Tranh giành ăn buffet: "Người TP hãy về nhà quê học lại cách ăn uống"

29/07/2012 07:25
Độc giả Phạm Thị Thủy
(GDVN) - "Những người ăn buffet hẳn là người giàu có, có địa vị trong xã hội, nhưng nhìn cảnh này thì quả thật tôi thấy thật xấu hổ, đúng là miếng ăn là miếng nhục. Những người thành phố hãy nên về nhà quê mà học lại cái cách ăn uống...", độc giả Phạm Thị Thủy bày tỏ.
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải đoạn clip: "Sốc" với kiểu ăn buffet 'vồ' có 1-0-2 tại nhà hàng ở Sài Gòn, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả gửi về bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình trước những hành động tranh cướp, xâu xé của những người khách trong đoạn clip.Một trong những ý kiến đó là của độc giả Phạm Thị Thủy cho rằng, những hành động xâu xé của các thực khách trong đoạn clip là không thể chấp nhận được, điều đó thật đúng với câu miếng ăn là miếng nhục và những người thành phố nên về nhà quê mà học lại cách ăn uống...Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải bài viết này. Mời độc giả cùng theo dõi:
Tranh giành ăn buffet: "Người Thành phố hãy về nhà quê học lại cách ăn uống" Là một thực khách Hà Nội đã đi ăn ở nhiều nơi nhưng thực sự khi được xem xong những hình ảnh xâu xé thức ăn của các thực khách với kiểu ăn buffer trong đoạn clip mới đây tại một nhà hàng ở Sài Gòn tôi thực sự rất "sốc" và chỉ còn biết nói hai từ "chào thua"... Quả thực, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến, được "thưởng ngoạn" những hình ảnh phải nói là có một không hai trong phong cách ăn buffet và có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới xuất hiện cảnh ăn buffer như vậy.
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip

Tôi cũng đã đi ăn buffet nhiều lần ở Hà Nội nhưng thực sự, tôi thấy rằng, những người phục vụ xuất hiện trong các bộ đồng phục, tuần tự tiếp đồ ăn khi các món đó hết. Còn những thực khách đến thưởng thức thì ăn uống rất nhẹ nhàng, từ tốn, xếp hàng tuần tự để lấy thức ăn chứ không ồn ào, xâu xé, rồi lại cười vang, thích thú đến như thế này.

Clip:

Clip: "Sốc" với kiểu ăn buffet 'vồ' có 1-0-2 tại nhà hàng ở Sài Gòn

Dù không có thật nhiều kiến thức văn hóa nhưng những gì tôi được giáo dục thì tôi cũng hiểu biết sơ qua rằng, ăn uống trong ba nét văn hóa "ăn - mặc - ở và đi lại" luôn đóng vai trò quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Ông bà ta xưa thường có câu "ăn trông nồi, ngồi trông hướng"; "trời đánh tránh miếng ăn";... Nhưng với cái cảnh ăn uống như trong đoạn clip trên thì tôi thấy nó vừa không hề "trông nồi" mà còn thật ứng với câu tục ngữ mà cha ông ta đã đúc rút: "miếng ăn là miếng nhục" Không "nhục" sao được khi hàng chục con người chỉ vì miếng ăn mà tranh nhau, xâu xé ngay ở một chỗ công cộng, biết bao con mắt dòm vào, đó là chưa kể dùng cả tay không, rất mất vệ sinh, bốc lấy bốc để cho đầy đĩa thức ăn của mình...  Và thực sự, tôi cũng không dám nghĩ đến cái cảnh mà những đứa trẻ, con của các ông bố, bà mẹ trong đoạn clip này nếu được chứng kiến hành động xâu xé thức ăn của bố mẹ, chúng sẽ nghĩ sao đây. Đó có phải là một bài học bổ ích về thói quen, văn hóa ăn uống? Tôi cũng biết, để đi ăn buffet số tiền các thực khách bỏ ra cũng không phải nhỏ nên nhiều người thường có tâm lý phải "nhanh chân, lẹ mắt, mạnh tay", thậm chí là suy nghĩa theo kiểu "đã mất tiền mua mâm thì phải đâm cho nó thủng", để có được những món ăn tươi sống, ngon nhất cho vào đĩa của mình... Nhưng, nếu chỉ vì những lý do như vậy mà lại có các hành động tranh nhau thức ăn thì tôi thấy thực sự là xấu hổ thay cho những người này. Ăn buffet là để tạo cảm giác thoải mái nhất cho người ăn. Người ăn có thể thoải mái chọn rất nhiều các món khác nhau. Nhưng không phải như vậy mà lại lãng phí, tham lam đến mức như vậy.  Chưa kể, những thức ăn đấy được ăn hết thì không sao nhưng nếu không ăn hết thì đúng thật là rất lãng phí. Nếu xem kỹ đoạn clip, chúng ta sẽ thấy rõ, những người đi ăn buffet ở đây chắc hẳn là những người giàu có, có địa vị trong xã hội,... Nhưng nhìn những cảnh này thì quả thực, rất đáng thất vọng, chê trách.
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip
Cũng cần thấy rằng, người thành phố thường chê người nhà quê nọ kia, nhưng khi về các vùng quê thưởng thức các bữa cơm bình thường đến những bữa cỗ linh đình, tôi lại thấy họ ăn uống thực sự rất từ tốn, trật tự. Khi tôi đến ăn ở một đám cưới, mọi người chỉ bắt đầu dùng món khi mâm đã được sắp xếp đủ người. Trong bữa ăn dù toàn là những người đàn ông được thường được gán cho cái danh xấu là "phàm phu tục tử", nhưng thực chất không phải như vậy. Người ta ăn uống rất lịch sự, có người trên, người dưới trong mâm. Thức ăn được gắp cho từng người một và chia rất đều. Dù có chén rượu bên cạnh nhưng không hề có cái cảnh ăn uống nhồm nhoàm, dùng tay bốc thức ăn hay như cái cảnh bốc lấy bốc để thức ăn như hình ảnh trong đoạn clip. Ngay cả những mâm phụ nữ cũng vậy, dù rằng, đi ăn cỗ là mất tiền, dù rằng, có nhiều món bình thường họ chẳng dám mua, chỉ có cỗ mới được thưởng thức... nhưng họ lại ăn uống rất có ý thức, lịch sự... Ngay trong bữa ăn cơm bình thường cũng vậy, mọi người trong gia đình ăn uống rất vui vẻ. Tôi thường thấy, bố mẹ hay dành những lời nhắc nhở thường xuyên về chuyện ăn uống đối với con mình. Từ chuyện và cơm thế nào, gắp thức ăn ra sao... đến chuyện đi ăn cỗ, ngồi vào bàn phải thế nào, ăn uống thế nào... Và tôi thấy một điều rất rõ ràng, mọi người ở quê thường nói với nhau, dù ở nhà có thế nào đi chăng nữa nhưng khi đã đến chỗ đông người để ăn uống thì phải đoàng hoàng, lịch sự, có trước có sau, để người ta còn trông vào khỏi đánh giá... Đó là điều mà tôi nghĩ rằng, những người thành phố ở trong đoạn clip thưởng thức buffet này đang thiếu rất trầm trọng. Như tôi đã nói ở trên, những người thành phố đi ăn buffet trong đoạn clip này hầu hết đều ăn mặc rất lịch sự, bảnh bao nhưng những hành động của họ thì quả thật đúng là "miếng ăn là miếng nhục". Tôi thật xấu hổ với những cảnh này. Và có lẽ, tôi nghĩ rằng, những người thành phố hãy nên về quê để mà học lại cách ăn uống... * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Phạm Thị Thủy