Bài dự thi số 13: Ireland – Nơi tình yêu vẫy gọi.

27/07/2012 06:00
Chu Cẩm Tú
(GDVN) - Học tập tại một trong các thành phố của Ireland  bạn Cẩm Tú có cơ hội  tham gia một chuyến đi cuối tuần, đến tham quan  vùng nông thôn quanh đó. Ireland luôn tự hào có một số bãi biển hoang sơ đẹp nhất Châu Âu khiến bạn nhận ra rằng những nơi thơ  mộng không chỉ có trong mơ.
Tôi có một sở thích và một khả năng đặc biệt là có thể nhớ tất cả quốc kì của tất cả các quốc gia trên thế giới. Từng thấy không ít các lá cờ của hơn 200 đất nước, mỗi lá cờ lại mang một màu sắc, hình dáng, một nét gì đó rất riêng, nhưng không hiểu sao tôi lại có ấn tượng mạnh với quốc kì của Ireland đến vậy. Đơn giản chỉ với 3 màu: xanh, trắng và cam.  Và càng tìm hiểu tôi lại càng bất ngờ hơn khi quốc hoa của Ireland chính là chiếc cỏ ba lá, hay còn được gọi là Shamrock, biểu tượng cho sự may mắn.
>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn Cỏ ba lá này xuất phát từ một vị thánh tên là Patrick, Saint Patrick (St. Patrick). Đây là nhà truyền giáo người Anh gốc La Mã bị bắt làm nô lệ và bán vào Ireland, sau nhiều biến động, ông trốn thoát được và trở thành nhà truyền giáo. Sự cống hiến của ông được người dân Ireland tôn vinh và được Giáo hội ghi nhận. Ông được phong Thánh và đất nước Ireland chọn ngày mất của ông - ngày 17/3 - làm quốc tế: Ngày lễ Thánh Patrick. Và tương truyền lúc sinh thời, ông thường dùng hình ảnh cỏ ba lá để giải thích cho mầu nhiệm "Một Chúa Ba Ngôi": Cha, Con và Thánh Thần. Ngày nay, màu xanh lá cây và hình ảnh cỏ ba lá là đặc trưng của lễ hội Thánh Patrick (và là biểu tượng của Ireland nữa). Nhắc đến Ireland, ta thường nghĩ đến các boyband nổi tiếng từng làm rung động trái tim của hàng triệu người nghe nhạc như U2, Weslife, Boyzone,… âm nhạc của họ, có lúc nổi loạn,có lúc lại nhẹ nhàng, sâu lắng, tựa những cơn sóng, lúc vút lên cao, rồi xô vào bờ, trải dài mãi trên bờ cát trắng… Và tôi có thể khẳng định một điều: âm nhạc luôn là một phần quan trọng của văn hóa Ai Len, từ những bản nhạc truyền thống cho tới các dịp lễ hội dưới hình thức chơi và hát các bản ballad,  khiêu vũ Ai Len – vẫn rất sống động trong các cộng đồng Ai Len khắp thế giới… Chẳng thế mà quốc huy của Ireland là hình ảnh chiếc đàn Harp.
Đàn Harp là nhạc cụ chi phối thời kỳ đầu. Một trong những nhạc sỹ Ireland đầu tiên mà tác phẩm vẫn còn đến ngày nay là Turlough O’Carolan (1670–1738), nghệ sỹ đàn harp khiếm thị và một trong những người cuối cùng của truyền thống thơ cổ. Có thể nói chiếc đàn ấy là một biểu tượng riêng biệt của riêng Ireland. Quốc huy đàn Harp được Chính phủ, các cơ quan trong chính phủ và cơ quan đại diện trong nước và nước ngoài sử dụng. Đàn harp được khắc trên con dấu của Văn phòng Tổng thống cũng như trên mặt trước trên đồng tiền euro của Ireland.
Đến với Ireland, không thể không đặt chân tới sông Liffey. Trong những bức tranh, tấm bưu thiếp và ký ức của mọi người, bờ sông Liffey đã tạo nên mô hình thu nhỏ hoàn hảo của Dublin và huyết mạch thành phố.  Tôi đi lang thang dọc bờ sông vào trung tâm, từ phố OConnell nổi tiếng, một trong những con phố rộng nhất châu Âu (46 – 49km), xuôi xuống con đường rải cuội của khu phố du lịch Temple Bar và viện bảo tàng gần đó. Nhưng nếu đi xa hơn đến cảng Dublin, sẽ tìm thấy một Dublin mới và hiện đại bên bờ sông với nhiều lựa chọn ẩm thực và giải trí trong một không gian đẹp, hợp thời trang. Có thể tìm thấy những gì thuộc về Dublin cổ bị khuất lấp, hòa lẫn trong các khu phố ở bờ bắc và nam, cùng với các tượng đài kỷ niệm gợi nhắc lịch sử giàu có của đất nước và thành phố. Tôi  hòa vào dòng người nhộn nhịp trên phố, nghệ sĩ đường phố kéo đàn, người thì hát, đám khác lại nhảy múa, có cả mấy họa sĩ đang vẽ trên tấm toan lớn trải xuống lòng đường, trẻ em chạy nhảy vui vẻ trên con phố trông thật đáng yêu. Thật nên thơ! Một thành phố mang sự pha trộn rất độc đáo, là sự kết hợp của quá khứ, hiện thực, cổ kính và hiện đại.
Người Dublin tự hào vì Café phố Grafton, coi đó là một điểm cần đến để giới thiệu cho bè bạn, du khách. Bản thân họ cũng thích nhâm nhi ly cà phê, làm một tách trà ở đó sau khi dạo chơi trong phố chính vào những ngày nghỉ cuối tuần. Giá cả phải chăng và những người phục vụ luôn niềm nở, thân thiện, vị trí thì thật thuận tiện. Vậy nên đây là một địa điểm không thể bỏ qua, tôi tìm đến quán café để thỏa mãn trí tò mò. Nơi này rất dễ nhận ra  từ xa bởi tấm bảng hiệu cũ kỹ, nổi tiếng và mặt tiền đặc biệt kiểu Ai Cập. Người vào ra tấp nập, tầng một rộng, trần cao và thoáng, bàn ghế cũ kỹ, lên nước, màu sắc ấm áp. Đây quả thật là một nơi dừng chân tuyệt vời trong chiều đông. Ngó nghiêng tầng 1 xong, tôi rảo bước lên tầng 2, lên “ban công của James Joyce”, lòng không mấy hy vọng tìm được chỗ. Vận may đã mỉm cười với tôi. Có một bàn trống. Từ đây tôi có thể nhìn ra cửa sổ, thử hình dung nhà văn nổi tiếng, niềm tự hào của Dublin đã nghĩ gì qua ly cà phê bốc khói, ngắm “những người Dublin” ngược xuôi dưới con phố được nhắc đến không dưới một lần trong cuốn sách của ông. Cả quán này nữa cũng đã được lưu danh thiên cổ trong tác phẩm bất hủ “Người Dublin”. Đây cũng là điểm tụ hội yêu thích của giới trí thức tinh hoa, các họa sĩ, các tác gia lừng lẫy. Ly cà phê tôi uống có mùi khá lạ, tuy nhiên nó ngọt đến rùng mình, chả còn vị đắng của cà phê và tôi cũng phải đầu hàng, không thể cố được.

Họ Tên: Chu Cẩm Tú
Ngày sinh: 25/10
Địa chỉ: Hà Nội
Email: now_or_never_9876@yahoo.com.vn

Một buổi chiều vào những ngày hè tháng tám, cái màu xám đặc trưng của các nhà thờ Thiên Chúa hay Tin Lành cộng với không khí u ám ngoài trời hoàn toàn trái ngược với cảnh tấp nập trong các hiệu sách to lớn; trong đó sách dành cho văn học chiếm phần lớn diện tích. Tôi có thể cảm nhận được sự tấp nập, hào nhoáng, đúng bản chất của một thành phố hiện đại, nhưng  trên những góc phố ấy  vẫn có chút gì đó yên bình đến lạ. Khi những dòng người cứ tấp nập sau một ngày làm việc, không có nghĩa là Dublin mất đi sự lãng mạn vốn có của nó.  Bản thân Dublin đẹp như những vần thơ của William Butler Yeats. Không có gì ngạc nhiên khi Dublin là nơi sản sinh những cái tên nổi tiếng thế giới, trong đó nổi tiếng nhất là George Bernard Shaw, Oscar Wilde, Yeats, James Joyce,… - những nghệ sĩ đã góp phần làm thay đổi văn học thế giới với những sáng tác được giới phê bình đánh giá như những cột mốc làm cho nghệ thuật trong thi ca, kịch, tiểu thuyết bước sang trang mới. Di sản văn học nơi đây là điều những thành phố khác phải ghen tỵ với 3 nhà văn đạt giải Nobel. Những con người đó đã kiến tạo và thể hiện những phát hiện về ý nghĩa và bản sắc của dân tộc Ireland trong những tác phẩm của họ. Ireland còn được gọi bằng một cái tên khác là Đảo Ngọc do đất nước này nổi tiếng về khung cảnh đầy ấn tượng và các ngọn đồi xanh nhấp nhô,  những cánh đồng bát ngát, tưởng chừng như trải dài vô tận,…. Từ vách Moher, Hạt Clare cho đến Vành đai Kerry ở Bán đảo Iveragh. Nơi đây giúp tôi  thoát khỏi những  guồng quay của cuộc sống vốn chẳng chờ đợi ai.  Học tập tại một trong các thành phố của Ireland  tôi có cơ hội  tham gia một chuyến đi cuối tuần, đến tham quan  vùng nông thôn quanh đó. Ireland cũng tự hào có một số bãi biển hoang  sơ đẹp nhất Châu Âu khiến tôi nhận ra rằng những nơi thơ  mộng không chỉ có trong mơ. Chẳng hiểu tại sao, chân tôi cứ không lỡ rời chốn này, dường như đất nước cỏ ba lá này và tôi lại có một sợi dây liên kết nào đó. Và tôi biết rằng, trong trái tim tôi luôn có một chỗ cho riêng Ireland.>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn

Nhận bài dự thi từ 10/7/2012 đến hết 10/10/2012. BẤM VÀO ĐÂY để gửi bài dự thi Tìm hiểu về đất nước, con người và nền giáo dục Ireland hoặc gửi về địa chỉ mail toasoan@giaoduc.net.vn (Số điện thoại hỗ trợ thông tin: 0904.062258).

Điểm nóng
Ghé thăm quán rượu truyền thống ở Dublin, Ireland Những món ăn truyền thống của người Ireland.
7 lựa chọn trường đại học tại Ai-len Ireland - Bé hạt tiêu và năng lực tư duy toàn cầu.
Bài dự thi số 08: Giấc mơ đợi Godot bên sông Liffey. Huyền thoại về Bia Guinness
Chu Cẩm Tú