Nhật kêu gọi Mỹ bảo vệ trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc

27/07/2012 15:38
Nguyễn Hường (nguồn China Daily)
(GDVN) -  Ông Gemba hôm 24/7 đã khẳng định với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng quần đảo Senkaku nằm trong "phạm vi" Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và an ninh chung Mỹ - Nhật.

Theo China Daily, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba một lần nữa đã lên tiếng kêu gọi Washington thừa nhận nghĩa vụ hỗ trợ nước này trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Theo đó, ông Gemba hôm 24/7 đã khẳng định với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng quần đảo Senkaku nằm trong "phạm vi" Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và an ninh chung Mỹ - Nhật ký kết năm 1960, trong đó Mỹ có trách nhiệm bảo vệ đồng minh thân thiết một khi nổ ra chiến sự tại đây.
Khẳng định của Ngoại trưởng Gemba được đưa ra sau khi hãng tin Kyodo ngày 9/7 dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Washington kiểm soát Senkaku từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 và đã trao trả cho Nhật Bản vào năm 1972. Do đó, quần đảo này thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và an ninh chung Mỹ - Nhật.

Động thái trên của Mỹ và Nhật Bản đã nhanh chóng thu hút sự phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh. 
"Bất kỳ thỏa thuận riêng nào giữa Mỹ và Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2 liên quan tới quần đảo Điếu Ngư đều là bất hợp pháp và không hợp lệ" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố được phát hành ngày 25/7.

Quần đảo Senkaku.
Quần đảo Senkaku.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Gao Hong - một nhà nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, việc lặp lại các tuyên bố của Nhật Bản liên quan tới Điều 5 cho thấy sự thiếu hụt kéo dài trong khả năng thương lượng của Tokyo. Ngoài ra, ông Gao cũng cho rằng nỗ lực trên của Tokyo là khá mong mạnh do Washington sẽ không "dại" gì hy sinh mối quan hệ Mỹ-Trung để bảo vệ Tokyo trong tranh chấp lãnh thổ.
"Mỹ sẽ không dính vào một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc và quan điểm trên của Nhật Bản cũng đã thể hiện sự đặt cược của họ vào khả năng quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ nước này trong tranh chấp chủ quyền" - ông Gao nói thêm.
Và thực tế, Washington cũng đã khéo léo né tránh trách nhiệm của mình đối với quần đảo Senkaku.
"Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của chúng tôi về các vấn đề liên quan tới quần đảo này" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết hôm 16/7.

"Mỹ phải xem xét chiến lược toàn cầu của mình và cá nhân tôi không nghĩ rằng người Mỹ sẽ thể hiện sự hỗ trợ rõ ràng của mình đối với Nhật Bản về vấn đề này" - ông Zhao thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã.

Washington sẽ không hỗ trợ Nhật Bản trong tranh chấp Senkaku?
Washington sẽ không hỗ trợ Nhật Bản trong tranh chấp Senkaku?

Mặc dù Nhật Bản đang đẩy nhanh quá trình quốc hữu hóa Senkaku trong nỗ lực khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Tuy nhiên, chính phủ Tokyo đang phải đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan do sức ép từ cả hai phe ủng hộ và phản đối.

Phát biểu trước Hạ viện ngày 25/7, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã không đáp lại ngay đề nghị của một số nghị sĩ nước này yêu cầu cho phép họ tới thăm Senkaku vào giữa tháng 8 để tưởng niệm những người đã hy sinh trong Thế Chiến II. 
Thủ tướng Noda nhắc lại lệnh cấm đặt chân lên đảo và nội các của ông sẽ đưa ra câu trả lời sau khi xem xét đề nghị trên - tờ Sankei Shimbun cho biết.
Trước đó, ngày 19/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch cho phép người dân tới quần đảo Senkaku của chính quyền thành phố Tokyo. 
Tuy nhiên, thư ký nội các Nhật Bản Osamu Fujimura hôm 22/7 đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố trên và cho biết nhận xét đó không xuất phát từ quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng và nhấn mạnh rằng ông Morimoto chỉ bày tỏ ý kiến ​​cá nhân của mình.
Nguyễn Hường (nguồn China Daily)