nói về phương pháp dạy học này, GS Đào Trọng Thi nói: “Tôi thấy trung tâm dạy thêm này lạ nhưng đáng tiếc cái sự lạ đó lại không đúng. Tôi không đồng tình với kiểu dạy học sinh như vậy bởi đánh học sinh không phải là một phương pháp giáo dục hiệu quả”. 

Khi được hỏi về thông tin được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng nói đến việc các vị phụ huynh và các học sinh ủng hộ cách dạy học này, ông Thi cho biết: “Dù có chuyện phụ huynh học sinh đồng tình nhưng quan niệm ấy là không đúng và trái với phương pháp sư phạm, phản giáo dục.

Có thể các phụ huynh đó nhận thức không đúng và mục tiêu của họ rất ngắn, chỉ dừng lại ở việc con cái chăm chỉ học hơn, điểm cao hơn mà không biết việc hành hạ các em như vậy không đem lại hiệu quả như phụ huynh hiểu. Thậm chí nhiều học sinh cũng không hiểu hết tác hại của biện pháp giáo dục đó. Và trong một chừng mực nào đó, trung tâm này đã đạt được mục tiêu giáo dục của mình: học sinh làm nhiều bài tập hơn, điểm số cao hơn”. 

"Trong công tác giáo dục toàn diện nhân cách của học sinh thì việc đánh học sinh là hoàn toàn không có lợi".
"Trong công tác giáo dục toàn diện nhân cách của học sinh thì việc đánh học sinh là hoàn toàn không có lợi". 

GS Thi tiếp tục phân tích: “Biện pháp mang tính chất áp đặt và bạo lực ấy có những tác dụng nhất định trong việc buộc học sinh vào kỷ luật và buộc học sinh không phạm phải một số sai lầm có tác động đến kết quả của học sinh. Nhưng chúng ta đặt ra một vấn đề trong công tác giáo dục toàn diện nhân cách của học sinh thì việc đánh học sinh là hoàn toàn không có lợi.

Vụ

Vụ "tra tấn" học trò: Chép bài khi thầy "chưa cho phép" cũng bị đánh

Clip: Rùng mình, giáo viên ở Thái Nguyên kể chuyện

Clip: Rùng mình, giáo viên ở Thái Nguyên kể chuyện "tra tấn" học trò

Xem clip con bị “tra tấn” ở Thái Nguyên, phụ huynh đòi “xử” giáo viên

Xem clip con bị “tra tấn” ở Thái Nguyên, phụ huynh đòi “xử” giáo viên

Nếu làm như vậy, chúng ta chỉ có một chút lợi trước mắt trong việc buộc học sinh phải học và tuân theo kỷ luật hơn nhưng sự áp đặt đó về lâu dài sẽ không có lợi cho việc phát triển nhân cách của học sinh. Cái mất mát mà chúng ta chưa nhìn thấy từ cách giáo dục như vậy ở phía sau.
 
Hậu quả của phương pháp này là học sinh chịu áp lực phải học và như vậy về cơ bản sẽ không phát huy hết tác dụng. Phương pháp này không giúp học sinh đạt đến độ hăng say học tập, yêu mến thầy cô.

Áp đặt như vậy có thể có những tác dụng trước mắt, đạt được mục tiêu ngắn hạn nhưng cái quan trọng hơn là ở đây chúng ta đang dạy học sinh chứ không phải chỉ để bắt học sinh chăm học bài. Chúng ta còn giáo dục nhân cách và sự phát triển toàn diện của học sinh. Mục tiêu của chúng ta đâu chỉ có việc điểm số của học sinh cao hơn?

Việc các em học sinh chăm học lên một chút và có kết quả học tập khá hơn một chút là cần thiết nhưng là quá ít so với mục tiêu giáo dục mà chúng ta cần đạt đến: giáo dục toàn diện, giúp cho học sinh tiến xa hơn và nhân văn hơn.

Không loại trừ khả năng, những học sinh bị hành xử một cách bạo lực như vậy thì sau này cũng sẽ có xu hướng hành xử bạo lực với những người khác kể cả với những người thân. Thêm nữa, học sinh bị đánh có thể sợ người thầy, sợ nhà trường nhưng không yêu mến và có thể còn không kính trọng người thầy đó, ngôi trường đó. Đó chính là sự mất mát nhãn tiền từ phương pháp dạy học bạo lực như vậy.

Quan trọng hơn, sau này, nhân cách của học sinh đó bị méo mó. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực. Rất có thể những học sinh đó lại sử dụng bạo lực với người khác và đề cao biện pháp bạo lực khi có quan hệ với người khác để đạt được mục đích của mình”. 

Nói về một số ý kiến đánh giá cao hiệu quả giáo dục của phương pháp dạy học từ trung tâm này thông qua việc trung tâm có nhiều học sinh có học lực tốt, ông Đào Trọng Thi cho biết: “Không thể phủ nhận được một số hiệu quả ngắn hạn đã đạt được thông qua biện pháp giáo dục như vậy. Nhưng chúng ta cũng cần chú ý là đầu vào của trung tâm này khá cao khi họ tổ chức thi tuyển đầu vào. Và như vậy, một điều gần như hiển nhiên là chất lượng học sinh ở đây được đánh giá là cao.

Xét một cách toàn diện, loại trừ quan niệm giáo dục không đúng, phương pháp không đúng thì chúng ta có thể thấy trung tâm này cũng đã vì kết quả học tập của học sinh mà làm như vậy”. 

GS Đào Trọng Thi kết thúc vấn đề: “Cũng may, đây chỉ là một trung tâm dạy thêm bên ngoài chương trình chính khóa, chứ trong nhà trường và chương trình chính khóa mà dạy theo kiểu này thì tác hại còn lớn hơn rất nhiều”.

>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang